“Phán quyết từ Tòa PCA là chiến thắng của cả nhân loại”
VOV.VN - Luật sư trưởng Chính phủ Philippines Jose Calida cho rằng, phán quyết từ Tòa PCA là cơ hội để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Ngày 15/7, Luật sư trưởng Chính phủ Philippines Jose Calida lên tiếng cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giải quyết vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông là thắng lợi của công lý, củng cố niềm tin vào luật pháp quốc tế.
Quang cảnh bên trong Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan. (Ảnh: PCA)
“Vinh quang tột đỉnh của luật pháp quốc tế”
Reuters dẫn lời Luật sư trưởng Chính phủ Philippines Jose Calida phát biểu tại một diễn đàn về Biển Đông: “Điều này khẳng định rằng không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông. Phán quyết từ Tòa trọng tài là chiến thắng lịch sử không chỉ đối với Philippines… Nó làm sống lại niềm tin của nhân loại về quy tắc cơ bản của trật tự toàn cầu.
Chiến thắng này sẽ mở ra cơ hội giải quyết vấn đề cho tất cả các bên liên quan. Chiến thắng này cũng là vinh quang tột đỉnh của luật pháp quốc tế”.
Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giải quyết vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc và trước đó cũng đã không tham gia vào quá trình tố tụng.
Bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc đã có những phản ứng hết sức giận dữ với phán quyết nêu trên.
Một mặt ra sức vin vào những lý do thiếu thuyết phục để lấy cớ bác bỏ phán quyết của Tòa, mặt khác Trung Quốc âm thầm tìm kiếm sự ủng hộ đối với những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông bằng nhiều cách khác nhau.
Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: Reuters) |
Tiếp cận thận trọng
Về phía Philippines, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte ngày 14/7 đã chấm dứt sự im lặng bất thường trong những ngày qua bằng việc lên tiếng cho biết, ông muốn đối thoại với Trung Quốc và đang cân nhắc cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đàm phán.
“Chiến tranh không phải là một lựa chọn. Vậy chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi sẽ đàm phán một cách hòa bình”.
Reuters dẫn lời một Bộ trưởng giấu tên trong Chính phủ Philippines cho biết, ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài, Tổng thống Duterte – người thường được biết đến có tính cách bộc trực đã có cuộc nói chuyện riêng với các Bộ trưởng, yêu cầu họ không có các hành động và lời nói khiêu khích Trung Quốc.
Hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS) |
Ngày 15/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tiếp tục lên tiếng khẳng định nước này tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giải quyết vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc đưa ra hôm 12/7 về vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết, Philippines nỗ lực vì giải pháp hòa bình và sẽ tiếp tục can dự cùng các bên liên quan nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Tuy vậy, những tuyên bố thận trọng dường như đã phải thay đổi bởi đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự bất bình công khai từ phía người dân khi Chính phủ Philippines không phát đi những tín hiệu mạnh mẽ sau phán quyết.
Trong khi Philippines tỏ ra khá kiềm chế thì Mỹ - đồng minh thân cận của Manila cũng thúc giục các quốc gia châu Á không nên có những hành động quá khích sau phán quyết của Tòa.
Hải quân Mỹ ngày 15/7 cho biết, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson sẽ có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 17/7 và có cuộc gặp Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi để cải thiện “sự hiểu biết lẫn nhau”.
Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ tỏ ra kiềm chế sau phán quyết của Tòa trọng tài là điều dễ hiểu bởi Washington có đủ tỉnh táo để hiểu rằng, sức ép của cộng đồng quốc tế sau phán quyết của Tòa khó có thể khiến Bắc Kinh ngay lập tức thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Sự thận trọng của Mỹ trong thời điểm hiện tại là lựa chọn khôn ngoan để giới chức Washington tính tới những mục tiêu dài hơi hơn./. Vì sao EU chưa ra tuyên bố về phán quyết PCA vụ kiện Biển Đông?