Nguyên nhân sâu xa khiến Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga dù là thành viên NATO
VOV.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang thúc đẩy quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Nga bất chấp căng thẳng giữa NATO và Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường nhập khẩu dầu thô Nga và đang hợp tác với Moscow để xây dựng một trung tâm khí tự nhiên và nhà máy điện hạt nhân. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh phương Tây đang cố gắng hạn chế doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng.
Tổng thống Erdogan cũng tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Nga để duy trì nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sau những bất ổn các năm qua.
Việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga là một phần trong chiến lược của Tổng thống Erdogan nhằm đảm bảo vị trí đặc biệt của Ankara trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như cân bằng quan hệ giữa Moscow và phương Tây. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho Ukraine và đóng cửa Biển Đen với các tàu chiến của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan cũng duy trì quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ trở thành địa điểm tổ chức hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức Nga với các quan chức phương Tây và Ukraine.
"Tổng thống Erdogan cần Nga bởi Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ tốt đẹp với các thành viên NATO", Arif Akturk, chuyên gia tham vấn về năng lượng, đồng thời là cựu giám đốc điều hành công ty khí đốt sở hữu nhà nước Botas của Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay.
Các quan chức phương Tây cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được cho phép hệ thống tài chính của mình trở thành thiên đường trú ẩn để Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Các quan chức Mỹ và EU thậm chí đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Năng lượng là trung tâm trong mối quan hệ phát triển giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Moscow giúp Ankara hạn chế sức ép lên nền kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ankara nhập khẩu gần 2,5 triệu thùng dầu từ tháng 3/2022, so với 1,3 triệu thùng trong cả năm 2021, theo dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Kpler. Dầu thô Nga chiếm khoảng 40% nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với con số 21% năm 2021. Tỷ lệ này thậm chí tăng cao hơn trong những tháng gần đây, chiếm khoảng 2/3 số lượng vận chuyển.
Thực tế này diễn ra giữa bối cảnh phương Tây, mà dẫn đầu là Mỹ, đưa ra sáng kiến giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, song không loại bỏ nguồn cung từ Moscow khỏi thị trường toàn cầu. G7 cùng với Australia đã nhất trí áp giá trần dầu thô Nga, đồng thời cấm các công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm hàng hóa phương Tây mua với giá trên 60 USD/thùng. Các nước G7 và EU đã dừng nhập khẩu phần lớn dầu thô Nga.
Theo kế hoạch áp giá trần, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua dầu thô Nga với mức giá dưới giá trần hoặc nếu các dịch vụ của các công ty phương Tây được sử dụng để trao đổi dầu mỏ, các quan chức Mỹ cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường cung cấp hàng hóa cho Nga để Moscow không cần nhập khẩu từ châu Âu. Những loại hàng hóa này rất đa dạng từ vải vóc, hoa quả, rau củ cho tới các sản phẩm công nghiệp. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga đã tăng 2,3 tỷ USD từ tháng 5 - 10/2022, so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế.
Một số mặt hàng xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga tăng lên có thể là do sự thay đổi tuyến đường trao đổi giữa EU và Nga. Hàng trăm công ty Nga đã dịch chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thành lập các trụ sở ở nước này để tránh các biện pháp hạn chế từ EU hoặc các quốc gia khác.
Theo một số nhà phân tích, ở một khía cạnh nào đó, Tổng thống Erdogan đã gắn tương lai chính trị của mình vào mối quan hệ với Tổng thống Putin. Dòng chảy đầu tư cùng với năng lượng giá rẻ từ Nga đang có vai trò quan trọng trong việc làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đồng lira giảm hơn một nửa giá trị vào cuối năm ngoái.
Các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần ngoại tệ để ngăn chặn sự lao dốc của đồng lira sau khi cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp trong năm nay. Theo các nhà kinh tế học, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã chi ít nhất 60 tỷ USD ngoại tệ để đẩy giá đồng lira.
Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích riêng của mình
"Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí khác biệt hơn so với châu Âu. Họ có những lợi ích riêng của mình", Erik Meyersson, nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng Handelsbanken của Thụy Điển cho hay.
Tổng thống Erdogan đã nhất trí hồi tháng 10 về đề xuất của Nga nhằm thiết lập một trung tâm khí tự nhiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch này, theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ hoàn tất vào cuối năm, đánh dấu tham vọng của nước này trong việc trở thành một trung tâm xuất khẩu khí đốt tới châu Âu.
Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây rất thận trọng với việc nhập khẩu khí đốt mới từ Nga bởi các lệnh trừng phạt và sự khó khăn trong việc xây dựng các đường ống mới trên Biển Đen, chủ yếu do những rủi ro từ cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.
Ankara phụ thuộc vào tập đoàn khí tự nhiên Nga Gazprom PJSC, vốn cung cấp 43% nhu cầu trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022, công ty tham vấn Energy Aspects cho hay. Quốc gia này cũng đối mặt với rủi ro nếu Nga đột ngột dừng cung cấp khí đốt. Nga từng đóng cửa đường ống Blue Stream tới Thổ Nhĩ Kỳ trong 9 ngày hồi tháng 5 với lý do bảo trì. Đường ống này cung cấp khoảng một nửa khí đốt của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, đây là rủi ro mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ giữa bối cảnh Ankara và Moscow tồn tại một số bất đồng trong những năm gần đây. Hai nước từng ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya và khu vực Nam Kazkav.
Công ty điện hạt nhân sở hữu nhà nước của Nga Rosatom hiện đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ do công ty này sẽ sở hữu và vận hành. Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc trao đổi với Rosatom về việc xây dựng nhà máy thứ hai trên Biển Đen.
Hồi tháng 7, Nga đã chuyển 5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục xây dựng nhà máy điện đầu tiên, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Nga dự kiến sẽ cung cấp thêm 10 tỷ USD cho nhà máy này trong giai đoạn sau./.