Tổng thống Nga Putin thăm Italia, mở đường cải thiện quan hệ với EU
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng chuyến thăm Italia của ông Putin sẽ là bước đầu hướng tới việc “làm tan băng” căng thẳng kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (4/7) bắt đầu chuyến thăm chính thức Italia và Vatican. Nhìn bề ngoài, chuyến thăm Italia của Tổng thống Putin nhằm đẩy hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế cùng quan tâm nhưng giới phân tích cho rằng đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc “làm tan băng” căng thẳng kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga.
Tổng thống Nga Putin thăm Italia, mở đường cải thiện quan hệ với EU. Ảnh: Reuters |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến Italia kể từ năm 2015, khi ông Putin tham dự “Triển lãm Thế giới” ở Milan và cũng là chuyến thăm lần thứ 11 của nhà lãnh đạo Nga. Tổng thống Putin có cuộc gặp với Tổng thống Italia Sergio Mattarella, Thủ tướng Giuseppe Conte và tham dự Diễn đàn Đối thoại Xã hội Dân sự Nga – Italia. Bên cạnh những cam kết thúc đẩy hợp tác song phương, Tổng thống Nga ghi nhận những nỗ lực của Italia đấu tranh trong nội bộ khối để khôi phục quan hệ toàn diện giữa Nga và EU. Ông hi vọng Italia sẽ thuyết phục ban lãnh dạo mới của EU rằng, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sẽ là phản tác dụng.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Rome sau khi hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, Tổng thống Putin cho biết ông không mong đợi Italia sẽ nhân danh Nga tiến hành vận động hành lang nhằm đảo ngược các lệnh trừng phạt của EU, nhưng ông đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo Italia “có thiện ý cải thiện” quan hệ Nga-EU.
“Mọi điều đều có thể xảy ra. Nga và EU là những đối tác tự nhiên trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta gần về địa lý, cùng chia sẻ các giá trị văn minh. Do vậy tôi không thấy rào cản lớn nào mà không thể vượt qua trong việc khôi phục quan hệ toàn diện. Nhưng tôi xin nhắc lại, mọi thứ cũng phụ thuộc vào các đối tác châu Âu”
Tổng thống Putin hi vọng sẽ không còn vật cản nhân tạo nào cản trở con đường hợp tác của Nga với EU. Cùng ngày, trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Corriere della Sera của Italia, Tổng thống Putin tuyên bố Nga rất muốn khôi phục lại quan hệ toàn diện với EU và sẵn sàng hợp tác với mọi lực lượng chính trị được các cử tri của EU ủng hộ.
EU áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Bên cạnh đó là vụ điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc trên đất Anh hồi năm 2018 được cho là có bàn tay của Nga đã khiến quan hệ Nga – Anh cũng như quan hệ Nga – EU rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nga và EU trừng phạt kinh tế lẫn nhau dẫn tới cả hai bên đều hứng chịu tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh đó, không ít các nước thành viên của Liên minh châu Âu lên tiếng bãi bỏ các chính sách chống Nga (đối tác thương mại lớn thứ ba của EU), nhưng do sức ép của Mỹ, nội bộ EU bất đồng nên khối này vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Riêng Italia, đảng Phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên đoàn trong chính phủ liên minh cầm quyền đều có quan điểm thân Nga hơn so với phần lớn các nước châu Âu khác. Trước khi lên nắm quyền vào năm ngoái, liên minh Phong trào 5 Sao - Liên đoàn đã cực lực kêu gọi chấm dứt các kế hoạch trừng phạt của EU, trong đó thủ lĩnh đảng Liên đoàn Matteo Salvini đã vài lần đến thăm Nga và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tổng thống Putin. Thủ tướng Italia Conte thì tuyên bố các lệnh trừng phạt chỉ là tạm thời, và Italia đang tạo điều kiện thuận lợi cho cải thiện quan hệ Nga - EU.
Theo Liên đoàn giới chủ công nghiệp Italia (Confindustria), nhiều doanh nghiệp trong số hơn 500 công ty của Italia hoạt động ở Nga đang kêu gọi chính phủ Italia nỗ lực thúc đẩy nhằm làm suy yếu các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Bất chấp lệnh cấm vận, tổng trao đổi thương mại giữa Nga và Italia vẫn tăng 12,7% trong năm 2018 lên mức 26,9 tỷ USD. Với những lợi ích đan xen, hiện là thời điểm thích hợp để quan hệ Nga - EU có sự khởi đầu mới mà chuyến thăm Italia của tổng thống Putin rất có thể là chiếc cầu nối cho sự hàn gắn này./.
Tổng thống Putin kêu gọi “quan hệ không dựa trên trừng phạt” với EU