Quyết hàn gắn với Iran, Qatar thách thức các nước láng giềng Arab
VOV.VN - Ngày 24/8, Qatar tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ với Iran, bước đi có thể chọc giận các nước láng giềng Arab và làm sâu sắc thêm khủng khu vực.
Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết, Qatar bày tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ với Iran trong tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ngày 24/8 cũng có cuộc điện đàm để thảo luận về mối quan hệ song phương cũng như một loạt các vấn đề cùng quan tâm.
Cuộc họp báo chung ngày 26/2/2014 giữa Ngoại trưởng Qatar lúc đó là ông Khalid al-Attiyah (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: AFP) |
Tuyên bố khẳng định, Đại sứ Qatar sẽ quay trở lại Iran để thực hiện các trách nhiệm ngoại giao. Bộ Ngoại giao Iran ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Qatar, gọi đây là một bước đi tích cực và hợp lí, hướng đến việc bình thường hóa quan hệ trong một khu vực đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
Chưa giải thích lí do của bước đi mới nhất này, nhưng quyết định khôi phục mối quan hệ với Iran của Qatar sẽ khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao với 4 nước Arab bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở nên nghiêm trọng hơn
Cắt đứt mối quan hệ với Iran là yêu cầu chính do 4 nước đưa ra đối với Qatar để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Những yêu cầu khác gồm cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, giảm sự hiện diện quân sự của Thổ nhĩ Kỳ tại Qatar và đóng cửa mạng lưới Al Jazeera.
Qatar khẳng định ủng hộ những bước đi cải thiện quan hệ nhưng vẫn có những nguyên tắc cơ bản.
“Chúng tôi hoan nghênh bất cứ bước đi tích cực nào giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng này và bắt đầu với việc chấm dứt các biện pháp bất hợp pháp nhằm vào Qatar”, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohamed Bin Abdulrahman Al Thani nêu rõ. “Tuy nhiên bất cứ giải pháp nào cũng cần phải dựa trên nguyên tắc cơ bản, tôn trọng chủ quyền của nhau và không can thiệp vào các vấn đề của nước khác. Giải pháp này cũng cần các điều kiện có thể chấp nhận được”.
Với tuyên bố khôi phục mối quan hệ với Iran cho thấy Qatar đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của 4 nước Arab, khiến cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là các nước Arab sẽ có phản ứng như thế nào trước bước đi này và liệu Qatar có thể tiếp tục đứng vững với sức ép từ các nước láng giềng hay không.
Trong một loạt các tuyên bố đưa trên mạng xã hội, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết, Qatar đang làm leo thang tình hình với những tuyên bố về Yemen hay Iran. Ông cũng chỉ trích Qatar đang phá hoại những nỗ lực hòa giải của các quốc gia, làm kéo dài cuộc xung đột. Tuy nhiên, trong tuyên bố này chưa đề cập bất cứ biện pháp đáp trả nào.
Giới chuyên gia phân tích nhận định, thực tế các nước Arab đều hiểu rằng những biện pháp áp đặt phong tỏa và gây sức ép lên Qatar thời gian qua đang có hiệu ứng ngược lại, không chỉ làm suy yếu Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh, kéo Qatar xích lại gần Iran hơn mà còn gây mất ổn định khu vực.
Là một quốc gia gần như phụ thuộc hòan toàn vào nguồn cung từ bên ngoài, đặc biệt là thực phẩm, việc 4 quốc gia Arab thông báo cắt kết nối bằng đường hàng không, đường biển và trên bộ với Qatar được dự đoán tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực tại quốc gia này, kéo theo những bất ổn xã hội khác. Tuy nhiên, Qatar ngay lập tức đã có những bước đi ổn định thị trường. Mặc dù có chút ảnh hưởng với nhập khẩu của Qatar giảm 38% vào tháng 6, nhưng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến xuất khẩu khí đốt – nguồn cung cấp chính cho quốc gia này, vẫn tăng 7,8% so với 1 năm trước đó.
Chuyên gia phân tích của trường đại học Georgetow ở Qatar, ông Mehran Kamrava cho biết, Qatar đang nắm trong tay những "công cụ" để đối phó với các sức ép từ các quốc gia láng giềng, vì nước này có lượng đầu tư lớn, dự trữ nước ngoài mạnh. Trong nỗ lực cô lập ngoại giao nhằm vào Qatar, thay vì đẩy Qatar ra khỏi Iran, thì cuộc khủng hoảng này dường như đang kéo họ về gần nhau hơn. Hiện Qatar đang có sự hậu thuẫn vững chắc về hậu cần và những lương thực cần thiết từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Vì vậy, với việc Qatar xích lại gần Iran trong khi các quốc Arab khẳng định không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ cho thấy cuộc xung đột ngoại giao giữa các nước Arab kéo dài hơn 2 tháng qua sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc./. Trả đũa ngoại giao, Qatar đóng cửa Đại sứ quán Cộng hòa Chad