Ngoại giao Thái Lan có một năm thành công rực rỡ
VOV.VN - Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những chuyển biến mau lẹ và phức tạp giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, có thể thấy ngoại giao Thái Lan đã ghi nhận những dấu ấn nổi bật.
“Chính sách ngoại giao của Thái Lan được thực hiện nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia, quyền lợi và mục tiêu của người dân Thái Lan, chứ không phải của bất kỳ quốc gia nào khác”, Đại sứ Thái Lan tại Mỹ, nguyên Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat khẳng định, đồng thời cho biết chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác và duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương ASEAN là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của nước này.
Đột phá trong ngoại giao song phương
Cùng với việc củng cố, duy trì và tăng cường quan hệ song phương với các nước đồng minh, đối tác trên phạm vi toàn cầu theo các thỏa thuận cấp cao, kế hoạch, chương trình hành động chung, ngoại giao song phương của Thái Lan năm 2022 ghi nhận những thành tựu có tính đột phá.
Thắng lợi ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2022 chính là việc Thái Lan và Saudi Arabia khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao, chấm dứt hơn ba thập kỷ thù địch, vốn khởi nguồn từ vụ trộm đá quý ở Saudi Arabia bởi một công dân Thái Lan năm 1989.
Tầm quan trọng của Saudi Arabia khiến các chính quyền trước đây ở Thái Lan nhiều lần tìm cách hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với Riyadh nhưng không thành công. Do đó, việc Thủ tướng Prayuth ngày 25-26/1 thăm Saudi Arabia, hàn gắn quan hệ song phương là “điểm cộng”, nâng cao uy tín, hình ảnh trong nước. Sau chuyến thăm, quan hệ Thái Lan - Saudi Arabia phát triển ở mức độ “chóng mặt” với việc hai nước liên tục tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, trong đó có chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 của Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman.
Cùng với lòng tin chính trị được tăng cường, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư đi vào thực chất với những thỏa thuận hợp tác đầu tư hàng tỷ USD vào Thái Lan, thỏa thuận xuất khẩu lao động Thái Lan sang Saudi Arabia… Đặc biệt, ước tính khoảng 300.000 khách du lịch Saudi Arabia đến Thái Lan trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào đà phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch “xứ sở Chùa Vàng”.
Bên cạnh đó, bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia còn giúp Thái Lan thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Điều này có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán mang tính xây dựng giữa Chính phủ Thái Lan và các nhóm phiến quân Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan.
Một dấu ấn ngoại giao khác trong năm 2022 là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm chính thức Thái Lan và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà. Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 16 năm kể từ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2006.
Trong hội đàm song phương, Thủ tướng Thái Lan và Tổng thống Pháp đã nhất trí thực hiện ngay lập tức các ưu tiên trong Lộ trình Quan hệ Thái Lan - Pháp giai đoạn 2022 - 2024, đưa hợp tác Thái Lan - Pháp đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới việc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2024. Theo các nguồn tin ngoại giao, điều đáng nói là việc phía Pháp đã chủ động đề nghị phía Thái Lan mời Tổng thống Pháp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022.
Pháp là một trong những thành viên chủ chốt của EU, G7 và G20. Sự hiện diện của Pháp tại Tuần lễ cấp cao APEC 2022 sẽ giúp nâng cao vị thế của nước chủ nhà, là cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa APEC với EU. Đồng thời, phía Pháp cũng chủ ý mong muốn tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Pháp - Nga tại Bangkok vào thời điểm có những thông tin Tổng thống Putin cũng sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022.
Trong năm 2022, cũng không thể bỏ qua việc Thái Lan tổ chức kỷ niệm 135 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản với điểm nhấn là việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và Bao trùm nhân chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nhật Bản từ 01-02/5. Thái Lan cũng đã có nhiều hoạt động tổ chức kỷ niệm 125 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ.
Cân bằng các nước lớn
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, tần suất các chuyến thăm viếng, trao đổi đoàn giữa Thái Lan với Trung Quốc và Mỹ diễn ra khá dày đặc. Chuyến thăm Thái Lan và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris; và trước đó là hai chuyến thăm Thái Lan chỉ cách nhau 1 tuần của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (4-5/7) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (9-10/7) đã thu hút sự chú ý rất lớn từ phía học giả, nhà nghiên cứu và cả người dân Thái Lan.
Riêng đối với quan hệ Thái Lan - Mỹ, học giả Kavi Chornkittavorn cho rằng sau nhiều năm “lạnh nhạt”, Chính phủ Thái Lan năm 2022 chứng kiến những động thái “chấn động” từ phía Mỹ với việc Chính quyền Tổng thống Biden dường như “đột nhiên” nhận ra Thái Lan vẫn là một đồng minh quan trọng trong khu vực mà Mỹ chưa khai thác hết. Vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 190 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023, Mỹ đã tích cực tiến hành các chuyến thăm của các quan chức cấp cao tới Thái Lan, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indopacom) John Aquilino…
Không cần phải bình luận quá nhiều, những động thái này chắc chắn nằm trong nỗ lực của hai siêu cường nhằm củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Lan, cạnh tranh ảnh hưởng, lôi kéo Thái Lan theo quỹ đạo riêng của từng nước.
Vậy làm thế nào để Thái Lan có thể xử lý hài hòa quan hệ với cả hai siêu cường là đối thủ của nhau, nhất là khi có thông tin còn cho biết cả phía Mỹ và Trung Quốc đều muốn đến Thái Lan vào cùng một ngày. Một quan chức cấp cao của Thái Lan đã trả lời rất đơn giản: “Hãy thư giãn và cởi mở, chúng ta có tất cả thời gian mà chúng ta cần. Họ đến đây để tăng cường quan hệ với Thái Lan, không phải để gây chiến”.
Điều đó cho thấy Chính phủ Thái Lan rất tự tin với chính sách ngoại giao nước lớn của mình. Đó là việc cố gắng duy trì trạng thái cân bằng nhằm tránh bị thiệt hại trực diện do cạnh tranh nước lớn, mặt khác vẫn tận dụng sự hỗ trợ của các cường quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Thái Lan cũng nhấn mạnh chính sách này trong một tuyên bố năm 2018, rằng nước này sẽ “duy trì chính sách cân bằng trong quan hệ với các siêu cường cũng như các nước lớn, được định hướng bởi các nguyên tắc can dự mang tính xây dựng, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Ngoại giao đa phương - Vượt kỳ vọng
Điểm nhấn của ngoại giao đa phương Thái Lan năm 2022 chính là việc chủ trì và tổ chức thành công Năm APEC 2022 với chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng”. Hầu hết các nhận định đều cho rằng Thái Lan đã tổ chức Năm APEC 2022 thành công vượt lên trên cả kỳ vọng, qua đó ghi dấu ấn, nâng cao vị thế trong khu vực, quốc tế. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm, các nền kinh tế thành viên APEC mới tổ chức Tuần lễ cấp cao theo hình thức trực tiếp.
Sự tham dự của hầu hết người đứng đầu các nền kinh tế thành viên, 2 khách mời đặc biệt là Tổng thống Pháp và Thủ tướng Saudi Arabia (Thủ tướng Campuchia không thể tham dự vào phút chót do mắc Covid-19) cùng hơn 5.000 khách mời cho thấy các nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn sớm nối lại trao đổi, hợp tác trực tiếp để tăng cường gắn kết, kết nối chặt chẽ trong chương trình nghị sự và nội dung thảo luận ở cả kênh Chính phủ và doanh nghiệp.
Thái Lan đã tận dụng triệt để cơ hội là chủ nhà của Năm APEC 2022 để lồng ghép thúc đẩy thảo luận các đề xuất/sáng kiến nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế của nước này. Trên cơ sở điều phối khéo léo, nước chủ nhà đã cân bằng quan điểm, cách tiếp cận và lợi ích của tất cả các bên để đạt được đồng thuận, thông qua 3 văn kiện quan trọng nhất của Năm APEC 2022 gồm: Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn - Xanh (BCG), Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế và Tuyên bố chung của Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC. Những dấu ấn này sẽ còn được đề cập trong nhiều năm tới, nhất là Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế BCG với việc APEC hàng năm tổ chức lễ trao giải thưởng về những ý tưởng thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế BCG hiệu quả, thiết thực.
Thành công của Năm APEC 2022 cũng là thành công của ngoại giao kinh tế đa phương. Những đề xuất/sáng kiến của Thái Lan được APEC thông qua sẽ hỗ trợ nước này triển khai các đại dự án, chiến lược như Hành lang Kinh tế phía Đông, Chiến lược Thái Lan 4.0…, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần quan trọng của khu vực, trung tâm y tế thế giới và trung tâm kỹ thuật số khu vực.
Một dấu ấn khác không thể không nhắc đến của ngoại giao kinh tế đa phương, đó là việc Thái Lan và EU ngày 14/12 đã chính thức ký kết Hiệp định Hợp tác và Đối tác (Thai - EU PCA) sau gần 10 năm đàm phán. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ định hình tích cực cho mối quan hệ Thái Lan - EU, góp phần tăng cường đối thoại chính trị trong các vấn đề cùng quan tâm, đồng thời, giúp mở rộng phạm vi hợp tác cùng có lợi trong một loạt các lĩnh vực như thương mại - đầu tư, môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, nông nghiệp… giữa hai bên. Đây cũng sẽ là tiền đề, cung cấp động lực cần thiết để hai bên thúc đẩy các cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do (ETFTA) đầy đủ trong một tương lai không xa.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra quyết định nhanh chóng trở thành một trong 14 nước khởi động đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng. Điều này không chỉ hứa hẹn mang lại những lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn động thái của Thái Lan đã nhận được sự “tán thưởng” từ phía Mỹ.
Có thể thấy chính sách ngoại giao “linh hoạt” và những nỗ lực của ngành ngoại giao Thái Lan năm 2022 đã mang lại sự ổn định, vai trò và vị thế lớn hơn cho “Xứ sở Chùa Vàng”. Những kết quả này sẽ tạo tiền đề để Thái Lan chủ động thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, nhất là với các đồng minh, đối tác quan trọng và các nước láng giềng. Với nỗ lực theo đuổi lợi ích quốc gia trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ngoại giao Thái Lan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì mối quan hệ cân bằng nước lớn, đồng thời chủ động củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc tầm trung toàn cầu như một chiến lược phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, vai trò chủ động, tích cực trong tham gia các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, APEC, Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực - BIMSTEC (Thái Lan đảm nhận vai trò Chủ tịch BIMSTEC năm 2023)… cũng sẽ giúp Thái Lan thúc đẩy các lợi ích quốc gia, quyền lợi và mục tiêu của người dân nước này./.