Trung Quốc mạnh tay hơn về chống tham nhũng trước thềm đại hội XX

VOV.VN - Vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đang tới gần, từ giữa tháng 9 đến nay, hàng loạt các động thái, quy định quan trọng, thậm chí hiếm thấy đã được CPC đưa ra, liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng và công tác sử dụng cán bộ.

Những tín hiệu Trung Quốc phát đi trước thềm sự kiện chính trị quan trọng, nhằm đưa ra các quyết sách và vạch ra đường hướng phát triển cho đất nước trong ít nhất 5 năm tới, đang cho thấy quyết tâm của nước này trong việc chấn chỉnh, làm trong sạch và lớn mạnh đội ngũ cán bộ đảng viên - lực lượng nòng cốt để đưa Trung Quốc tiếp tục vững bước trong nhiệm kỳ 5 năm tới và tạo tiền đề cho việc đạt được mục tiêu cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và tiến tới “mục tiêu 100 năm” thứ hai – trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Mạnh tay chấn chỉnh đội ngũ cán bộ chính trị và pháp luật

Liên tiếp chỉ trong 3 ngày 21, 22 và 23/9, 5 trong số 6 “hổ lớn” bị cáo buộc tham gia vào “băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân” và kẻ chủ mưu Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã lần lượt phải ra hầu tòa và nhận những bản án rất nặng.

Trong số 6 người bị tuyên án có tới 3 người phải lĩnh bản án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án 2 năm, sau đó được giảm xuống tù chung thân, song sẽ phải sống trong nhà lao đến cuối đời. Các quan chức này bao gồm Tôn Lực Quân, cựu Thứ trưởng Công an; Phó Chính Hoa, cựu Bộ trưởng Tư pháp và Vương Lập Khoa, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp (Chính trị và Pháp luật) tỉnh Giang Tô. Đây cũng là những quan tham thứ 6, 7 và 8 phải chịu mức án tử hình treo và giam giữ trọn đời kể từ khi Trung Quốc sửa đổi đưa thêm hình phạt trên vào bộ luật hình sự năm 2015. 3 thành viên còn lại một người lĩnh án tù chung thân, 2 người bị kết án 14 và 15 năm tù giam.

Phát biểu trong bộ phim tài liệu về đề tài chống tham nhũng mang tên “Không khoan nhượng” phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi tháng 1/2022, ông Tôn Đông Thăng, Phó Chủ nhiệm Phòng xử án của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (CCDI), gọi vụ án của Tôn Lực Quân là “một trong những vụ án nghiêm trọng nhất được điều tra xử lý kể từ sau Đại hội XIX”.

Cách đây gần 2 năm, vào tháng 2/2021, một chiến dịch giáo dục và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong các cơ quan chính pháp đã được thực hiện trên cả nước Trung Quốc.

Tôn Lực Quân bị ngã ngựa vào tháng 4/2020 và bị “song khai” (khai trừ khỏi đảng và cơ quan công quyền) vào tháng 9/2021. CCDI đã đưa ra những lời lẽ cáo buộc gay gắt chưa từng có đối với quan chức này. Theo đó, ông ta “tham vọng chính trị lên tới cực độ, phẩm chất chính trị cực kỳ tồi tệ”, kết bè kết phái, kéo bè kéo cánh, gây dựng thế lực cá nhân và hình thành các nhóm lợi ích trong đảng, kiểm soát các bộ phận chủ chốt, “phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết thống nhất của đảng và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh chính trị”.

Đến nay, 6 trong số 7 thành viên của “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” đã bị kết án và chỉ mất hơn hai năm từ khi điều tra đến khi tuyên án, trong đó cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa chỉ mất chưa đầy 1 năm. Điều này đã gửi đi một thông điệp rằng các vụ án liên quan đến “băng đảng chính trị” sẽ được xếp vào đối tượng trấn áp mạnh tay do gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh chính trị của CPC, vì vậy cần xét xử nhanh chóng và nghiêm minh.

Việc xử nặng Tôn Lực Quân và đồng đảng trước thềm Đại hội XX, còn cho thấy thái độ quyết không dung thứ cho các “băng đảng bè phái” và việc gây dựng thế lực cá nhân trong đảng, cũng như yêu cầu toàn đảng phải thống nhất xung quanh Ban chấp hành Trung ương và thống nhất dưới sự chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng 

Nếu như hệ thống chính pháp liên quan đến an ninh chính trị, thì tài chính, ngân hàng là lĩnh vực liên quan đến an ninh kinh tế. Theo tờ Nhật báo Pháp trị của Trung Quốc, gần 3 năm qua, đã có 106 cán bộ trong hệ thống tài chính của nước này bị thẩm tra kỷ luật, với số lượng tăng dần theo từng năm. Chỉ riêng trong năm nay, con số này đã là 52 người tính đến ngày 25/9.

Hồi giữa tháng 9, Trung Quốc đã ra thông báo liên tiếp về kết quả đợt thanh tra chấn chỉnh nhiều tổ chức tài chính. Trong số đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CHINA DEVELOPMENT BANK, CDB), nơi được ví như vùng trũng của tham nhũng tài chính, đã phải thừa nhận việc loại bỏ những ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ án cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng này Hồ Hoài Bang – người bị tuyên án tù chung thân vì tham nhũng hồi tháng 7/2021 - đã không được làm triệt để, đồng thời cho biết CDB đã tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và chính xác về các biểu hiện chính trị, trách nhiệm với công việc, cũng như quan hệ xã hội và sở thích cá nhân đối với người đứng đầu và các thành viên trong ban lãnh đạo ngân hàng.

CDB cũng đã phải đưa ra 41 biện pháp chấn chỉnh nhằm tăng cường kiểm soát và giám sát quyền lực, cũng như xây dựng tuyến phòng thủ chống tham nhũng và thoái hóa biến chất.

Là cơ quan tài chính về phát triển lớn nhất toàn cầu, đến nay, CDB đã có tới 3 quan chức cấp cao bị ngã ngựa kể từ Đại hội XVIII năm 2012, gồm Diêu Trung Dân, cựu Phó Bí thư Đảng ủy CDB bị điều tra năm 2016 và chịu mức án 14 năm tù; Hồ Hoài Bang bị điều tra năm 2019 và bị tuyên án tù chung thân năm 2021; Hà Hưng Tường, cựu Phó Thống đốc CDB vừa ngã ngựa tháng 9/2021 và bị “song khai” vào tháng 1/2022, trở thành “hổ tài chính” đầu tiên bị cáo buộc “gây rủi ro tài chính nghiêm trọng” và nhận hối lộ hơn 66 triệu nhân dân tệ (hơn 9,3 triệu USD) trong suốt 15 năm tại phiên tòa xét xử hồi tháng 8 vừa qua.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, Đoàn thanh tra Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một đợt thanh tra kéo dài hơn 2 tháng. Sau đó, vào tháng 2/2022, 25 tổ chức tài chính, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương), Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc... đã bị phê bình, trong đó có việc các cơ quan này đã không phản tỉnh đủ sâu sắc, chưa loại bỏ ảnh hưởng triệt để, cũng như chưa truy cứu và xác định trách nhiệm đến cùng đối với vụ án của các “hổ tài chính”, như “đệ nhất quan tham Trung Quốc” - cựu Chủ tịch Tập đoàn quản lý tài sản Hoa Dung Lại Tiểu Dân, người bị kết án tử hình hồi đầu năm 2021.

Các thông báo dồn dập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng của giới chức nước này đưa ra trước Đại hội XX, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa sự giám sát đối với người đứng đầu và những người ra quyết sách về tài chính, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế thứ 2 thế giới không phải đối mặt với rủi ro tài chính, đồng thời một lần nữa tuyên bố với người dân nước này về quyết tâm không khoan nhượng đối với các vụ án tham nhũng tài chính.

Ban hành quy định mới về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ

Hôm 19/9, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến Đại hội XX, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành quy định mới, đưa ra những yêu cầu cụ thể trong việc đề bạt và miễn nhiệm cán bộ, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy thực hiện việc cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống”, với trọng tâm là xử lý các cán bộ “có vấn đề” nhưng chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng.

Điều 4 của Quy định ghi rõ, cần thúc đẩy việc cán bộ lãnh đạo “có thể lên, có thể xuống”, trọng tâm là giải quyết vấn đề “có thể xuống”. Quy định nêu rõ, khái niệm không phù hợp với chức vụ đang đảm nhiệm chủ yếu dùng để chỉ phẩm chất, năng lực, độ siêng năng, thành tích và tính liêm khiết của cán bộ không phù hợp với yêu cầu của vị trí công tác.

Quy định cũng liệt kê 15 trường hợp cụ thể không phù hợp đảm nhiệm chức vụ đang nắm giữ, như bản lĩnh chính trị không vững vàng, dao động lý tưởng niềm tin, trách nhiệm và tinh thần đấu tranh kém, có quan điểm lệch lạc về thành tích chính trị, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu năng lực lãnh đạo, ra quyết định trái quy định hoặc thiếu thận trọng, tác phong làm việc không nghiêm...

Ngoài ra, vợ/chồng, con cái di cư ra nước ngoài hoặc vợ/chồng, con cái và hôn phối kinh doanh, mở công ty cũng được coi là không phù hợp.

Quy định mới về đề bạt và miễn nhiệm cán bộ này được sửa đổi, bổ sung dựa trên quy định thí điểm tương tự do Bộ Chính trị nước này thông qua 7 năm trước, nhằm quản lý Đảng toàn diện, nghiêm minh và quản lý chặt chẽ cán bộ. Quy định thí điểm từng được truyền thông Trung Quốc gọi là “văn kiện quan trọng nhất về cải cách chế độ cán bộ nhân sự kể từ sau Đại hội XVIII”.

Trong khi đó, quy định mới được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành một môi trường chính trị và định hướng nhân tài, trong đó những người có năng lực được đưa lên, những người xuất sắc được khen thưởng, những người tầm thường bị đưa xuống và những người kém cỏi bị loại bỏ, nhằm xây dựng một đội ngũ cầm quyền cốt cán có tố chất cao trung thành, trong sạch và có trách nhiệm.

Việc sửa đổi và ban hành quy định trước thời điểm Đại hội XX cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố tìm ra một cơ chế nhằm loại bỏ những người kém cỏi, thiếu trách nhiệm. Đây có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế của đảng này. Điều này cũng gửi đi hai tín hiệu: một là, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn xây dựng tác phong cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; hai là, trong thời gian tới sẽ có nhiều cán bộ bị luân chuyển, truy cứu trách nhiệm hoặc phải nghỉ hưu sớm vì công việc không đạt yêu cầu.

Kể từ sau Đại hội XVIII năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, phanh phui hàng loạt quan tham cấp cao. Việc làm này không chỉ tạo được “uy quyền” cho CCDI – cơ quan cao nhất về chống tham nhũng của nước này, mà còn thiết lập được một cơ chế phòng chống tham nhũng hiệu quả. Tuy nhiên, so với cuộc chiến chống tham nhũng, việc xử lý của cán bộ “lãn chính”, tức lười biếng, chểnh mảng, không hành động hoặc làm bừa vẫn chưa có nhiều tiến triển rõ rệt. Trừ khi họ vi phạm pháp luật và kỷ luật, rất ít cán bộ dạng này bị điều chuyển vì “không phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm”.

Quan chức lười cũng là tham nhũng

Chính trường Trung Quốc từ trước đến nay vốn không có truyền thống truy cứu trách nhiệm quan chức vì lười biếng. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới áp lực của cuộc chiến chống tham nhũng, không ít quan chức nước này đã không nỗ lực phấn đấu để đạt thành tích, mà chỉ cố để không phạm lỗi, và để không phạm sai lầm, với họ cách đơn giản nhất là làm ít đi, thậm chí không làm gì.

Vài năm trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng mô tả các quan chức tầm thường và lười nhác là những kẻ “ăn không ngồi rồi”; Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng từng lên tiếng chỉ trích hiện tượng này, cho rằng “ngồi không ăn bám”, “lãn chính” cũng là tham nhũng.

Trong một tuyên bố hồi cuối tháng 6, ông Vương Kiến Tân, Trưởng ban Tuyên truyền thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc khẳng định, nước này đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc chiến chống tham nhũng trong một thập kỷ qua với việc thẩm tra, điều tra gần 4,39 triệu vụ, xử lý hơn 4,7 triệu cán bộ, đảng viên kể từ Đại hội XVIII tháng 11/2012 đến tháng 4/2022.

Ông cũng cho biết, cùng với sự phát triển không ngừng và đi vào chiều sâu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, “nhất thể thúc đẩy không dám, không thể, không muốn tham nhũng” đã được xác định là phương châm cơ bản của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và sách lược quan trọng trong quản lý Đảng toàn diện, nghiêm minh ở Trung Quốc.  

Với khoảng 600.000 quan chức, đảng viên bị xử lý mỗi năm kể từ năm 2018, Trung Quốc đang nỗ lực tiếp tục đưa cuộc chiến chống tham nhũng trở thành một chiến dịch thường xuyên và không khoan nhượng. Tuy nhiên, để xây dựng được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, năng nổ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, cũng như hình thành một môi trường chính trị mà ở đó nhân tài được trọng dụng, cán bộ yếu kém phải bị đào thải vẫn là một bài toán khó cần lời giải của Đảng Cộng sản Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc quyết chống tham nhũng thân hữu trước đại hội XX
Trung Quốc quyết chống tham nhũng thân hữu trước đại hội XX

VOV.VN - Thời gian qua, ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức đăng ký việc kinh doanh và tài sản đứng tên người thân.

Trung Quốc quyết chống tham nhũng thân hữu trước đại hội XX

Trung Quốc quyết chống tham nhũng thân hữu trước đại hội XX

VOV.VN - Thời gian qua, ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức đăng ký việc kinh doanh và tài sản đứng tên người thân.

14 quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong mua bán lương thực
14 quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong mua bán lương thực

VOV.VN - Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, chưa đầy một năm kể từ khi nước này tập trung chống tham nhũng trong lĩnh vực mua bán lương thực, ít nhất 14 quan chức cấp tỉnh đã bị điều tra.

14 quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong mua bán lương thực

14 quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng trong mua bán lương thực

VOV.VN - Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, chưa đầy một năm kể từ khi nước này tập trung chống tham nhũng trong lĩnh vực mua bán lương thực, ít nhất 14 quan chức cấp tỉnh đã bị điều tra.

Những thách thức trong tham vọng chấn hưng nông thôn của Trung Quốc
Những thách thức trong tham vọng chấn hưng nông thôn của Trung Quốc

VOV.VN - Là một quốc gia XHCN, sau một thời gian dài đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, Trung Quốc quay lại chú ý vấn đề nông thôn. Chấn hưng nông thôn có ý nghĩa chiến lược đối với nước này trong tình hình mới. Tuy nhiên, chính sách đó cũng gặp phải nhiều thách thức.

Những thách thức trong tham vọng chấn hưng nông thôn của Trung Quốc

Những thách thức trong tham vọng chấn hưng nông thôn của Trung Quốc

VOV.VN - Là một quốc gia XHCN, sau một thời gian dài đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, Trung Quốc quay lại chú ý vấn đề nông thôn. Chấn hưng nông thôn có ý nghĩa chiến lược đối với nước này trong tình hình mới. Tuy nhiên, chính sách đó cũng gặp phải nhiều thách thức.