Rạn nứt ở châu Âu khi Mỹ - Nga đàm phán tay đôi về Ukraine

VOV.VN - Tương lai của Ukraine sẽ được thảo luận trong tuần này tại Riyadh giữa Mỹ và Nga mà không có châu Âu hay Ukraine. Câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay là họ có thể làm gì về vấn đề này?

Hồi chuông cảnh báo ở châu Âu

Một cuộc họp được tổ chức vội vã tại Paris, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về số người tham gia, là thước đo cho mối quan tâm của châu Âu khi họ nhận ra thực tế của chính quyền Trump 2.0: Đó là Mỹ có thể không còn là đồng minh lâu năm của họ nữa và trên thực tế, tình trạng mối quan hệ này có thể nguy hiểm hơn nhiều so với những gì họ tưởng tượng một tuần trước.

Đặc biệt, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Munich hôm 14/2 đã thu hút sự chú ý. Phó Tổng thống Mỹ cho biết mối nguy hiểm nằm ở việc châu Âu kìm hãm quyền tự do ngôn luận, đồng thời cảnh báo các khán giả của mình rằng họ không nên sợ Moscow hay Bắc Kinh mà chính là giới lãnh đạo châu Âu.

Tuy nhiên, những phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ, mặc dù đáng ngạc nhiên nhưng không phải là lý do duy nhất khiến châu Âu phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ phát biểu tại Munich là đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine - ông Keith Kellogg. Quan chức này đã tìm cách trấn an hội nghị bằng những tuyên bố cứng rắn về kế hoạch của ông nhằm đạt được nhượng bộ từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Kellogg cho biết, lập trường của Mỹ là cứng rắn với Moscow, đòi lãnh thổ từ Nga và đảm bảo an ninh cho châu Âu. Tuy nhiên, những bình luận của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegsith nói với những người đồng cấp NATO tại Brussels rằng ông không thấy khả năng Ukraine gia nhập liên minh, gạt bỏ không chỉ lập trường của Mỹ cho đến nay mà còn cả những gì nhiều người coi là đòn bẩy quan trọng khi các cuộc đàm phán với Moscow bắt đầu.

Trong khi lời mời các nhà lãnh đạo Ukraine tham gia các cuộc thảo luận ở Saudi Arabia có thể được gửi qua đường bưu điện thì hiện tại, viễn cảnh các nhà đàm phán Mỹ và Nga tập trung thảo luận về tương lai của 6 triệu người Ukraine hiện đang sống dưới sự kiểm soát của Moscow, cũng như cấu trúc an ninh châu Âu có tác động chặt chẽ đến những người sống ở Kiev, Paris và mọi thành phố ở giữa.

Châu Âu, giống như Mỹ, trong suốt 3 năm qua cũng đã vét cạn kho vũ khí và ngân sách của mình cho cuộc xung đột mà họ cho là có ý nghĩa sống còn. Giờ đây, điều đó dường như đã bị gạt bỏ hoàn toàn.

Trong khi hòa bình cũng là điều mà châu Âu mong muốn thì nỗi lo lắng của họ hiện nay là nó có thể tốn kém như thế nào, xét đến cái giá mà Washington dường như sẵn sàng trả và nó ngắn ngủi như thế nào, xét đến những yếu tố không chắc chắn trong cuộc xung đột.

Do đó, trong cuộc họp ở Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể không thể cân nhắc các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình trong tương lai nhưng họ hy vọng sẽ tìm ra cách đảm bảo an ninh cho Kiev. Tuy nhiên, mối nguy hiểm mà họ đối mặt khi đến thủ đô của Pháp là cuộc xung đột ở Ukraine từng đoàn kết họ cách đây 3 năm có thể trở thành nhân tố chia rẽ họ một lần nữa, đặc biệt là vào thời điểm một số người trong số họ đang đối mặt với các nhóm cực hữu châu Âu ngày càng táo bạo và thành công trong bầu cử, có mối liên hệ chặt chẽ hơn nhiều với các nhà lãnh đạo mới của Washington so với họ.

Ít ai trong số những người đến Paris nghi ngờ việc ông Trump nói là làm. Điều đó khiến cuộc họp ngày 17/2 không chỉ là về cách giúp đỡ Ukraine mà về bản chất là cách châu Âu tự cứu lấy mình.

Châu Âu chia rẽ

Những phát ngôn gây chấn động của chính quyền Mỹ đã thúc đẩy một cuộc thảo luận ở châu Âu về việc phải làm gì với một đồng minh ngày càng không đáng tin cậy. Thực tế là một Tổng thống Mỹ có thể cân nhắc, chưa nói đến việc thực hiện một cuộc mặc cả địa chính trị lớn ở châu Âu khiến nhiều người lo ngại, cũng như viễn cảnh châu Âu bị bỏ lại một mình để đối phó với một người Nga ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán hơn.

Các cuộc thảo luận về cách ứng phó với tình thế khó khăn này dường như đã chia thành 2 luồng suy nghĩ.

Một bên cho rằng lựa chọn thực tế duy nhất là bám chặt hơn vào Mỹ với hy vong rằng sự rút lui chiến lược sẽ không bao giờ xảy ra. Điều đó ngụ ý rằng châu Âu cần bỏ qua những tuyên bố của ông Trump và nếu cần thì chiều theo nhà lãnh đạo Mỹ cũng như đáp ứng một số yêu cầu mà ông đưa ra.

Để làm hài lòng Tổng thống Trump, một số người đã đề xuất cắt giảm thuế với ô tô do Mỹ sản xuất hoặc mua nhiều khí tự nhiên hóa lỏng hơn từ bên kia Đại Tây Dương. Có một quan điểm thống nhất là châu Âu nên chi nhiều hơn cho quốc phòng, đặc biệt là vũ khí do Mỹ sản xuất. Các quốc gia ở sườn Đông của EU, đặc biệt là Ba Lan, Cộng hòa Séc và Romania đã ủng hộ mạnh mẽ động thái này và tham gia vào danh sách chờ để mua tiêm kích hiện đại F-35 từ Washington.

Trong khi đó, quả thực ông Zelensky không được báo trước về cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ với ông Putin. Cảm giác phản bội là có thật. Tại Hội nghị An ninh Munich đầu tuần này, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi châu Âu đoàn kết trong một lời chỉ trích rõ ràng về bài phát biểu gây chia rẽ của Phó Tổng thống JD Vance.

Tuy nhiên, ông Zelensky sẽ tiếp tục vận động hành lang với ông Trump cùng với các thành viên đảng Cộng hòa theo trường phái cũ trong chính quyền Mỹ, chẳng hạn như Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz để định hình lập trường của Mỹ. Tại Munich, Tổng thống Zelensky đã gặp một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có ông Lindsey Graham, người kêu gọi Mỹ mở rộng sự hỗ trợ cho quân đội Ukraine.

Dù vậy, khả năng ông Trump sẽ chiều theo Kiev là khá thấp. Giảm quy mô hỗ trợ là một hướng chính sách mà ông Trump cũng như các cử tri của ông ủng hộ.

Đó là lý do tại sao có một luồng quan điểm thứ hai ở châu Âu kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ. Một người ủng hộ từ lâu đối với lập trường này là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Financial Times, ông Macron đã nhắc lại lời kêu gọi về quyền tự chủ chiến lược trong các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như quốc phòng và công nghệ.

Ông Macron cũng là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đưa ra ý tưởng gửi quân đội châu Âu đến Ukraine. Mặc dù ông không tin các thành viên EU và Anh có khả năng điều động tới 200.000 quân - một con số mà ông Zelensky đề cập nhưng đối với Pháp, lựa chọn này hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, quân đội châu Âu không có năng lực và quá phụ thuộc vào Mỹ. Ngân sách của EU cũng đứng trước những sức ép lớn, khiến họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay, ngay cả đối với những người tin tưởng tuyệt đối vào mối quan hệ với Mỹ, việc phòng ngừa - về cơ bản là một phiên bản khiêm tốn hơn của quyền tự chủ chiến lược - đã trở thành lựa chọn khả thi duy nhất trong dài hạn của châu Âu.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Zelensky muốn Ukraine được đảm bảo an ninh như Israel
Ông Zelensky muốn Ukraine được đảm bảo an ninh như Israel

VOV.VN - Tổng thống Volodymyr Zelensky đã liệt kê các đảm bảo an ninh mà Ukraine muốn có từ các đồng minh, bao gồm một gói tên lửa mạnh mẽ, một quân đội hùng mạnh, và các thỏa thuận quốc phòng tương tự như những gì Israel được hưởng từ các đối tác.

Ông Zelensky muốn Ukraine được đảm bảo an ninh như Israel

Ông Zelensky muốn Ukraine được đảm bảo an ninh như Israel

VOV.VN - Tổng thống Volodymyr Zelensky đã liệt kê các đảm bảo an ninh mà Ukraine muốn có từ các đồng minh, bao gồm một gói tên lửa mạnh mẽ, một quân đội hùng mạnh, và các thỏa thuận quốc phòng tương tự như những gì Israel được hưởng từ các đối tác.

Thủ tướng Anh đề xuất triển khai quân đội đến Ukraine
Thủ tướng Anh đề xuất triển khai quân đội đến Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trước cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris, Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 17/2 xác nhận rằng ông đã sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Thủ tướng Anh đề xuất triển khai quân đội đến Ukraine

Thủ tướng Anh đề xuất triển khai quân đội đến Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trước cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris, Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 17/2 xác nhận rằng ông đã sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Tổng thống Trump tiết lộ thêm về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Trump tiết lộ thêm về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong cuộc họp báo hôm 16/2, tuyên bố rằng ông tin các nhà lãnh đạo của hai nước "muốn ngừng giao tranh".

Tổng thống Trump tiết lộ thêm về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Tổng thống Trump tiết lộ thêm về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về kế hoạch chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong cuộc họp báo hôm 16/2, tuyên bố rằng ông tin các nhà lãnh đạo của hai nước "muốn ngừng giao tranh".