Chuyên gia Mỹ Poling nói về phán quyết PCA và ý đồ của Trung Quốc
VOV.VN - Chuyên gia của Mỹ khẳng định phán quyết PCA là thắng lợi và là cơ sở pháp lý mới cho các nước bảo vệ lợi ích chính đáng ở Biển Đông trước Trung Quốc.
Tòa Trọng tài thường trực tại La Hay vừa ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố tại Biển Đông. Phóng viên Đài TNVN tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải của Mỹ về tác động của phán quyết, phản ứng của Trung Quốc cũng những vấn đề liên quan.
Ông Greg Poling. |
PV: Đâu là những điểm quan trọng nhất trong phán quyết vừa qua của Tòa Trọng tài thường trực, thưa ông?
Greg Poling: Theo tôi thì điểm quan trọng nhất là Tòa bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với đường 9 đoạn của Trung Quốc, có nghĩa là đường 9 đoạn này bị xóa bỏ. Theo phán quyết của Tòa, tất cả mọi đòi hỏi về biển mà Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông đều phải dựa trên thực thể đất, đá. Tòa cũng xác định rằng những thực thể được xem xét trong vụ kiện chỉ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý. Đây là phán quyết vô cùng quan trọng, không chỉ đối với Philippines mà còn cả các bên liên quan khác.
PV: Trước và sau khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc luôn khẳng định họ sẽ không tuân thủ phán quyết này. Theo ông thì đây chỉ là tuyên bố suông của Trung Quốc hay họ sẽ chắn chắn phớt lờ quyết định của tòa và thậm chí có những hành động trái với phán quyết?
Greg Poling: Tôi cho rằng Trung Quốc sẵn sàng làm điều này. Họ đã và sẽ tiếp tục làm như vậy. Trong vài năm qua, chúng ta luôn biết rõ rằng lập trường phản kháng của Trung Quốc đối với Tòa Trọng tài sẽ không thay đổi trước và sau ngày ra phán quyết.
Vấn đề ở đây là liệu Philippines và những nước đồng quan điểm như Việt Nam, Mỹ, Indonesia, Mỹ, Nhật, Australia… có thể duy trì sức ép quốc tế lên Trung Quốc và thuyết phục họ làm rõ những đòi hỏi của mình và tuân thủ phán quyết của Tòa. Tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian, bao lâu thì chúng ta chưa biết, có thể là 5 năm, nhưng chắc chắn là nó sẽ không thể diễn ra vào ngày mai.
PV: Là nước đi đầu trong nỗ lực đảm bảo trật tự tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, Mỹ cần làm gì để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài?
Greg Poling: Tôi cho rằng Mỹ thực sự đã bắt đầu chiến lược này. Trong vụ kiện của Philippines, Mỹ đã thảo luận với các nước đồng quan điểm để cùng lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa cũng như quyền khởi kiện ra Tòa Trọng tài của các nước. Đó là lý do vì sao cho tới trước ngày Tòa ra phán quyết thì đã có tới 40 nước kêu gọi Trung Quốc tuân thủ và chỉ có 10 nước ủng hộ Trung Quốc cho rằng phán quyết của Tòa không có hiệu lực. Tôi cho rằng toàn bộ 40 nước trên cùng nhiều quốc gia khác sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Greg Poling. |
Nhưng dù sao thì Mỹ cũng không thể dẫn dắt nỗ lực này vì Mỹ không phải là bên liên quan đến vụ kiện, phán quyết của Tòa không phải là thắng lợi của Mỹ mà là của Philippines.
Vì vậy mà dù Mỹ, Nhật, Australia có muốn thúc đẩy vấn đề tuân thủ phán quyết đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu Philippines không muốn đề cập đến, không đặt nó lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình thì mọi việc cũng chỉ như dã tràng xe cát. Tôi chắc chắn rằng chính phủ hiện nay cũng như chính phủ kế tiếp của Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ phán quyết của Tòa nhưng chính phủ Phillipines cần đóng vai trò chủ chốt ở đây. Họ cần lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
PV: Ông nghĩ rằng phán quyết của Tòa Thường trực sẽ góp phần gia tăng hay hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông?
Greg Poling: Trước mắt, căng thẳng sẽ gia tăng tại Biển Đông và chúng ta đã nhận thấy điều này. Nhưng về lâu dài, nếu Trung Quốc không tìm cách thay đổi hiện trạng, tạo nên sự đã rồi thì tôi cho đây là dấu hiệu tích cực. Nó giúp tạo ra ranh giới cho thương lượng trong tương lai. Với phán quyết của Tòa Thường trực thì ít nhất hiện nay đã có khung pháp lý chung để các nước căn cứ khi đưa ra đòi hỏi của mình.
PV: Theo ông thì Trung Quốc sẽ làm gì trong thời gian tới tại Biển Đông?
Greg Poling: Có rất nhiều điều Trung Quốc có thể sẽ làm. Kịch bản tích cực nhất là Trung Quốc sẽ chỉ tiếp tục gây khó dễ cho Philippines và phớt lờ phán quyết của Tòa. Có lẽ là họ sẽ không có những động thái quyết liệt trước thềm các hội nghị quan trọng trong thời gian tới như Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị bộ trưởng ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và nhất là Hội nghị G20 được tổ chức tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng sâu rộng của phán quyết, rất có thể Bắc Kinh cảm thấy cần phải phản ứng và khi đó họ sẽ có rất nhiều lựa chọn.
Tôi cho rằng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông là không thể tránh khỏi. Dù Tòa có phán quyết như thế nào thì Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố ADIZ, chỉ có điều là nhân dịp này thì họ sẽ đẩy nhanh lên thôi.
Chúng ta vừa thấy 2 máy bay dân sự đầu tiên của Trung Quốc hạ cánh tại đá Subi và đá Vành Khăn. Chừng nào mà Trung Quốc chưa điều máy bay chiến đấu ra đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thì chưa có ADIZ bởi vì họ không thể tuyên bố ADIZ mà không có máy bay chiến đấu để thực thi nó.
Trung Quốc có thể cũng sẽ tuyên bố đường cơ sở xung quanh khu vực Trường Sa như họ đã làm ở Hoàng Sa vào những năm 1995-1996.
Một khả năng nữa mà họ có thể lập tức thực hiện là bồi đắp bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo, hoặc một lần nữa phong tỏa tiếp tế cho binh sỹ Philippines đang đồn trú tại tàu hải quân Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây bất chấp phán quyết của tòa án là con tàu này nằm trong thềm lục địa của Philippines.
Nhưng cả hai phương án trên đều mang tính rủi ro cao. Vấn đề bãi Cỏ Mây liên quan trực tiếp đến cam kết hiệp ước quốc phòng giữa Philippines và Mỹ, còn trong trường hợp Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scaborough, Philippines phản ứng và Trung Quốc sát hại binh sỹ Philippines thì Mỹ sẽ buộc phải can thiệp theo hiệp ước với Philippines. Do vậy mà với cả hai sự lựa chọn trên thì Trung Quốc đều phải đối mặt với rủi ro thực sự là kéo Mỹ vào cuộc.
PV: Vậy các bên liên quan cần làm gì để ngăn chặn những hành vi gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc?
Greg Poling: Có những điều chúng ta có thể ngăn chặn Trung Quốc thực hiện nếu các bên đòi hỏi chủ quyền cùng các đối tác như Mỹ phản ứng đủ nhanh và mạnh. Chẳng hạn như có thể ngăn chặn Trung Quốc phong tỏa tiếp tế tại bãi Cỏ Mây hoặc bồi đắp bãi cạn Scarborough nếu chúng ta thực sự nhấn mạnh với Trung Quốc rằng họ sẽ phải gánh chịu hệ lụy gì và chúng ta sẵn sàng đi xa đến đâu để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng cũng có những điều mà chúng ta sẽ khó ngăn chặn Trung Quốc, chẳng hạn như việc họ tuyên bố ADIZ hay đưa tên lửa, máy bay ra Trường Sa. Chúng ta chỉ có thể phớt lờ ADIZ chứ không thể ngăn cản họ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không này.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về mối quan tâm đến Biển Đông của Tổng thống kế nhiệm ông Obama mà ở đây sẽ là bà Hillary Clinton hoặc ông Donald Trump?
Greg Poling: Nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống kế nhiệm, chúng ta có thể khá chắc chắn là hầu hết các chính sách về châu Á được xây dựng dưới thời chính quyền Tổng thống Obama sẽ được duy trì và thậm chí sẽ còn cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rõ điều này và chính vì vậy mà có vẻ như họ đang cố gắng hoàn tất một số việc tại Biển Đông trước khi Tổng thống Obama mãn nhiệm.
Đối với Donald Trump thì tuyên bố duy nhất của ông này về Biển Đông cho đến nay là Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự, nhưng lại đổ lỗi chuyện này cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiện vẫn chưa rõ là Donald Trump cũng như cố vấn của ông có chính sách rõ ràng về Biển Đông hay không. Do vậy mà tất cả sẽ phụ thuộc vào ai sẽ được chọn vào nội các, nhất là vị trí bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng…
Có vẻ như Donald Trump có tư tưởng bài Trung Quốc mạnh mẽ nhưng ông ấy rất khó lường nên nói thật là tôi cũng không biết thế nào. Nhưng tôi thực sự hoài nghi rằng ông ấy đang quan tâm nhiều đến vấn đề Biển Đông.
PV: Xin cảm ơn ông!