Taliban có dễ rũ bỏ quá khứ để bước lên vũ đài chính trị thế giới?
VOV.VN - Lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền trở lại, Taliban đã phác thảo về những kế hoạch cần làm để điều hành đất nước, hứa hẹn mang hòa bình đến cho người dân và kêu gọi thế giới hãy gác lại quá khứ đầy bạo lực của họ.
Sau khi chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, Taliban khẳng định sẽ không quay trở lại chế độ cai trị hà khắc từng khiến lực lượng này bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vào cuối những năm 1990. Hiện giờ lực lượng này được gọi là Taliban 2.0 vì những cam kết cải tổ về chính sách. Tuy vậy, việc xây dựng hình ảnh Taliban đang được chào đón bởi sự hoài nghi sâu sắc.
Nỗ lực cải thiện hình ảnh
2 ngày sau khi thủ đô Kabul thất thủ, khán giả truyền hình tại Afghanistan đã xem một cảnh tượng mà họ chưa từng chứng kiến dưới chế độ của Taliban trước đây (1996-2001): Một nữ dẫn chương trình người Afghanistan của kênh tin tức Tolo đã phỏng vấn một quan chức Taliban. Người dẫn chương trình Beheshta Arghand ngồi cách ông này 2,5m, đặt câu hỏi về tình hình an ninh ở thủ đô Afghanistan. Một kênh tin tức tư nhân khác cũng đăng tải đoạn video về một nữ nhà báo đang đưa tin từ trên đường phố Kabul.
Lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền trở lại, Taliban đã phác thảo về những kế hoạch cần làm để điều hành đất nước, hứa hẹn mang hòa bình đến cho người dân và kêu gọi thế giới hãy gác lại quá khứ đầy bạo lực của họ.
Trong cuộc họp báo ngày 17/8, Zabihullah Mujahid – phát ngôn viên kỳ cựu của Taliban, với vẻ mặt ôn hòa, tuyên bố rằng: “Chúng tôi không muốn Afghanistan trở thành chiến trường. Kể từ giờ phút này trở đi, chiến tranh đã kết thúc”. Theo ông Mujahid, Taliban đã tuyên bố ân xá cho các nhân vật đối lập, cam kết không trả đũa những người chống đối, kêu gọi công chức nhà nước tiếp tục làm việc. Quan chức này cho biết, phụ nữ cũng sẽ được phép làm việc, học tập và tham gia các hoạt động xã hội “nhưng trong khuôn khổ đạo Hồi”.
Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh khác thường khi vây quanh người phát ngôn của Taliban là hàng chục nhà báo Afganistan, có cả nữ giới. Bất chấp nỗi sợ hãi tràn lan về ý định của Taliban, các phóng viên đã trực tiếp thử thách cam kết của Zabihullah Mujahid.
“Ông có nghĩ rằng người dân Afghanistan sẽ tha thứ cho các ông không?”, một phóng viên hỏi, ý nói đến các chiến dịch đánh bom và tấn công kéo dài của Taliban đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường. Một người khác lưu ý rằng ông Mujahid đang ngồi ở vị trí mà tuần trước phát ngôn viên của chính phủ Afghanistan đã ngồi nhưng người này đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của Taliban.
Zabihullah Mujahid trả lời rằng, những cái chết của dân thường “rất đáng tiếc”nhưng đó là sự khốc liệt của chiến tranh. “Gia đình chúng tôi cũng bị ảnh hưởng”.
Những cam kết đáng chú ý
Trong khi thế giới vẫn chưa hết bàng hoàn vì sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan, thì phát ngôn của ông Mujahid, được đưa ra với giọng điều kiềm chế, thể hiện mong muốn của Taliban sẵn sàng tham gia vào vũ đài chính trị quốc tế. Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc, lực lượng vũ trang Hồi giáo theo đường lối cứng rắn này đang nỗ lực truyền bá ý tưởng rằng họ sẽ không quay trở lại chính sách cầm quyền như trước đây.
Việc các thủ lĩnh Taliban, trong đó có Abdul Gani Baradar – người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, Qatar trở về nước vào ngày 17/8 đã cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Lực lượng này kêu gọi người dân Afghanistan không rời khỏi đất nước, nói rằng họ không phải sợ hãi, đồng thời báo hiệu rằng sẽ thực hiện một loạt các chính sách để cải thiện cuộc sống thay vì áp đặt những luật lệ hà khắc. Trong tuyên bố chính thức đầu tiên, cơ quan chính trị của Taliban cho biết, phép thử thực sự sẽ là “phục vụ cho đất nước của chúng ta, đảm bảo an ninh và một cuộc sống thoải mái cho người dân”.
Theo một số chuyên gia, việc cải thiện hình ảnh này có thể đã tạo điều kiện cho Taliban chinh phục Afghanistan mà không cần tốn nhiều súng đạn. “Taliban đã xây dựng một câu chuyện rất khác với câu chuyện về nhóm vũ trang đã làm mưa làm gió ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Taliban sẽ nói rằng luật Hồi giáo là một phương tiên để tạo ra một chính phủ mạnh mẽ sau nhiều năm tham nhũng và mơ hồ”, Sébastien Boussois – nhà nghiên cứu về Afghanistan tại Đại học Libre de Bruxelles nhận định.
Tìm kiếm sự công nhận của quốc tế
Taliban hiện giờ đang ở một vị thế mạnh mẽ hơn so với giai đoạn đầu tiên nắm quyền tại Afghanistan. Là một phong trào nổi dậy đối kháng với siêu cường số 1 thế giới, Taliban đã phát triển các kỹ năng thích thức mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua. Một bài nghiên cứu được công bố tại Học viện quân sự Mỹ cho biết, các chính sách của lực lượng này được thúc đẩy bởi nhu cầu quân sự và chính trị chứ không chỉ hoàn toàn dựa trên nhu cầu tôn giáo. Thomas Ruttig, tác giả nghiên cứu đánh giá “những điều chỉnh về chính sách ban đầu chỉ mang tính chiến thuật nhưng có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự”.
Thay đổi đáng chú ý nhất của nhóm vũ trang Hồi giáo này kể từ năm 2001 là nỗ lực cải thiện quan hệ với nước ngoài để được sự công nhận trên toàn cầu. Trước kia chỉ có 3 quốc gia Pakistan, Saudi Arabia và UAE công nhận chế độ do Taliban lập ra nhưng giờ đây lực lượng này đang có sự tiếp xúc với hầu hết các nước láng giềng. Cả Nga và Trung Quốc đều đã chào đón các thủ lĩnh Taliban, thậm chí còn kêu gọi xây dựng quan hệ hữu nghị với nhà cầm quyền mới của Afghanistan chỉ vài giờ sau khi lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul. Trong khi Mỹ và đồng minh hối hả sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao tại các đại sứ quán, Moscow và Bắc Kinh vẫn “bình chân như vại”.
Chuyên gia Boussois cho rằng, điều này cuối cùng có thể dẫn đến kịch bản các nước phương Tây bình thường hóa quan hệ với Taliban. “Nếu ai đó đồng ý rằng Taliban đã thay đổi thì họ có thể tìm cách xử lý quan hệ với lực lượng này để ngăn Afghanistan trở thành một Triều Tiên mới hoặc một đất nước vĩnh viễn chìm trong sự hỗn loạn. Nếu phương Tây không làm điều đó thì các bên khác sẽ làm – đây là điều đang diễn ra với Trung Quốc và Nga lúc này”. Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Taliban Mujahid cho biết, Taliban muốn tạo dựng quan hệ thân thiện với thế giới, trong đó Mỹ.
Bài học từ quá khứ
Theo giới phân tích, Taliban khao khát được sự công nhận của quốc tế vì lực lượng này đã rút ra bài học rằng, việc trở thành một tổ chức tiếp nhận những kẻ khủng bố chắc chắn sẽ dẫn đến sự can thiệp quân sự của nước ngoài.
Sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Mỹ yêu cầu Taliban giao nộp Osama bin Laden và trục xuất các thành viên al-Qaeda khỏi Afghanistan nhưng Taliban từ chối thực hiện yêu cầu này. Điều đó đã khiến Mỹ và liên quân tiến hành chiến dịch quân sự Tự do Bền vững ở Afghanistan từ tháng 10/2001, nhắm vào các mục tiêu của Taliban, khiến lực lượng này mất quyền kiểm soát các khu vực quan trọng và phải rút khỏi thủ đô Kabul một tháng sau đó.
Mặc dù Taliban nhiều khả năng khó chấp nhận từ bỏ những đức tin căn bản, đó là thiết lập một chế độ luật Hồi giáo nghiêm khắc theo cách giải thích của riêng họ nhưng lực lượng này có thể đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không còn được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công của al-Qaeda nhằm vào nước ngoài, chuyên gia Wassim Nasr của France 24 lưu ý.
“Taliban hiện giờ mạnh hơn so với thời điểm những năm 1990. Họ có nhiều kinh nghiệm về quân sự và chính trị hơn. Điều đó khiến họ cởi mở hơn. Nhưng lực lượng này có thể không mạo hiểm để bị lật đổ thêm lần nữa do các hành vi khiêu khích của al-Qaeda. Họ sẽ tìm cách kiểm soát”, ông Wassim Nasr nhấn mạnh./.