Phương Tây bắt đầu xây dựng lại quân đội Libya
VOV.VN - Thời hậu Gaddafi, đất nước Libya chứng kiến bạo lực hoành hành, quốc hội chia rẽ, và quân đội non yếu gồm các cựu phiến binh.
Trên một sân diễu hành đầy bụi bên ngoài Tripoli, các tân binh diễu hành và hô các khẩu hiệu về một quân đội Libya mới mà các cường quốc phương Tây hy vọng có thể lật ngược tình thế trước các chiến binh đang đe dọa đẩy quốc gia Bắc Phi này vào tình trạng vô chính phủ.
Có ủng còn mới và trang phục được là phẳng nhưng các tân binh lục quân Libya sẽ còn cần nhiều thứ hơn nữa ngoài việc chỉ luyện tập để có thể đối đầu với các dân quân ngày một cứng rắn, các chiến binh Hồi giáo cũng như các đối thủ chính trị đang thử thách sự ổn định của quốc gia OPEC này.
Các tân binh của quân đội Libya đang huấn luyện ở Tripoli (ảnh: Reuters) |
Hai năm sau khi các tên lửa NATO giúp các phiến quân đẩy lui Muammar Gaddafi, Libya hiện đang bị chính các cựu phiến quân năm nào quay sang dùng vũ lực của mình để đưa ra các yêu sách về nhà nước, chiếm các mỏ dầu và tranh cãi về những bất cập của thời hậu chiến.
Với quân đội Libya vẫn đang trong quá trình xây dựng, các cường quốc phương Tây mong muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại đất nước cung cấp dầu mỏ cho châu Âu và tình trạng tuồn vũ khí bất hợp pháp từ đây ra khắp Bắc Phi.
>> Đọc thêm: Hệ lụy từ chính sách can thiệp của Mỹ và phương Tây
Thủ tướng Libya tháng trước có mặt ở London khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Anh Hague cam kết ủng hộ ông. Chỉ vài tuần trước đó, bản thân ông Zeidan đã bị các dân quân bắt cóc trong một thời gian ngắn khỏi khách sạn Tripoli.
Vô tổ chức, chia rẽ nội bộ
Tất cả mọi người đều nhất trí Libya cần được giúp đỡ. Nhưng sau 4 thập kỷ dưới sự cầm quyền của lãnh tụ Gaddafi thì tình trạng vô tổ chức kéo dài cộng với sự lãnh đạo yếu kém đã cản trở các nỗ lực hợp tác.
Cuộc chiến nội bộ giữa các phe tự do và Hồi giáo trong Quốc hội và mạng lưới các đồng minh dân quân của họ đã gây khó khăn cho các nỗ lực của phương Tây trong việc ổn định 1 đất nước mà sự can thiệp của NATO từng được xem như 1 hình mẫu vào 2 năm trước đây.
“Những gì diễn ra sắp tới phụ thuộc vào áp lực từ bên ngoài. Nếu chúng ta không thỏa hiệp, chúng ta sẽ mất Libya”, Tofiq al-Shahibi – một lãnh đạo của đảng Liên minh Các lực lượng Dân tộc nói. “Nếu chúng ta cứ nghĩ mình có thể tái thiết đất nước mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài thì chúng ta sẽ thất bại”.
Hiện trường một vụ giao tranh giữa đặc nhiệm Libya và phiến quân Hồi giáo (ảnh: Reuters) |
Quân đội mới của Libya đã và đang được đem ra “thử lửa”. Các vụ đụng độ tệ hại nhất ở Tripoli kể từ năm 2011 đã làm hơn 40 người chết vào tháng 11, khiến các dân quân bán hợp pháp phải rút khỏi thủ đô và để cho quân đội non trẻ nước này tiếp quản công tác tuần tra kể từ đó.
Ở Benghazi, nơi các chiến binh Hồi giáo tấn công Lãnh sự quán Mỹ vào năm 2012 khiến 4 người Mỹ bao gồm cả vị đại sứ thiệt mạng, thì nay lực lượng đặc nhiệm Libya đang phải “nghênh chiến” với cũng chính nhóm cực đoan mà Washington tố cáo là đã thực hiện vụ tấn công nói trên.
Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, và Anh đang đi đầu với các hứa hẹn sẽ huấn luyện khoảng 8.000 quân nhân và nhân viên cảnh sát về các kỹ năng cơ bản của bộ binh cho đến kiến thức pháp y. Các tân binh khác đang tốt nghiệp tại các chương trình đào tạo ở Jordan.
Tuy nhiên hỗ trợ quân sự của phương Tây mới ở mức sơ khai.
Quân đội Libya hiện nay còn gồm các cựu quân nhân thời Gaddafi và các dân quân được tuyển vào.
Như các nước khác sau khi “Mùa xuân Arab” nổ ra, con đường gập ghềnh của Libya đi từ thời Gaddafi còn cầm quyền đang cản trở các cố gắng của phương Tây.
>> Đọc thêm: Sự thật về cái chết của lãnh tụ Gaddafi
Quốc hội Libya bế tắc giữa một bên là đảng Liên minh Các lực lượng Dân tộc theo đường lối tự do (thường gắn với các dân quân ở khu vực Zintan), với một bên là đảng Công lý và Kiến thiết – 1 nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (có mối liên hệ gần gũi với các chiến binh đến từ vùng Misrata và Tripoli.
Các tranh cãi đã nổi lên ngay bên trong Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng khi mà ở đó, người ta dung nạp và trả lương cho các cựu phiến binh - bao gồm cả những người Hồi giáo cứng rắn - nhằm kiểm soát họ./.