Pháp thay đổi chiến lược chống mại dâm – Mỹ học được gì?
VOV.VN - Pháp kỳ vọng luật chống mua dâm hướng đến mục tiêu giúp người bán dâm từ bỏ công việc,chuyển hướng sang làm nghề khác.
Một phong trào đang ngày càng phát triển ở Mỹ để vận động các nhà lập pháp nước này hướng tới việc xử lý gái mại dâm như là nạn nhân và khách hàng của họ là tội phạm trong hoạt động mua bán dâm. Mỹ có thể học hỏi được nhiều điều từ Pháp trong đến vấn đề này.
Theo luật mới, bất cứ ai bị bắt vì mua dâm sẽ bị phạt 1.500 euro và phải tham gia các lớp học về tác hại của tệ nạn mại dâm. (Ảnh: News.au)
Sau gần 3 năm với rất nhiều phiên tranh luận, Quốc hội Pháp ngày 6/4 cuối cùng đã bỏ phiếu thông qua Luật mới nhằm chống lại nạn mại dâm. Điểm chính và cũng là điều gây nhiều tranh cãi nhất của bộ Luật mới này là ở điều khoản phạt người mua dâm trong khi người bán dâm hoàn toàn vô tội.
Chống nạn buôn bán người
Theo France24, việc thông qua luật mới này là một minh họa “cụ thể và ấn tượng” cho sự thay đổi chiến lược bằng việc “định nghĩa lại” bên phạm pháp trong hoạt động mua bán dâm. Theo đó, khách mua dâm chính là người phạm tội trong khi gái mại dâm được coi là nạn nhân.
Nghị sỹ Maud Olivier, người ủng hộ việc thúc đẩy thông qua đạo luật mới về hoạt động mại dâm nói với tờ Le Monde: “Mục đích mà đạo luật hướng đến là giảm bớt mại dâm, bảo vệ người bán dâm muốn từ bỏ công việc và chuyển hướng sang làm nghề khác”.
Bà Olivier cũng cho biết thêm rằng: “Khía cạnh quan trọng nhất của luật này là để hỗ trợ gái mại dâm, cung cấp cho họ giấy tờ tùy thân vì chúng ta biết rằng, có tới 85% gái mại dâm ở đây là nạn nhân của bọn buôn người”.
Một cách tiếp cận tương tự cũng đang được các nhà lập Mỹ hướng tới nhưng mới giới hạn trong vấn đề mại dâm có liên quan đến trẻ vị thành niên. Trong khi đó, Pháp đã tiếp bước bốn quốc gia châu Âu khác là Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Anh, trở thành quốc gia thứ năm có thể buộc tội khách mua dâm.
Mặc dù đạo luật vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như chính giới Pháp, nhưng những người ủng hộ tin rằng, luật mới sẽ giúp ngăn chặn những người có ý định mua dâm thông qua hình phạt cũng như việc giải cứu những người phụ nữ bị buôn bán.
Chuyển hướng nghề nghiệp cho gái mại dâm
Trong một tuyên bố, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Gái mại dâm sẽ gặp nhiều rủi ro để bảo vệ khách hàng của mình không bị cảnh sát phát hiện”. Đây cũng có thể là một lý do khiến nhiều cô gái làm nghề này cảm thấy chán nản, muốn chuyển hướng sang công việc khác.
Bà Anne-Cecile Mailfert, Chủ tịch Quỹ Phụ nữ ở Pháp, quỹ chuyên cung cấp hỗ trợ cho các tổ chức quyền của phụ nữ cho biết, đạo luật mới sẽ giúp gái bán dâm có thể tìm kiếm sự bảo vệ tốt hơn của cảnh sát nếu cần.
Bà Mailfert nói: “Chúng tôi đang đưa cho họ (gái bán dâm) một công cụ mới để tự bảo vệ bản thân, nếu họ không muốn họ không cần phải gọi cảnh sát. Nhưng nếu có bất cứ điều gì xảy ra, nếu khách hàng sử dụng bạo lực hay làm điều gì đó sai trái, pháp luật sẽ đứng về phía họ”.
Helene de Rugy của Amicale du Nid, tổ chức từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của gái bán dâm từ năm 1946 cho biết, đa phần những phụ nữ đi theo con đường này vì bị ép buộc hoặc gặp phải vấn đề tài chính nghiêm trọng.
“Đạo luật này sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những người muốn thoát khỏi cảnh phải làm gái bán dâm và giúp họ tái hòa nhập xã hội thông qua việc cung cấp công việc, chỗ ở cho họ”, bà Helene de Rugy nói với tờ The Local.
Người biểu tình phản đối việc thông qua đạo luật phạt người mua dâm. (Ảnh: Reuters) |
Gái mại dâm không muốn được “giải phóng”
Theo France24, có khoảng 30.000 – 40.000 phụ nữ hành nghề bán dâm ở Pháp, 80% trong số đó là người nước ngoài. Một số gái bán dâm phàn nàn rằng, đạo luật chống mua dâm có thể khiến họ phải hoạt động lén lút hơn và vì thế mà việc tìm kiếm sự trợ giúp của cảnh sát cũng trở nên khó khăn hơn.
Ngay sau khi đạo luật được thông qua, có khoảng 60 người đã biểu tình bên ngoài Nghị viện Pháp ở Paris giơ cao biểu ngữ: "Đừng giải phóng tôi, tự tôi sẽ chăm sóc bản thân".
Elizabeth Lansey, một trong những người phản đối đạo luật mua dâm cho rằng, đạo luật này có thể đẩy người bán dâm vào những tình huống dễ bị tổn thương và ít được bảo vệ hơn.
“Nếu khách mua dâm bị phạt, họ sẽ sợ hãi vì thế mà gái bán dâm phải hoạt động lén lút dù đó là hoạt động pháp luật không cấm. Do đứng ở thế yếu trước pháp luật, khách mua dâm sẽ cho rằng mình có quyền đòi hỏi nhiều hơn, bao gồm cả việc yêu cầu thực hiện hành vi tình dục không an toàn”, Lansey nói.
Dù còn tranh cãi về tác động của đạo luật mới đối với gái bán dâm nhưng đa số họ đồng ý rằng, đạo luật này sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh của ngành công nghiệp tình dục. Qua đó, hoạt động mua bán dâm có thể sẽ chủ yếu thông qua mạng internet.
"Mại dâm trên đường phố đã bắt đầu biến mất vì Internet", Mylene Juste, một gái mại dâm ở Paris, nói với France24.
Mại dâm tại Trung Quốc vẫn “tung hoành” dù bị trấn áp
Tại Mỹ, lực lượng chức năng cũng đang bắt đầu thay đổi cách thức đối phó với mại dâm. Năm ngoái, tại California, bang có số lượng các trường hợp buôn bán người cao hàng đầu nước Mỹ, hành vi mua bán dâm trẻ vị thành niên đã bị cho gán tội “lạm dụng trẻ em”. Trong khi đó, gái bán dâm vị thành niên được định nghĩa là “nạn nhân trẻ em và đối tượng sống sót sau các vụ hiếp dâm” chứ không phải tội phạm.
Những thay đổi trong luật pháp của Mỹ hướng tới những gì mà Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Anh đã làm cho thấy xu thế của một quốc gia để nâng cao hiểu biết của người dân về tệ nạn xã hội – nguồn gốc của tội ác./.