Thế giới 7 ngày: Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực
VOV.VN -Lầu Năm Góc nói rằng, việc Trung Quốc xây dựng phi pháp đảo nhân tạo trên Biển Đông là "phá hoại sự ổn định trong khu vực"
Hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo máy bay trinh sát của Mỹ khi bay gần các đảo nhân tạo do nước này xây dựng phi pháp (Nguồn ảnh: Hải quân Mỹ) |
1. Ngày 20/5, máy bay trinh sát Mỹ đưa một nhóm phóng viên CNN bay trên không phận quốc tế, gần khu vực các đảo đá nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp. Hải quân Trung Quốc liên tục cảnh báo qua radio và yêu cầu máy bay Mỹ ra khỏi khu vực.
Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa truyền thông tham gia vào các chuyến tuần tra giám sát của mình, nhằm thông tin rộng rãi tới dư luận quốc tế về các động thái của Trung Quốc, mà Mỹ cho rằng "gây mất ổn định tại khu vực".
Trong cuộc họp báo ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đưa máy bay trinh sát tới khu vực Biển Đông. Ông Hồng Lỗi cáo buộc các chuyến bay tuần tra của Mỹ là "rất vô trách nhiệm và nguy hiểm".
Cùng ngày, trả lời trong một cuộc họp báo ở Washington ngày 22/5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố, những chuyến bay tuần tra của Mỹ là “hoàn toàn hợp pháp” và lực lượng hải quân Mỹ cùng các máy bay quân sự nước này sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay như vậy.
>> Xem thêm: Trung Quốc cảnh báo áp dụng biện pháp mạnh với Mỹ trên Biển Đông
>> Xem thêm: Căng thẳng Trung- Mỹ leo thang sau vụ xua đuổi máy bay trên Biển Đông
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay khởi đầu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ, song hai bên chưa đạt được thỏa thuận mở đại sứ quán ở mỗi nước (Ảnh Wochit) |
2. Kết thúc 2 ngày đàm phán (20-21/5), phát biểu trong cuộc họp báo, Trưởng đoàn đàm phán Cuba, Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal và Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tây Bán cầu Roberta Jacobson cùng cho biết, hai bên “rất lạc quan” về kết quả đàm phán khi đã tìm được tiếng nói chung và đạt được tiến triển lớn đối với nhiều vấn đề quan trọng.
Đây là cuộc họp lần đầu tiên giữa hai bên kể từ ngày 14/4 khi Tổng thống Mỹ Obama thông báo quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố, bước đi mà Cuba cho là rất cần thiết để hai bên đạt được những tiến triển mới trong quá trình bình thường hóa quan hệ.
Mỹ và Cuba tiến thêm một bước dài bình thường hóa quan hệ song phương sau 2 ngày đàm phán ở Washington, song vẫn chưa đi đến thỏa thuận mở đại sứ quán.
>> Xem thêm: Mỹ - Cuba: Thoát khỏi quá khứ, xoá bỏ hiềm khích
Thủ tướng Đức Merkel: cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm cho quan hệ đối tác của Liên minh châu Âu với các nước miền đông trở nên quan trọng hơn (Ảnh Wochit) |
3. Ngày 22/5 EU và Ukraine đã ký một thỏa thuận về khoản vay trị giá 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang đang kiệt quệ của Kiev. Lễ ký diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại thủ đô Riga, Latvia.
Trong quý I năm nay, kinh tế Ukraine ước tính đã giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái khi nước này vẫn đang lún sâu vào khủng hoảng tại các khu vực miền Đông.
Trong khi đó, quan hệ Nga- Ukraine lại rơi vào cẳng thẳng do nợ nần và khí đốt. Thủ tướng Nga Medvedev đã tuyên bố Nga sẽ áp dụng lập trường cứng rắn nhất có thể để bảo vệ các lợi ích của nước này, kể cả việc kiện Ukraine ra tòa về khoản nợ 3 tỷ USD nhận của Nga từ thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 12/2013. Trước đó, Ukraine đã yêu cầu Nga tiếp tục giảm giá khí đốt cho đến cuối năm nay.
Thủ tướng mới của Hàn Quốc, ông Hwang Kyo-ahn phát biểu tại cuộc họp báo ở Gwacheon, Hàn Quốc (Ảnh AP) |
4. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 21/5 đã chỉ định Bộ trưởng Tư pháp Hwang Kyo-ahn là Thủ tướng mới của nước này.
Ông Hwang Kyo-ahn, 58 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức hồi đầu năm 2013.
Trước đó, cựu Thủ tướng Lee Wan-koo đã từ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua do các cáo buộc rằng ông này đã nhận khoản tiền hối lộ 30 triệu won từ một doanh nhân.
Những lá cờ đen của các chiến binh thánh chiến tràn ngập thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, Iraq (Ảnh Wochit) |
5. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp giành được các vị trí chiến lược tại Iraq và Syria. Ngày 17/5, gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc Iraq là Mosul, cờ đen của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã xuất hiện tại một thành phố chiến lược Ramadi, cách thủ đô Baghdad chỉ khoảng 100km về phía Tây.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama không thừa nhận thua IS ở Iraq, mà gọi việc Ramadi (thủ phủ tỉnh Anbar, Iraq) thất thủ là một “bước lùi chiến thuật”. Ông Obama đổ lỗi về thất bại này cho các lực lượng phòng thủ Iraq được huấn luyện và tổ chức kém
Hôm 21/5, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã kiểm soát hoàn toàn thành cổ Palmyra, sau khi đánh bật lực lượng chính phủ Syria.
Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanisttan, Tướng Mỹ F. Campbell, hôm 23/5 cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang ráo riết tuyển quân tại Afghanisttan và Pakistan, song chưa triển khai hoạt động. Và hiện rất nhiều tay súng trong hàng ngũ Taliban đã quay sang với Nhà nước Hồi giáo.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu quốc tế không hành động kịp thời, vòi bạch tuộc Nhà nước Hồi giáo sẽ không chỉ dừng lại ở Iraq hay Syria.
>> Xem thêm: IS ngày càng lớn mạnh trước sự bất lực của Mỹ
Ngư dân Indonesia đã cứu được 100 người di cư gặp nạn trên biển hôm 19/5 (Ảnh Wochit) |
6. Ba quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc giúp đỡ hàng ngàn người nhập cư bị bỏ rơi trên biển, không có lương thực và nước uống.
Hiện hàng ngàn người nhập cư Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar đang phải lênh đênh trên biển suốt nhiều tuần qua do bị bọn buôn người bỏ rơi. Cả Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều từ chối tiếp nhận.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi các nước trong khu vực trước mắt cần phối hợp tìm giải pháp trước tình trạng nguy nan của di dân trên những con tàu lênh đênh trên biển.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 3.000 người nhập cư trái phép đã được cập bến an toàn tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan kể từ 2 tuần qua. Phần lớn trong số đó là người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển.
Giới chức Mỹ hôm nay (22/5) cho biết quân đội nước này đã sẵn sàng giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo của những người di cư trái phép đang mắc kẹt trên biển.
>> Xem thêm: Vấn nạn di cư tự do ở ASEAN: Những hải trình đầy máu và nước mắt
Kết quả trưng cầu dân ý ở Ireland cho thấy đa số ủng hộ hôn nhân đồng tính (Ảnh EFE) |
7. Cơ quan bầu cử Ireland ngày 23/5 thông báo nước này đã chính thức công nhận hình thức hôn nhân đồng giới. Đây là kết quả sau cuộc trưng cầu dân ý với 62% cử tri ủng hộ.
Các Thượng nghị sĩ tham gia vào một cuộc họp báo ở Capitol Hill, Washington, ngày 19/5/2015 sau cuộc thảo luận về Quyền Xúc tiến thương mại (TPA) (Ảnh AP) |
8. Ngày 22/5 (theo giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) với 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống.
Thượng viện Mỹ đã có những cuộc tranh luận “nảy lửa” về Dự luật Xúc tiến thương mại (hay còn gọi là Quyền đàm phán nhanh), công cụ cho phép chính phủ Mỹ đệ trình lên Quốc hội các thỏa thuận thương mại mà cơ quan lập pháp tối cao chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ, chứ không có quyền sửa đổi.
Dù đã được Thượng viện phê chuẩn, Dự luật Quyền đàm phán nhanh còn phải vượt qua cửa ải Hạ viện, do phần lớn các nghị sỹ Dân chủ lại phản đối hiệp định TPP.
Nếu Dự luật Quyền đàm phán nhanh được Hạ viện Mỹ phê chuẩn thì có khả năng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thỏa thuận thương mại có tiến trình đàm phán dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 6 tới./.