Thủ tướng Anh May có những lựa chọn nào khi thỏa thuận Brexit đổ vỡ?
VOV.VN - Việc thỏa thuận Brexit đổ vỡ vào phút chót hôm đầu tuần đặt nữ Thủ tướng Anh Theresa May vào các lựa chọn khó khăn.
Cuộc chiến từ ngữ
Ngày 4/12, một thỏa thuận Brexit lịch sử đã ở trong tầm tay chính phủ Anh và Liên minh châu Âu. Nhưng vào phút chót, sự phản đối của một đảng nhỏ trong chính phủ liên minh tại Anh - đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (PUD) đã phá hỏng tất cả.
Bắc Ireland. Ảnh: Tell Mama. |
Lý do mà PUD đưa ra để phản đối, là vì cụm từ “điều chỉnh các quy định gây bất đồng” mà hai phía Liên minh châu Âu và Anh dự định đưa vào dự thảo thỏa thuận Brexit.
Câu chuyện xoay quanh cụm từ này là cả một cuộc đấu trí cam go giữa các nhà đàm phán. Ban đầu, phía Liên minh châu Âu đưa ra cụm từ “không hiện diện các bất đồng về mặt quy định” để đề cập đến biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland. Nhưng cách thể hiện này bị cho là quá mang tính chất ép buộc với người Anh, vì thế, hai bên nhượng bộ nhau và thay bằng cụm từ khác, là “điều chỉnh thường xuyên các quy định gây bất đồng”.
Các nhà ngoại giao châu Âu ở Brussels giải thích: như thế có nghĩa là việc giải quyết các bất đồng về mặt quy định giữa hai bên (CH Ireland và Bắc Ireland) sẽ được tiến hành thường xuyên, để luật lệ ở hai bên là tương đồng nhau, dù không nhất thiết y hệt nhau. Đây được xem là cách diễn đạt rộng hơn, linh hoạt hơn và cho phép các bên, ở một mức độ nhất định, được diễn giải theo cách của mình.
Mục đích chính của cuộc chiến từ ngữ chỉ có một: ngăn cản sự hiện diện trở lại của một đường biên giới cứng giữa CH Ireland, một thành viên EU, với Bắc Ireland, một lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh.
Nhưng đảng PUD của Bắc Ireland, vốn nhạy cảm với mọi thứ khiến họ vẫn bị gắn với CH Ireland và xa rời Vương quốc Anh, vẫn nói “Không”.
Biên giới quan trọng mức nào?
Nhưng thực sự thì vấn đề biên giới trên đảo Ireland thực sự quan trọng đến mức nào?
Ngược dòng lịch sử, hòn đảo Ireland bị chia cắt thành hai phần như hiện nay từ năm 1922. Trong nhiều thập kỷ, các phong trào chính trị đấu tranh đòi thống nhất hòn đảo, tức đưa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh trở lại hợp nhất với Ireland, đã từng gây ra các bài toán chính trị và an ninh hóc búa cho các đời chính phủ Anh.
Thỏa thuận hoà bình chỉ được ký năm 1998 khi xoá bỏ đường biên giới cứng để hai miền Bắc và Nam của hòn đảo được tự do thông thương.
Brexit đồng nghĩa với việc quá khứ có thể quay trở lại, vì khi Vương quốc Anh rời EU và giành lại quyền kiểm soát biên giới của mình thì Bắc Ireland, với tư cách là một lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, cũng sẽ phải rời EU. Khi đó, về mặt lý thuyết, biên giới cứng phải được dựng lên giữa một quốc gia thuộc EU – là CH Ireland, với một lãnh thổ không thuộc EU – là Bắc Ireland.
Thoả thuận Brexit đổ vỡ phút chót vì vấn đề biên giới Ireland
Nhưng việc này nằm ngoài lợi ích của cả CH Ireland lẫn Liên minh châu Âu. Dublin tuyệt đối không muốn một đường biên giới cứng xuất hiện trở lại vì các rủi ro lớn cả về kinh tế lẫn chính trị.
Về kinh tế, giao thương giữa hai phần của hòn đảo chiếm 40% giao thương của mỗi bên. Biên giới, với các quy định thuế quan khác nhau, sẽ cản trở lưu thông hàng hoá, nhân lực và trí thức.
Về chính trị, biên giới cứng đồng nghĩa với nhân viên hải quan, lính gác, súng ống, thậm chí hàng rào thép gai như trong quá khứ. Sự tái hiện những hình ảnh đó sẽ làm căng thẳng trở lại bầu không khí chưa hoàn toàn thân thiện giữa các cộng đồng.
Đây chính là một điều nghịch lý khác của Brexit. Brexit được người Anh lựa chọn vì cho rằng như thế sẽ bảo vệ tốt hơn đường biên giới, sự thống nhất và chủ quyền của mình nhưng nay Brexit lại đang có nguy cơ làm sống lại một trong các xung đột lãnh thổ gai góc nhất trong quá khứ tại Anh.
Với Liên minh châu Âu, lợi ích chính của việc muốn giữ Bắc Ireland trong phạm vi quy định của mình, bên cạnh việc ủng hộ CH Ireland, xuất phát từ lo ngại của khối này về việc Bắc Ireland có thể biến thành một dạng “backdoor – cửa sau” của các đường dây buôn lậu và tị nạn, cũng như trở thành một dạng thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu.
Có một chi tiết nói lên nhiều điều: trong cuộc trưng cầu ý dân Brexit ngày 23/6/2016, 55,8% cử tri Bắc Ireland phản đối Brexit và muốn ở lại trong EU.
Nhưng sự phủ quyết nằm trong tay người có quyền, ở đây là đảng PUD.
Kịch bản nào cho bà May?
Sự đổ vỡ thỏa thuận Brexit vào phút chót giờ đây đang đặt bà Theresa May vào một tình thế chính trị phức tạp. Anh khẳng định đàm phán thương mại tương lai hậu Brexit là thiết yếu
Trước mắt thì có 3 kịch bản dành cho bà May. Thứ nhất, là hướng đến một giải pháp ngoại giao, tức là tất cả các bên, gồm Liên minh châu Âu, chính phủ Anh, CH Ireland và cả đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland thay đổi cụm từ đang gây bất đồng hiện nay, thay vào đó bằng một cách diễn đạt rộng hơn, mở hơn để tất cả các bên đều có thể tạm hài lòng.
Đây có thể sẽ chỉ là giải pháp tạm thời để việc giải quyết các vấn đề chia tay của Brexit sớm được hoàn tất, còn về sau các bên có thể đi vào các đàm phán chi tiết hơn về mặt kỹ thuật.
Kịch bản thứ hai, đó là toàn bộ Vương quốc Anh, gồm nước Anh, Bắc Ireland, Scotland và Xứ Wales tiếp tục ở lại trong khối thị trường chung châu Âu hay cùng đàm phán một thỏa thuận thương mại gắn kết chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Khi đó thì đường biên giới giữa CH Ireland với lãnh thổ Bắc Ireland vẫn giữ nguyên như hiện nay, không cần thay đổi.
Kịch bản này chính là điều thường được giới phân tích gọi là “Canada Dry”, hiểu nôm na là bình mới, rượu cũ. Tuy nhiên, đây là điều rất khó khả thi bởi lẽ, bản thân bà Theresa May luôn khẳng định Brexit đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ rời thị trường chung châu Âu, để sau đó sẽ tự đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Trung Quốc hay các nước trong Khối Thịnh vượng chung. Quan trọng hơn, là gần như không có chuyện 27 nước Liên minh châu Âu chấp nhận giải pháp này.
Kịch bản cuối cùng, cũng có lẽ là tệ nhất với bà May, đó là nếu không thuyết phục được đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland thì chính phủ của bà May có thể sẽ sụp đổ, nước Anh sẽ lại phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới và khi đó thì nhiều khả năng là thủ lĩnh Công đảng đối lập là ông Jeremy Corbyn sẽ lên nắm quyền./.