Trung Quốc cưỡng chế Biển Đông, Mỹ sẽ không đứng nhìn
VOV.VN - "Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều đồng lòng chống lại", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.
Reuters trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken gọi dự án của Trung Quốc cải tạo đảo với quy mô lớn ở Biển Đông, là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định" trong khu vực.
Ông nói rằng Mỹ không có vị trí tranh chấp trên Biển Đông, nhưng quan tâm mạnh mẽ tới diễn biến các hoạt động mà các bên liên quan đang theo đuổi, và quan tâm đến việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.Trung Quốc đã cải tạo đảo với quy mô lớn trên Biển Đông (Ảnh Reuters) |
"Biện pháp cần làm tiếp theo đối với Trung Quốc và tất cả các bên liên quan là dừng ngay các hoạt động cải tạo và giải quyết mâu thuẫn theo các quy định của pháp luật", Reuters dẫn lời ông Blinken nói.
"Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều đồng lòng chống lại", Blinken cho biết trong một bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách An ninh Mỹ.
Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và nói rằng, nước này có mọi quyền để xây dựng trên các rạn san hô ở đó. Trong thời gian diễn ra Đối thoại Chiến lược Mỹ Trung tuần trước, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hứa hẹn rằng, việc tự do hàng hải ở Biển Đông với kim ngạch thương mại trị giá 5.000 tỷ USD sẽ được đảm bảo.
Những lời phát biểu này đưa được ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ- Trung đang leo thang căng thẳng sau những hành vi ngày càng quyết liệt hơn của Trung Quốc và các cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào các máy tính của chính phủ Mỹ.
Hôm thứ Năm vừa qua (25/6), Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ James Clapper tuyên bố, Trung Quốc là nghi phạm hàng đầu trong các cuộc tấn công an ninh mạng đối với Văn phòng Quản lý nhân sự, xâm nhập dữ liệu của hàng triệu người Mỹ.Mạng CNET cho biết, đây là lần đầu tiên chính quyền Obama công khai cáo buộc Bắc Kinh trong việc tấn công an ninh mạng, nhưng ông Clapper cho biết vẫn đang tiến hành điều tra các cuộc tấn công mạng này. Phản ứng trước tuyên bố này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Kang gọi điều đó là "phi logic".
Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc là nguồn gốc các cuộc tấn công mạng nhắm tới các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Nhưng Nhà Trắng đã ngừng cáo buộc chính phủ Trung Quốc khi cố gắng làm "tan băng" mối quan hệ giữa 2 chính phủ.
Vào tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã ký một sắc lệnh, theo đó cho phép Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm về cuộc tấn công mạng tạo "mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, kinh tế y tế, hoặc sự ổn định tài chính của Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, CNET bình luận rằng, trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng "cư xử đẹp" với Trung Quốc, không rõ làm thế nào nước này có thể áp đặt lệnh trừng phạt hoặc sử dụng hình thức nào để trừng phạt những hành vi như tuyên bố.