Rời Hiệp ước Bầu trời mở: Sai lầm hay toan tính đầy tham vọng của Mỹ?
VOV.VN - Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là do những cáo buộc Nga vi phạm hay đây chỉ là một phần trong những tính toán đầy tham vọng của Washington?
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Ngày 21/5, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) có hiệu lực từ năm 2002 gồm 35 thành viên, cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau. Mỹ thông báo với các nước thành viên trong hiệp ước về quyết định chính thức rút khỏi hiệp ước trong 6 tháng với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước.
"Nga không tuân thủ hiệp ước, vì thế, cho đến khi họ tuân thủ nó, nếu không, chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước này", ông Trump tuyên bố với báo giới tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước này sẽ buộc Moscow phải quay trở lại bàn đàm phán, tuy nhiên phủ nhận động thái này có thể khiến mối quan hệ 2 bên leo thang căng thẳng.
Hiệp ước Bầu trời mở là một phần trong mạng lưới các thỏa thuận kiểm soát vũ trang nhằm đảm bảo an ninh và sự ổn định trên khắp châu Âu, cũng như đảm bảo tính minh bạch nhằm giảm những hiểu lầm có thể leo thang thành xung đột giữa các bên.
Phản ứng trước động thái bất ngờ này từ phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở chẳng khác nào một “cú đánh vào an ninh châu Âu cũng như toàn cầu”, đồng thời khẳng định Moscow sẽ “làm mọi thứ có thể để cứu vãn hiệp ước này”.
“Cái tát vào mặt” các đồng minh châu Âu
Các cựu quan chức từng phụ trách an ninh quốc gia trong lưỡng đảng Mỹ cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm giảm vai trò lãnh đạo của Washington, hủy hoại an ninh Mỹ và an ninh toàn cầu, đồng thời trao chiến thắng cho Moscow.
Đầu tháng này, 16 cựu quan chức quốc phòng và quân sự châu Âu đã ký vào một tuyên bố ủng hộ Hiệp ước Bầu trời mở, nhận định rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ là một cú đánh với an ninh toàn cầu và hủy hoại thêm các thỏa thuận kiểm soát vũ trang quốc tế. Các quan chức này đã đề nghị Mỹ cân nhắc lại về quyết định rút khỏi Hiệp ước, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục ở lại Hiệp ước kể cả khi Mỹ rời đi.
Eliot Engel - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng: “Hiệp ước Bầu trời mở là một trụ cột đối với sự ổn định, minh bạch và an ninh của Mỹ, cũng như các đồng minh châu Âu. Các chuyến bay giám sát được tiến hành theo Hiệp ước là cần thiết để tăng cường Hiệp ước START mới và các biện pháp kiểm soát vũ trang khác, cũng như theo dõi các chuyến bay của Nga khắp NATO và các căn cứ của Mỹ - một điều mà Moscow vẫn sẽ tiến hành dù có hay không có sự tham gia của chúng ta trong Hiệp ước Bầu trời mở".
Ủy ban vũ trang trong Hạ viện Mỹ đã gọi động thái của chính quyền Tổng thống Trump là "cú tát vào mặt" các đồng minh châu Âu và đây là "một sự vi phạm trắng trợn luật pháp" khi Quốc hội không được hề được tham vấn theo như quy định trong Đạo luật về Quyền hạn Quốc phòng.
"Vấn đề của Hiệp ước Bầu trời mở không phải là mục đích của nó. Dường như chính quyền Tổng thống Trump chưa bao giờ thực sự cố gắng sửa chữa những vấn đề về sự tuân thủ hiệp ước mà thay vào đó chỉ tìm cách phá vỡ chúng", Alex Bell, giám đốc tại Trung tâm Kiểm soát Vũ trang và Giải trừ quân bị cho biết.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ đã được thông báo về quyết định nêu trên trong một cuộc họp với các quan chức Mỹ thuộc Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao nước này. Một số nhà ngoại giao cho biết Mỹ có lẽ vẫn sẽ cứu vãn hiệp ước nếu Nga thay đổi hành vi, song họ cũng thừa nhận rằng ý định rút khỏi hiệp ước của Washington dường như rất rõ ràng.
Theo Financial Times, một quan chức châu Âu cho biết động thái của Mỹ nhất quán với chính sách "rút khỏi các hiệp ước đa phương mà không tham vấn đồng minh" của Tổng thống Trump.
Tham vọng thực sự của Mỹ
Karl Grossman, giáo sư tại Đại học bang New York nhận định động thái của chính quyền Tổng thống Trump là một "thảm họa".
"Hết hiệp ước này đến hiệp ước khác bị phá vỡ và chính quyền Tổng thống Trump đang rút Mỹ khỏi những hiệp ước quan trọng và cần thiết. Đây là thảm họa và một câu hỏi lớn đặt ra là: liệu điều này sẽ dẫn đến đâu? Tôi cho rằng câu trả lời đã rất rõ ràng. Đó chính là chiến tranh".
Còn theo chuyên gia Bruce Gagnon, một điều phối viên tại Mạng lưới toàn cầu chống Vũ khí hạt nhân trong không gian thì cho rằng Mỹ thực sự không muốn bị giới hạn khả năng bởi bất kỳ hiệp ước nào. Ông dẫn ra rằng trong suốt thời chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ đã ấp ủ một kế hoạch chi hàng nghìn tỷ USD cho thế hệ vũ khí hạt nhân mới trong 20 năm tới.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ trang. Tháng 8/2019, Mỹ từng rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chỉ vài ngày sau, Mỹ thử các loại vũ khí từng bị cấm trong hiệp ước.
"Các hiệp ước vốn được thiết lập để đảm bảo sự ổn định giữa các bên tham gia rằng không có bên nào có lợi thế hơn bên nào. Tuy nhiên, khi một bên muốn chiếm ưu thế, cả trên mặt đất lẫn trong không gian, thì những hiệp ước trở thành vấn đề. Đó là lý do tại sao Mỹ đang rút khỏi các hiệp ước này. Động thái đó có thể đưa chúng ta đến bên bờ vực của Chiến tranh thế giới lần thứ 3, một cuộc chiến tranh hạt nhân để giành quyền thống trị", chuyên gia Gagnon nhận định.
Marshall Billingslea, đặc phái viên về kiểm soát vũ trang của Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ không ngần ngại bước vào cuộc đua vũ khí hạt nhân tốn kém với Trung Quốc và Nga. Ông cũng cho biết ông đã nhất trí với các quan chức kiểm soát vũ trang hàng đầu của Nga về thời gian bắt đầu tiến hành một thỏa thuận mới, đồng thời hối thúc Trung Quốc tham gia đàm phán sau khi Hiệp ước INF sụp đổ.
"Chúng tôi biết cách chiến thắng cuộc đua này và chúng tôi biết cách để đưa những thách thức đi vào quên lãng. Nếu cần phải làm vậy, chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi chắc chắn muốn tránh khỏi những thách thức này", ông Billingslea khẳng định./.