Ông Trump sốt sắng mời Tổng thống Nga thăm Mỹ giữa tâm bão chính trị
VOV.VN - Tổng thống Trump đã yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton “soạn thảo giấy mời” người đồng cấp Nga Putin tới Washington.
Giữa lúc làn sóng chỉ trích cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ chưa kịp lắng xuống, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có ý định mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Washington vào mùa thu này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders ngày 19/7 thông báo, nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton chuyển lời mời tới Tổng thống Nga.
Ông Trump mời ông Putin tới Washington. Ảnh: AP
Người phát ngôn của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng đã xác nhận thông tin trên. Lời mời ông Putin sang thăm Washington được công bố giữa lúc Nhà Trắng còn đang loay hoay tìm cách xử trí trước tâm bão chính trị hậu Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra hôm 16/7 tại Helsinki, Phần Lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với sức ép lớn từ chính nội bộ nước Mỹ, khi cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều tỏ ra hết sức bất bình trước những phát ngôn của người đứng đầu nước Mỹ trong cuộc gặp cách đây vài ngày với người đồng cấp Nga Putin. Ông Trump bị chỉ trích là đã quá mềm mỏng tại Helsinki, vì đã không thể hiện thái độ đối đầu với Nga, không kịch liệt lên án Moscow can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, mà theo kết luận của cộng đồng tình báo là nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử.
Một loạt các phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức được đưa ra từ cả phía Nga và Mỹ ngay sau khi rộ lên thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin có thể sớm gặp lại nhau.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats ngày 19/7 tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sắp có cuộc gặp tại Washington. Vị quan chức này cũng cho biết thêm rằng, bản thân ông cũng không nắm được điều gì đã diễn ra trong cuộc gặp một đối một giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin hôm 16/7.
“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra trong cuộc họp đó. Tôi nghĩ, thời gian trôi qua và Tổng thống đã đề cập một số điều đã xảy ra trong cuộc họp đó. Tôi nghĩ chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học hơn. Nhưng đó là đặc quyền của Tổng thống. Nếu ông ấy hỏi tôi phải làm thế nào. Tôi đã đưa ra đề nghị khác. Nhưng đó không phải là vai trò của tôi. Đó không phải là công việc của tôi”, ông Dan Coats nói.
Trong khi đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer lại cho rằng, chừng nào những gì xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua tại Helsinki chưa được làm sáng tỏ, thì ông Trump không nên có thêm cuộc tiếp xúc riêng với ông Putin.
Khi Trump gặp Putin: Cơn “lốc xoáy” đảo lộn thế giới
Việc Tổng thống Trump yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton “soạn thảo giấy mời”, ngay cả khi các nhà lập pháp và quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ chưa được thông báo về nội dung mà ông và Tổng thống Putin bàn thảo trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên chỉ có dự hiện diện của các phiên dịch viên, chắc chắn ít nhiều sẽ làm “mất lòng” các nhà lập pháp Mỹ. Bằng chứng rõ nét là các thượng nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu phiên dịch viên của Tổng thống ra điều trần trước Quốc hội về nội dung thảo luận giữa hai lãnh đạo Nga-Mỹ.
Về phía đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker thậm chí còn đề xuất dự luật hạn chế một số quyền của người đứng đầu nước Mỹ, chẳng hạn các quyết định đánh thuế các đồng minh. Nghị sĩ hai đảng hôm qua cũng nhất trí soạn thảo dự luật mới để gia tăng trừng phạt Nga.
Trong khi nội bộ nước Mỹ đang sục sôi vì các diễn biến tại Thượng đỉnh ngày 16/7, thì phía Nga dường như lại đánh giá cao cuộc gặp vừa qua. Tổng thống Nga Putin ngày 19/7 khẳng định cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ cách đây vài ngày về tổng thể đã thành công, nhưng đang có những âm mưu to lớn từ các thế lực tại Mỹ nhằm phá hoại quan hệ song phương.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin có cơ hội gặp mặt đối mặt thêm một lần nữa giữa tâm bão chính trị hay không, khi mà không chỉ trong nội bộ nước Mỹ dậy sóng mà ngay cả các quốc gia châu Âu cũng đang tỏ ra hết sức bất an trước viễn cảnh các nhà lãnh đạo hai siêu cường này gặp nhau.
Tuy nhiên, dù đang hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ chính giới Mỹ, nhưng Tổng thống Trump dường như đang rất trông đợi vào cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Nga. Việc Tổng thống Mỹ sốt sắng gặp người đồng cấp Nga thêm một lần nữa càng khiến dư luận thêm tò mò về lý do thực chất đã khiến nhà lãnh đạo Mỹ có thể bất chấp việc nội bộ trong nước phản đối gay gắt ông có các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga./.
Nữ phiên dịch của Tổng thống Trump tại Thượng đỉnh Nga-Mỹ hứng chịu công kích