Nguyên nhân sâu xa sau quyết định của Trump hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều
VOV.VN - Cơ hội “ngàn năm có một” về một cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã bị hủy bỏ dù được sự khích lệ của thế giới.
Trong một động thái đầy bất ngờ, tối 24/5 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
Trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào lúc này là "không thích hợp". Vậy lý do thực sự nào khiến Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định như vậy?
Tổng thống Trump hủy cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều. Ảnh: AFP/Getty Images |
Nguyên nhân thực sự trong quyết định của Tổng thống Trump?
Nguyên nhân thực sự trong quyết định của Tổng thống Trump đó là nước Mỹ là nước lớn và với vị thế của Mỹ thì Washington không thể xuống nước trước Triều Tiên. Việc Triều Tiên liên tục đưa ra lời đe dọa hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây nhằm gây sức ép với Mỹ như một chiến thuật để đạt được thế mặc cả đã không có tác dụng với Tổng thống Trump.
Ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên cũng là lời tuyên bố cứng rắn rằng, Mỹ luôn là nước chiếm thế thượng phong và là nước quyết định chứ không phải bất kỳ nước nào khác. Bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên đi kèm lời nhắn nhủ rằng nếu ông Kim Jong-un thay đổi ý định thì báo cho ông Trump biết. Điều đó cho thấy Tổng thống Mỹ muốn thể hiện ông mới là người quyết định cuối cùng. Việc ông Trump hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng sẽ gây sức ép với Triều Tiên và đặt Mỹ ở vị thế cao hơn trong đàm phán thương lượng.
Nguyên nhân thứ hai có thể là giữa Mỹ và Triều Tiên chưa thống nhất được những thỏa thuận nhất định và cần thêm thời gian cho đàm phán và các nỗ lực ngoại giao, do đó Thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa thể diễn ra.
Nếu cuộc gặp diễn ra theo dự kiến mà kết quả không đáng kể thì đây sẽ là một thất bại đáng kể đối với Tổng thống Trump. Chính vì vậy mà mới đây, ông Trump đã úp mở việc cuộc gặp sẽ không diễn ra theo dự kiến trước khi công bố quyết định cuối cùng hôm 24/5.
Hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ông Trump từ bỏ giấc mơ Nobel Hòa bình
Dư luận phản ứng khi Trump hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tuyên bố của Tổng thống Trump đã gây ra nhiều phản ứng từ dư luận trong nước cũng như quốc tế. Phe bảo thủ trong Quốc hội Mỹ lập tức hoan nghênh quyết định Tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn và Mỹ cùng các đồng minh cần tiếp tục phối hợp hướng tới một giải pháp hòa bình và điều này yêu cầu sự nghiêm túc ở mức độ cao hơn từ phía Triều Tiên. Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer thì cho rằng, nếu một cuộc gặp được tổ chức thì Mỹ phải chứng tỏ được sức mạnh và phải thực sự chấm dứt năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, một số Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng, nghệ thuật ngoại giao khó khăn hơn nhiều so với nghệ thuật đạt được các thỏa thuận, ngụ ý rằng việc hủy cuộc gặp cho thấy ông Trump thiếu sự chuẩn bị nhất định trong việc đối phó với các chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như với lãnh đạo Nga và Trung Quốc trước đây. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Nancy Pelosy cho rằng, quyết định này là một thắng lợi cho ông Kim Jong-un.
Trên bình diện quốc tế, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng quan ngại sâu sắc, đồng thời lấy làm tiếc về việc hủy bỏ cuộc gặp lịch sử đã lên kế hoạch từ trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi hai nước duy trì đối thoại để tìm ra con đường phi hạt nhân hóa và tạo dựng hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.
Singapore cũng đã ra tuyên bố lấy làm tiếc cuộc gặp đã không diễn ra và mong rằng đối thoại để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp diễn.
Trong khi đó, tuyên bố hủy gặp Triều Tiên của Tổng thống Mỹ khiến chính phủ Hàn Quốc bất ngờ. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ đột ngột hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đóng vai trò quan trọng trong các tiến triển ngoại giao gần đây với Triều Tiên, đã họp khẩn cùng đội ngũ cố vấn vào lúc nửa đêm nhằm xem xét và đối phó với diễn biến mới nhất kể trên.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, Anh thất vọng vì cuộc gặp đã không diễn ra theo dự kiến đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng của Triều Tiên sau tuyên bố hủy họp của Tổng thống Trump
Hệ quả sau quyết định của Trump?
Tuyên bố hủy bỏ Thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Trump dường như sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến quan hệ hai nước hiện nay. Căng thẳng về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể không leo thang lên mức nghiêm trọng mới, ít nhất là trong ngắn hạn.
Các tuyên bố chỉ trích, đe dọa lẫn nhau của lãnh đạo hai nước có thể sẽ bùng phát nhưng chưa đủ sức dẫn tới hành động quân sự. Thực tế cho thấy mặc dù tuyên bố hủy bỏ Thượng đỉnh nhưng cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều bày tỏ hy vọng rằng hai nước có thể nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào thời điểm thích hợp khác.
Ngoài ra, giới chức Lầu Năm Góc cũng cho biết, Mỹ không tăng cường trạng thái cảnh giác đối với Triều Tiên mặc dù trước đó Tổng thống Trump đã lớn tiếng đe dọa quân đội nước này sẵn sàng đáp trả nếu Bình Nhưỡng có các hành động liều lĩnh.
Không chỉ vậy, truyền thông Mỹ hôm 24/5 dẫn lời một số quan chức nước này cho biết, khi phái đoàn Mỹ đến Singapore để chuẩn bị hậu cần cho Thượng đỉnh đã không gặp được phái đoàn Triều Tiên cũng như không nhận được bất cứ thông tin gì từ phía Bình Nhưỡng. Về phía Tổng thống Trump, một số quan chức Mỹ tiết lộ, ông Trump dường như không nắm chắc vấn đề, đặc biệt về tiến trình loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Điều này có nghĩa là cả Mỹ và Triều Tiên chưa chuẩn bị đầy đủ cũng như chưa sẵn sàng cho cuộc gặp lần này. Giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không thể hoàn thành chỉ sau một cuộc gặp và quyết định hủy và bày tỏ hy vọng vào một thời điểm khác có lẽ là hợp lý với cả hai bên. Chính vì thế, khả năng lớn là quan hệ Mỹ-Triều vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay trong bối cảnh không chỉ hai nước mà các nước khác có liên quan như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm thương lượng, mặc cả lẫn nhau để có được lợi ích cao nhất./.
Toàn văn bức thư Tổng thống Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên