Thế giới 7 ngày: Khủng hoảng Qatar dịu bớt, tranh cãi Syria bùng lên
VOV.VN-Khủng hoảng giữa Qatar với các nước Arab còn căng thẳng song có chiều hướng dịu bớt, trong khi tranh cãi Nga - Mỹ về vũ khí hóa học Syria được khơi lại.
Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh le lói hi vọng hóa giải khi Ngoại trưởng Qatar (trong ảnh) yêu cầu các nước thành viên của HĐBA LHQ kêu gọi chấm dứt cô lập nước này. Tuy nhiên, Qatar tiếp tục từ chối bản yêu sách 13 điểm “không thể chấp nhận được” của các nước Arab vùng Vịnh và tuyên bố hôm 29/6 là đang phối hợp với Mỹ và Kuwait nhằm đối phó với tối hậu thư của các nước Arab. (Ảnh: AFP) |
Hồi đầu tuần, Mỹ cáo buộc Syria đang chuẩn bị thực hiện một cuộc “tấn công hóa học” nữa và dọa chính phủ nước này sẽ phải trả giá đắt nếu điều đó diễn ra. Nga bác bỏ cảnh báo của Mỹ và tố cáo Washington dùng chiêu bài “vũ khí hóa học” để dọn đường đánh Syria. Trong khi Ngoại trưởng Iran (trong ảnh), một đồng minh khác của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bên cạnh Nga, cũng cho rằng cáo buộc này làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông. (Ảnh: AP) |
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 29/6 cho rằng khí độc sarin đã được sử dụng trong một vụ tấn công ngày 4/4/2017 tại thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib (Bắc Syria) khiến hàng chục người thiệt mạng. Trong ảnh, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trưng những hình ảnh về vụ tấn công này trong cuộc họp của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 29/6/2017 các lực lượng Iraq đã chiếm được Nhà thờ Lớn Hồi giáo al-Nuri bên trong khu Thành Cổ của Mosul – thành trì của IS ở Iraq và là nơi Thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố IS, Abu Bakr al-Baghdadi (nghi vấn là vừa bị Nga tiêu diệt) tuyên bố thành lập caliphate “Nhà nước Hồi giáo” hồi năm 2014. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 27/6, một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc với quy mô lớn lại xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Mã độc “tống tiền” Petya, có tác hại tương tự mã độc WannaCry lại tái xuất dưới phiên bản mới là Petrwrap và tấn công nhiều hệ thống máy tính trên toàn cầu, với những thiệt hại ban đầu được ghi nhận tại các nước Ukraine, Nga, Anh và Ấn Độ. Thông điệp đòi tiền chuộc xuất hiện trên màn hình cây rút tiền của ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Ukraine Oschadbak. (Ảnh: Telegraph) |
Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/6 tuyên bố phần lớn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Sắc lệnh có hiệu lực ngày 29/6 đồng nghĩa với việc những người Hồi giáo đến từ 6 quốc gia là Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen nếu không có “người thân” ở Mỹ sẽ bị từ chối visa và cấm nhập cảnh vào Mỹ. Trong ảnh là những người dân Mỹ biểu tình phản đối lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Sáng 25/6 xảy ra một vụ cháy xe bồn chở dầu ở ngoại ô thành phố Bahawalpur, miền Trung Pakistan làm 190 người chiệt mạng, trong đó có 17 người mới tử vong tại bệnh viện vì vết bỏng quá nặng. (Ảnh: EPA) |
Ngày 25/6, tàu du lịch Almirante 4 khoang của Colombia chở 170 người bị đắm ở hồ El Penol tại thị trấn du lịch nổi tiếng Guatape. Vụ tai nạn làm ít nhất 9 người thiệt mạng và 28 người mất tích. Trong ảnh là tàu du lịch Almirante bắt đầu nghiêng (Ảnh: AFP) |
Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên tới thăm Nhà Trắng ngày 26/6. Đây là một sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm, bởi không chỉ nhằm thiết lập các mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, mà còn tái khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ. (Ảnh: Reuters) |
Tiếp đó, ngày 30/6, ông Donald Trump lại tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Mỹ trong chuyến chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua. (Ảnh: AP) |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trong lễ kỷ niệm 20 năm Hong Kong trở về Trung Quốc ngày 30/6. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 26/6, người Hồi giáo trên khắp thế giới ăn mừng lễ Eid al-Fitr kết thúc tháng lễ Ramadan chay tịnh. (Ảnh: Reuters) |