Tham vọng của Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm châu Phi
VOV.VN - Ngay đầu nhiệm kỳ thứ 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một loạt nước châu Phi. Tham vọng của Trung Quốc trong chuyến thăm này là gì?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Phi trong dịp này, khi Bắc Kinh nỗ lực tăng cường vai trò của mình là một trong các đồng minh kinh tế và ngoại giao gần gũi nhất của Lục địa Đen.
Danh sách 10 nước châu Phi nhận được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc nhất. Đồ họa: CNN.
Sau chặng dừng chân ngắn ở vịnh Persian vào hôm 19/7, ông Tập tiếp tục tới hàng loạt nước gồm Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius, tức là tới gần như mọi góc của vùng cận Saraha của châu Phi, nơi ảnh hưởng kinh tế và tham vọng chiến lược của Trung Quốc gia tăng từng năm.
Chuyến công du này là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch nước Trung Quốc thứ 2.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, soán ngôi vị này của Mỹ cách đây một thập kỷ. Các số liệu chính thức cho thấy, thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đạt tới mức cao kỷ lục là 220 tỷ USD vào năm 2014.
Vô cùng coi trọng châu Phi
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn chủ động thăm các quốc gia châu Phi một cách đều đặn và sớm trong thời gian họ nắm quyền. Khi lần đầu trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, ông Tập Cận Bình cũng đã lựa chọn châu Phi làm một điểm đến trong chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên của mình. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập đã tới thăm lục địa này thêm 2 lần nữa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Senegal Macky Sall ở Senegal hôm 22/7. Ảnh: Getty. |
Mối quan tâm của Trung Quốc tới châu Phi không giới hạn vào thương mại. Lục địa Đen còn cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn nguyên liệu thô (mà Trung Quốc khó có thể có được từ các kênh khác), đồng thời châu Phi còn đóng vai trò một khối chính trị thân Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Ian Taylor, một chuyên gia châu Phi tại trường đại học “University of St. Andrews”, cho hay Mỹ đang đánh mất dần ảnh hưởng của họ trên lục địa này.
Ông Taylor nói: “Người Mỹ dường như chỉ nhìn vào châu Phi qua lăng kính an ninh... tức là hoàn toàn khác với cách tiếp cận của Trung Quốc... Trung Quốc nhìn vào châu Phi từ khía cạnh kinh tế - người Mỹ đã lạc hậu hẳn so với họ”.
Tính toán kỹ và sâu xa của Trung Quốc
Vào cuối chuyến thăm này, Chủ tịch Tập Cận Bình quay trở lại Nam Phi vào ngày 24/7 để tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 25-27/7.
Thoạt nhìn, Rwanda và Senegal có vẻ là sự lựa chọn lạ lùng cho chuyến thăm của ông Tập vì các nước này không nhận được nguồn đầu tư lớn đến từ Trung Quốc và đây cũng không phải các nước lớn về mặt dân số.
Nhưng giáo sư Taylor đã chỉ ra vị trí quan trọng của Rwanda trong sáng kiến Vành đai và Con đường – một đại dự án thương mại và đầu tư đầy tham vọng của Chủ tịch Tập với mục đích tăng cường kết nối kinh tế giữa châu Á, châu Âu và Đông Phi.
Taylor nói: “Rwanda đang hy vọng tích hợp bản thân vào mạng lưới đường sắt phát triển nhanh chóng ở châu Phi và trở thành một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường... Kigali [tên thủ đô của Rwanda] đang hướng tới việc đa dạng hóa mối quan hệ, khỏi phụ thuộc vào Mỹ, EU. Và Trung Quốc nhận ra cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển quan hệ”.
CIA: Trung Quốc muốn thay Mỹ làm siêu cường số 1 thế giới
Đối với Senegal, có những chỉ dấu cho thấy có thể chính phủ Trung Quốc quan tâm đến khả năng xây dựng các hải cảng ở Đại Tây Dương.
Gordon G. Chang, một nhà bình luận chính trị của Mỹ nổi tiếng với cuốn sách “The Coming Collapse of China”, cho hay việc lựa chọn Senegal và Mauritius là nhất quán với các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thiết lập sự hiện diện của mình ở bờ Đại Tây Dương của châu Phi và chiếm ưu thế trên Ấn Độ Dương.
Chang nói: “Thật ngạc nhiên là người Trung Quốc thành công đến như vậy – họ không vấp phải sự phản đối nào”.
Còn Taylor thì nhận định tiếp rằng hành trình đa dạng của ông Tập cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang “mở rộng tình yêu” của họ ở nhiều quốc gia châu Phi và tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại đây.
Ông này nhận xét thêm rằng đa phần các quốc gia châu Phi, đặc biệt là giới lãnh đạo chóp bu của họ, đánh giá cao Trung Quốc, nhất là việc nước này ở một số mặt đối xử với họ một cách bình đẳng.
Lo ngại về Trung Quốc
Giới phân tích của Trung Quốc xem mối quan hệ song phương gần gũi giữa nước họ và các nước châu Phi là kết quả tự nhiên của việc Bắc Kinh đã nuôi dưỡng mối quan hệ này trong nhiều thập kỷ, kể từ thời kỳ đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
He Wenping, một chuyên gia về châu Phi tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (thuộc nhà nước Trung Quốc) nói: “Tầm quan trọng của châu Phi trong ngoại giao Trung Quốc là nhất quán... Sáng kiến Vành đai và Con đường chỉ nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của châu Phi một lần nữa”.
Thực tế thì các cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng ở châu Phi như đường sắt, đường bộ, đập nước, mạng lưới viễn thông và các nhà máy điện, đang nhanh chóng làm châu Phi thay đổi diện mạo.
Xem thêm:
>> “Thế trận” khôn khéo của Trung Quốc ở châu Phi
>> Trung Quốc chiếm thế thượng phong tại châu Mỹ Latin
Các mỏ và nhà máy do Trung Quốc sở hữu đang tạo ra mọi thứ, từ khoáng sản cho tới giày dép, cộng với làn sóng du khách Trung Quốc chi tiêu nhiều đang góp phần xây dựng lại hình ảnh kinh tế của Lục địa Đen. Đồng thời, các chương trình giáo dục và các phương tiện truyền thông do Trung Quốc tài trợ đang phát triển về quy mô và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thanh niên châu Phi.
Và Trung Quốc cũng đang củng cố sự hiện diện ngoại giao và quân sự trên lục địa này, tích cực hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Nước này thậm chí đã mở căn cứ hải quân đầu tiên ở hải ngoại, đặt tại Djibouti vào năm 2017 – điều khiến Mỹ và phương Tây lo ngại.
Trước các lời chỉ trích về thực trạng “thực dân mới” ở châu Phi (ám chỉ Trung Quốc chỉ quan tâm khai thác tài nguyên giàu có và nguồn lao động rẻ của lục địa này), chuyên gia He Wenping của Trung Quốc thừa nhận có những chuyện này nọ trong quan hệ song phương nhưng đồng thời cũng có những lợi ích kinh tế cho cả đôi bên.
Bà He Wenping lập luận: “Nếu các quốc gia châu Phi thấy mình bị thực dân hóa thì sao họ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc? Đó sẽ là sự sỉ nhục trí tuệ của người dân châu Phi – thực tế họ biết rõ cách thức thu lợi ích tối đa từ việc hợp tác với Trung Quốc”.
Bà He Wenping cũng công kích chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và khẳng định “châu Phi không nằm trong chính sách nghị sự của Mỹ”./.