Sông Ấn có trở thành lá bài mặc cả trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan?
VOV.VN - Tranh cãi về cách thức ứng xử và chia sẻ nguồn nước sông Ấn là vấn đề song phương nổi cộm giữa Ấn Độ và Pakistan. Nó sẽ chỉ góp thêm các khác biệt sâu sắc giữa hai nước láng giềng vốn không có mối quan hệ thân thiện này.
Tầm quan trọng của nguồn nước sông Ấn
Sông Ấn vẫn được coi là cái nôi phát tích ra nền văn minh Ấn Độ cổ đại, được coi là nguồn sống chính của người dân tại tiểu lục địa Ấn Độ từ thời xa xưa. Tên của con sông này (Indus) cũng chính là nguồn gốc tên gọi của đất nước Ấn Độ hiện nay. Ngọn nguồn của sông Ấn bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng và các ngọn của dãy núi lớn nhất thế giới Himalaya, nay nằm trong lãnh thổ các bang Himachal Pradesh và Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Dòng chính cùng các phụ lưu của sông Ấn tập hợp rồi chảy vào lãnh thổ Pakistan tại các tỉnh Sindh và Punjab trước khi đổ ra biển Arab ở phía Nam của thành phố Karachi.
Với tổng chiều dài 3.200 km, sông Ấn có tổng lưu vực hơn 1,1 triệu km vuông. Dòng chảy ước tính hàng năm của sông là khoảng 207 km khối. Bắt đầu từ dãy Himalaya, nơi có các sông băng, dòng sông nuôi sống hệ sinh thái của các khu rừng ôn đới, đồng bằng và vùng nông thôn khô cằn. Cùng với các phụ lưu của nó là sông Chenab, Ravi, Sutlej, Jhelum, và Beas, cùng sông Sarasvati nay đã khô cạn, sông Ấn tạo thành vùng đồng bằng với tên gọi “Bảy con sông” ở tỉnh Sindh của Pakistan.
Sông Ấn cung cấp nguồn nước quan trọng cho nền kinh tế Pakistan, đặc biệt là vựa lúa mì của tỉnh Punjab, nơi chiếm phần lớn sản lượng nông nghiệp của nước này. Nó cũng hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp nặng và cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính ở Pakistan. Với Ấn Độ, ngoài vai trò là nguồn nước sinh hoạt, con sông này còn có giá trị cung cấp các tiềm năng thủy điện lớn. Đây chính là nguyên nhân gây nên những tranh cãi về nguồn nước với nước láng giềng Pakistan.
Thời điểm bước ngoặt cho các tranh chấp này chính là việc chia tách lãnh thổ Ấn Độ dưới thời thực dân Anh đô hộ vào năm 1947. Sự kiện này đã tạo nên hai quốc gia mới độc lập là Ấn Độ và Pakistan cùng chia sẻ nguồn nước chung mang tên sông Ấn. Cuộc đại chia tách này ngoài việc hình thành nên hai quốc gia láng giềng luôn bất hòa trong rất nhiều vấn đề, còn mang tới cuộc tranh chấp về nguồn nước sông Ấn. Mâu thuẫn ở đây là việc về mặt địa lý, bản đồ của hai quốc gia độc lập đặt các con sông đầu nguồn của lưu vực sông Ấn vào lãnh thổ Ấn Độ.
Còn Pakistan, ở phía hạ du, cảm thấy sinh kế của mình bị đe dọa bởi viễn cảnh Ấn Độ kiểm soát việc cấp nước cho phần lưu vực của Pakistan. Chính quan hệ chính trị, ngoại giao không yên ả giữa hai nước càng làm mâu thuẫn về nguồn nước thêm phần kịch tính. Dĩ nhiên, trong hơn 7 thập kỷ chia sẻ dòng nước chung, hai nước đã đạt được các thỏa thuận song phương để hạ nhiệt tạm thời các tranh chấp, ví dụ như Hiệp định Liên lãnh thổ vào tháng 5/1948, hay Hiệp ước Nước sông Ấn tháng 9/1960. Tuy nhiên, sông Ấn vẫn luôn là một trong những điểm nghẽn trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan.
Tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan
Tranh cãi mới nhất liên quan tới việc chia sẻ nguồn nước sông Ấn là việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (The Hague), Hà Lan ngày 06/07 đã tuyên bố bác bỏ sự phản đối của Ấn Độ đối với một thủ tục pháp lý do Pakistan khởi xướng liên quan tới tranh chấp này.
Phán quyết này đã mở lại một tiến trình pháp lý đã bị ngăn chặn trong nhiều năm. Tiến trình pháp lý này nhằm cụ thể hóa quan ngại của Pakistan rằng các đập thủy điện mà Ấn Độ xây dựng trên thượng nguồn sẽ cắt đứt dòng chảy của dòng sông, vốn cung cấp nước cho 80% diện tích đất nông nghiệp của Pakistan. Để giải quyết các lo ngại của mình, Islamabad bắt đầu tiếp cận Tòa Trọng tài Thường trực từ năm 2007 khi Ấn Độ triển khai việc xây dựng dự án thủy điện Kishanganga ở thượng nguồn. Pakistan đã tìm cách đấu tranh thông qua tố tụng tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào tháng 8/2016.
Trong khi đó, tháng 10 cùng năm, Ấn Độ lại yêu cầu Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ định một chuyên gia trung lập để dàn xếp các tranh chấp theo các điều khoản của Hiệp ước Nước sông Ấn mà hai nước đã cùng ký. Ấn Độ đã tẩy chay thủ tục tố tụng tại Tòa án ở La Hay và nhiều lần đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa án này xung quanh vụ tranh chấp.
Vấn đề là cơ sở nào để Ấn Độ khước từ tham gia vào vụ kiện này. Đó là việc New Delhi cho rằng có “sự vi phạm nghiêm trọng” các thỏa thuận song phương do quyết định đơn phương của Pakistan tiếp cận Tòa án Trọng tài Thường trực, bỏ qua vai trò của các thành viên Ủy hội sông Ấn. Thủ tục tố tụng trọng tài bắt đầu vào ngày 27/1 năm nay và Ấn Độ tẩy chay phiên điều trần này. New Delhi tuyên bố rằng Islamabad đã vi phạm các cơ chế giải quyết tranh chấp, theo quy định tại Điều 8 và 9 của Hiệp ước Nước sông Ấn. Điều 8 quy định rõ vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Thường trực sông Ấn - một kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp ước. Điều 9 có liên hệ đến việc giải quyết bất kỳ sự khác biệt hoặc tranh chấp nào có thể nảy sinh giữa hai quốc gia.
Hiệp ước Nước sông Ấn mang tới hai diễn đàn để giải quyết tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Cơ chế PCA giải quyết các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và hệ thống. Trong khi giải pháp sử dụng chuyên gia trung lập chỉ giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Pakistan yêu cầu thành lập PCA vì những câu hỏi mang tính hệ thống cần phải giải thích pháp lý. Đáp lại, Ấn Độ đã tìm kiếm quy trình giải quyết tranh chấp chính thức bằng yêu cầu về việc bổ nhiệm một chuyên gia trung lập. Sự khác biệt này khiến cả hai bên chưa thể tìm ra cách thức chung để dàn xếp bất đồng.
Đánh giá nguy cơ chiến tranh vì nguồn nước
Tranh cãi về cách thức ứng xử và chia sẻ nguồn nước sông Ấn sẽ vẫn là vấn đề song phương nổi cộm giữa Ấn Độ và Pakistan. Nó sẽ chỉ góp thêm các khác biệt sâu sắc giữa hai nước láng giềng vốn không có mối quan hệ thân thiện này. Hồi tháng 1 năm nay, Ấn Độ đã gửi một thông báo cho Pakistan yêu cầu xem xét và sửa đổi Hiệp ước Nước sông Ấn, coi đây là giải pháp cho các tranh chấp về chia sẻ tài nguyên nước song phương. Điều này ngụ ý rằng Ấn Độ không hài lòng và có thể không chấp nhận những khuôn khổ đang có về quản lý sông Ấn.
Theo Điều 60 của Công ước Vienna về Luật Điều ước, một bên có thể chỉ trích một thỏa thuận và đưa ra thông báo về ý định chấm dứt thỏa thuận đó nếu bên kia vi phạm các điều khoản cơ bản của thỏa thuận đó. Rõ ràng, nó cũng được xem là hợp lý trong tranh cãi về sông Ấn. Trong trường hợp này, Ấn Độ đã áp dụng cách tiếp cận vừa phải là không chấm dứt mà yêu cầu sửa đổi Hiệp ước Nước sông Ấn.
Còn theo các nhà phân tích, vấn đề chia sẻ nước sông Ấn nóng trở lại mang hàm ý chính trị nhiều hơn là kỹ thuật. Với tư cách là nước thượng nguồn, Ấn Độ nắm nhiều lợi thế trong việc quyết định dòng sông sẽ phục vụ ai và như thế nào. Việc đàm phán lại Hiệp ước sông Ấn, hay đơn giản hơn là cách chia sẻ nguồn nước sẽ được Ấn Độ chọn như một con bài thương lượng khi nước này tìm cách duy trì áp lực lên Pakistan trong các vấn đề khác, chẳng hạn như vấn đề chống khủng bố qua biên giới. Lựa chọn của Ấn Độ trong những năm qua cho thấy nước này sẽ rất cứng rắn khi lợi ích quốc gia bị đe dọa, và một khi New Delhi đã có ‘đòn bẩy’, họ sẽ tận dụng triệt để.
Các dòng sông không phải là quân đội, và các chuyên gia về nguồn nước đã chỉ ra rằng “các cuộc chiến tranh vì tranh chấp nguồn nước” hầu như chưa từng xảy ra trong quá khứ và khó có thể xảy ra trong tương lai gần, trong đó có cả ở Nam Á.
Tuy nhiên, sự đổ vỡ trong đối thoại về việc sử dụng dòng sông Ấn có thể biến quan hệ song phương Ấn Độ - Pakistan vốn đã tồi tệ trở thành bế tắc. Dĩ nhiên, không ai muốn điều đó xảy ra. Vấn đề là hai quốc gia láng giềng Nam Á này sẽ phải cân nhắc tìm ra cách thức phù hợp để giàn xếp bất đồng, đặt trong tổng thể quan hệ song phương.