Tiến bộ của chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên
VOV.VN - Triều Tiên hôm nay (12/7) đã phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về vùng biển phía Đông của nước này, chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa bắn hạ máy bay do thám của quân đội Mỹ nếu máy bay Mỹ vượt qua đường phân giới quân sự trên biển.
Vụ phóng xảy ra sau một số vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gần đây của Triều Tiên, khiến các nhà quan sát và các chuyên gia quốc tế lo ngại về tham vọng của Bình Nhưỡng phát triển vũ khí có khả năng tấn công các thành phố lớn ở Mỹ.
Triều Tiên đã phóng thử tên lửa Hwasong-17 vào tháng 3/2023 và tên lửa Hwasong-18 vào tháng 4/2023. Đây là những loại tên lửa mà Nhà lãnh đạo Kim Jong Un mô tả là có thể cung cấp cho Triều Tiên “phương tiện tấn công chiến lược mạnh mẽ” và tăng cường năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hiện vẫn chưa rõ tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm nay (12/7) là loại nào. CNN dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá, tên lửa này đã bay khoảng 1.000km, ở trên không trong khoảng thời gian 74 phút.
Triều Tiên có cả tên lửa dùng nhiên liệu lỏng và nhiên liệu rắn
Hwasong-17 là ICBM chạy bằng nhiên liệu lỏng, được ra mắt vào năm 2022 khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa đầu tiên sau hơn 4 năm. Công nghệ nhiên liệu lỏng được đánh giá là tương đối dễ làm chủ.
Trong khi đó, Hwasong-18 là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, theo Bình Nhưỡng - khiến nó tiên tiến hơn nhiều và sẽ cho phép Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa nhanh hơn.
Các chuyên gia đánh giá, ICBM nhiên liệu rắn ổn định hơn và có thể di chuyển dễ dàng hơn để tránh bị phát hiện trước khi vụ phóng có thể bắt đầu trong vài phút – so với tên lửa nhiên liệu lỏng phải cần hàng giờ chuẩn bị trước khi phóng, tạo thời gian cho đối phương có thể phát hiện và vô hiệu hóa vũ khí.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc Triều Tiên nâng cấp từ tên lửa Hwasong-17 trong vụ phóng năm ngoái lên Hwasong-18 năm nay cho thấy chương trình tên lửa của nước này đang đạt được tiến bộ nhanh chóng.
ICBM Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân không?
ICBM của Triều Tiên, ít nhất về mặt lý thuyết, có thể đặt toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm bắn của đầu đạn hạt nhân - nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về khả năng nhắm mục tiêu của tên lửa Triều Tiên nếu được gắn đầu đạn hạt nhân.
Các cuộc thử nghiệm trước đây đã cho thấy tầm bắn có thể có của tên lửa Triều Tiên – các cuộc thử nghiệm vào tháng 3 và tháng 4 năm nay đều bay được khoảng 1.000 km. Trong khi vụ thử nghiệm Hwasong-17 năm ngoái, tên lửa đã bay 1.090 km, trong khoảng 68 phút trước khi rơi xuống biển.
Thời gian bay 74 phút của tên lửa Triều Tiên trong vụ phóng mới nhất dài hơn vài phút so với các tên lửa đã được nước này thử nghiệm vào tháng 3 và tháng 4/2023.
Các chuyên gia lưu ý, trọng lượng của đầu đạn ảnh hưởng đến quãng đường bay của tên lửa, vì vậy nếu không có thông tin liên quan, các nhà quan sát không thể biết chắc chắn tầm bắn thực tế của tên lửa.
Một câu hỏi khác là liệu một đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể “sống sót” khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất hay không. Nếu quá trình hồi quyển không được thực hiện với độ chính xác tuyệt đối và với các vật liệu có thể chịu được lượng nhiệt khổng lồ sinh ra, đầu đạn sẽ bốc cháy trước khi đến được mục tiêu. Góc mà đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển cũng có thể khiến quá trình trở nên khó khăn hơn.
Mục tiêu tiếp theo của chương trình tên lửa của Triều Tiên
Chủ tịch Kim Jong Un đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm mang lại cho Triều Tiên khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy, nghĩa là một kho vũ khí đủ mạnh để ngăn chặn bất kỳ kẻ thù nào.
Các chuyên gia cho biết, ông Kim đã lập ra một danh sách dài các vũ khí đang được hiện đại hóa trong những năm gần đây – với ICBM chỉ là một trong những hạng mục trong bản danh sách đó. Các mục tiêu khác có thể bao gồm phóng vệ tinh quân sự hoặc đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ra biển.
Trước đây, Triều Tiên cũng đã công bố kế hoạch nâng cao độ chính xác của tên lửa và tăng tầm bắn lên tới 15.000 km.
Những tham vọng này đã được thể hiện rõ ràng vào năm ngoái khi Triều Tiên tăng cường đáng kể tần suất và cường độ thử nghiệm vũ khí, điều này dường như có giảm bớt trong năm nay, nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với những năm trước.
Phản ứng của Mỹ và đồng minh
Cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên ngày 12/7 đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước láng giềng.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, cho biết ông sẽ kêu gọi "sự đoàn kết quốc tế mạnh mẽ" giữa các nước thành viên NATO để phản ứng với vụ phóng. Ngay trong sáng 12/7 (giờ địa phương), ông Yoon đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia từ Litva.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để chia sẻ thông tin. Cả Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích vụ phóng.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng vụ phóng tên lửa là "không thể chấp nhận được" và là mối đe dọa đối với ổn định khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản cũng đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên thông qua kênh đại sứ quán tại Bắc Kinh.