Slovakia và "gánh nặng khổng lồ" khi làm Chủ tịch EU
VOV.VN - Đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu EU là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với Slovakia.
Kể từ ngày 1/7, Slovakia chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu EU. Sáu tháng tới được báo hiệu là giai đoạn đầy khó khăn cho Slovakia trong bối cảnh một EU đang phải đương đầu với nhiều vấn đề gai góc của châu lục, trong đó có cuộc khủng hoảng người di cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và những hệ lụy của cuộc trưng cầu dân ý gần đây ở Anh.
Thủ tướng Slovakia Rico. Ảnh: Reuters.
Brexit là "khối đá khổng lồ" trên vai "chú lùn" Slovakia
Đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu EU là cơ hội để Slovakia cải thiện hình ảnh của mình, nhưng đó cũng là thách thức lớn đối với một nước Đông Âu nhỏ bé chưa có kinh nghiệm điều hành một Liên minh gồm 27 nước thành viên vốn có quá nhiều phức tạp trong nội bộ của mình.
Trước khi đảm nhận chức vụ, Slovakia đã đặt ra bốn ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình: Đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, hình thành thị trường kỹ thuật số thống nhất, xây dựng một liên minh năng lượng châu Âu, và giải quyết khủng hoảng người di cư vào châu Âu.
Tại lễ bàn giao chức vụ chủ tịch luân phiên được tổ chức tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố Slovakia đã sẵn sàng thực hiện vai trò dẫn dắt và điều phối các hoạt động của tổ chức này để giải quyết những vấn đề kể trên.
Nhưng có lẽ không ai có thể ngờ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh diễn ra cách đây một tuần lại mang đến một kết quả tồi tệ đến như vậy.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, EU phải đối diện với một thực tế: Anh - một trong những thành viên tích cực và có nhiều đóng góp giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực - sẽ không còn ở lại trong khối.
Đây cũng được coi là thách thức lớn đối với Slovakia bởi chưa từng có nước nào đảm nhận chức vụ chủ tịch của tổ chức này lại phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vào thời điểm hiện tại.
Với vai trò là chủ tịch EU, Slovakia sẽ phải tìm cách để khôi phục lại vị thế và uy tín của tổ chức này vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng sau sự ra đi của Anh. Hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được cho là bắt nguồn từ chính cơ chế điều hành cũ kỹ, quan liêu, mang tính áp đặt và không giành được sự ủng hộ từ phía người dân châu Âu của ban lãnh đạo EU.
Thủ tướng Slovakia Robert Rico từng nói rằng phần lớn người dân châu Âu bất mãn với chính sách kinh tế của EU và không tán thành cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu hiện nay. Vì vậy theo thủ tướng Fico, EU cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ ngay trong chính sách của mình để đảm bảo tổ chức này có thể đối phó tốt hơn với những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển.
Quyết định ra đi của Anh trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua gây ra nhiều hệ lụy cho Liên minh châu Âu, trong đó là sự bất ổn, là sự trỗi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, là sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu trong nội bộ khối. Ngay sau khi Anh công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý, một số đảng cực hữu cấp tiến tại Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, thậm chí là ngay tại Slovakia cũng đã lên tiếng kêu gọi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước mình.
Trách nhiệm khôi phục vị thế của EU
Sáu tháng không phải là một khoảng thời gian dài, nhưng nhiệm vụ của Slovakia cũng như của EU là làm sao để ngăn không cho xảy ra các cuộc trưng cầu dân ý như đã từng xảy ra ở Anh bởi nó ảnh hưởng xấu tới kế hoạch hội nhập của Liên minh. Không gì tồi tệ hơn nếu hiệu ứng domino xảy ra ngay trong lòng EU và có thể nó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của tổ chức này.
Tổng thống Slovakia Andrej Kiska cho rằng điều quan trọng đối với EU bây giờ là 27 nước thành viên còn lại cần phải ngồi lại bàn cách phục hồi vị thế của EU như là một khu vực đoàn kết, thịnh vượng và an toàn, và dĩ nhiên trong quá trình này vai trò điều phối của Slovakia với tư cách là Chủ tịch khối là rất quan trọng.
Hàn gắn sự rạn nứt trong nội bộ khối cũng sẽ là một thách thức lớn mà Slovakia cần phải vượt qua trong giai đoạn sáu tháng tới. Kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu xảy ra vào năm ngoái, đã có sự bất đồng sâu sắc trong cách thức giải quyết vấn đề này giữa các nước Trung-Đông và Tây Âu.
Nhiều nước Trung-Đông Âu, trong đó điển hình là nhóm bốn nước Visegrad bao gồm CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn mang tính bắt buộc của EU đối với các nước thành viên. Thậm chí Slovakia và Hungary đã đệ đơn kiện Ủy ban châu Âu ra Tòa án công lý châu Âu vì chính sách hạn ngạch này.
Không tìm được tiếng nói chung, cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, mà hậu quả của nó là hàng nghìn người di cư đã phải bỏ mạng do mạo hiểm vượt biển vào đất liền, những đường dây buôn người hoành hành, bất ổn xã hội gia tăng, an ninh, an toàn người dân không được đảm bảo dẫn tới các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở châu Âu.
Mặc dù EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một hiệp định lịch sử vào tháng Ba vừa qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, nhưng hiệp định trên có nguy cơ không được thực thi đầy đủ trên thực tế. Nhiệm vụ của Slovakia bây giờ chính là khai thông thế bế tắc hiện nay, giúp EU tìm ra giải pháp thích hợp, đồng thời thu hẹp bất đồng về quan điểm giữa các nước Đông và Tây trong khối.
Thủ tướng Fico cam kết đến thời điểm cuối năm, Slovakia sẽ giúp tổ chức này đạt được mục tiêu: có được chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư một cách bền vững. Nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng này bởi Slovakia là một trong những nước luôn có quan điểm cứng rắn về người tị nạn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Fico tin tưởng rằng trong sáu tháng tới Slovakia sẽ cố gắng để trở thành một nhà môi giới, một nhà thương thuyết, một nhà hòa giải đáng tin cậy để giải quyết vấn đề gây chia rẽ châu Âu này trên tinh thần xây dựng vì mục tiêu chung của Liên minh.
Bên cạnh những ưu tiên đó, Slovakia không thể không điều phối giải quyết các vấn đề nóng bỏng khác mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt hiện nay, trong đó phải kể tới cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, những tranh cãi kéo dài về dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2, cách thức giải quyết chiến sự tại Syria và Ukraine, hay xác định kế hoạch chi tiêu của EU trong năm tới.
Tương lai bất định của công dân EU sống và làm việc tại Anh thời kỳ hậu trưng cầu dân ý vừa qua, trong đó có hàng chục nghìn kiều dân Slovakia, cũng sẽ là một trong những vấn đề nóng mà Slovakia cần phải giải quyết.
Mặc dù vẫn còn có những lo ngại Slovakia là một thành viên nhỏ, chưa có kinh nghiệm tham gia giải quyết những vấn đề lớn, và có một số quan điểm trái ngược với Brussels, nhưng các nhà ngoại giao và chuyên gia nhận định việc đảm nhận chức vụ chủ tịch EU là cơ hội cho Slovakia cải thiện vị thế của chính mình ngay trong Liên minh. Thêm vào đó, họ cũng hy vọng Slovakia sẽ giúp EU đạt được một số tiến bộ cụ thể, trong đó có kế hoạch cải cách kinh tế và kế hoạch xây dựng Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới của châu Âu dự kiến sẽ được hình thành vào cuối năm nay trước khi Slovakia kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của mình.
Soros: Tương lai châu Âu ảm đạm sau khi Anh rời EU (Brexit)
Có thể nói Liên minh châu Âu đang phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi thành lập và mở rộng đến nay. Những bất đồng trong nội bộ Liên minh, sự suy giảm niềm tin vào chính sách điều hành của EU và một tương lai chưa được định hình rõ ràng của tổ chức này khi không có Anh đang đè nặng trên vai của Slovakia với tư cách là Chủ tịch luân phiên của EU. Sáu tháng tới sẽ là giai đoạn thử thách thực sự đối với Slovakia, và hy vọng với cam kết của mình Slovakia sẽ vượt qua được chông gai phía trước để xây dựng một EU đoàn kết, ổn định, hoạt động có hiệu quả./.