UAV không phải vũ khí tạo đột phá giúp Ukraine lật ngược tình thế trước Nga
VOV.VN - Ukraine đang dựa vào việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái để bù đắp cho tình trạng thiếu đạn pháo và làm suy yếu năng lực quân sự của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo cách làm này không thể giúp Kiev thay đổi cán cân hiện nay trên chiến trường.
Thiếu đạn pháo, Ukraine đẩy mạnh sản xuất UAV
Thực tế xung đột giữa Nga và Ukraine cho thấy, cả máy bay không người lái chuyên để sử dụng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa lên đến hàng trăm km và máy bay không người lái thương mại đều đã chứng minh được hiệu quả trên chiến trường.
Đặc biệt, máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) cho phép phi công điều khiến quan sát các hình ảnh trực tiếp trên thực địa như thể họ đang ở trên máy bay, xác định rõ các vị trí của kẻ địch. Nếu được trang bị chất nổ, các máy bay này có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi vài km.
Ulrike Franke, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) cho biết: “Hiện tại ở Ukraine, chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng máy bay không người lái ở quy mô không thể tưởng tượng được, chúng ta thực sự đang nói về hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn máy bay không người lái trên chiến trường”.
Trong ngân sách năm 2024, chính quyền Kiev đã dành 1,15 tỷ euro (1,25 tỷ USD) cho việc mua sắm, sản xuất máy bay không người lái. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã tuyên bố rằng nước này sẽ sản xuất "một triệu máy bay không người lái" trong năm nay, sau khi thành lập lực lượng mới chuyên điều khiển thiết bị không người lái hồi tháng 2/2024.
Ông Zelensky nêu rõ, drone đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt trên chiến trường, cả ở trên biển, trên không và đất liền; nhấn mạnh rằng việc thành lập lực lượng riêng về drone cần đem lại "kết quả cụ thể" trong thời gian ngắn, do 2024 là năm mang tính "quyết định" trong xung đột Nga - Ukraine trên nhiều khía cạnh.
"Nhiệm vụ trước mắt là xây dựng các đơn vị đặc biệt về drone, tăng cường huấn luyện, học hỏi từ kinh nghiệm trong quá khứ, mở rộng quy mô sản xuất, lên ý tưởng mới và mời các chuyên gia hàng đầu tham gia vào quá trình này", Tổng thống Zelensky nói hôm 7/2.
Theo văn phòng Tổng thống Ukraine, mục tiêu của Kiev khi thành lập lực lượng drone là "tăng cường năng lực trong sử dụng các hệ thống tự hành và robot trên mặt đất, trên không và trên biển". Bộ trưởng Chuyển đổi số Mykhailo Fedorov cho rằng lực lượng này sẽ tạo ra "động lực mạnh mẽ" về phát triển công nghệ cho quân đội Ukraine.
Hướng đi của Kiev được đưa ra khi những người ủng hộ nước này đang cố gắng củng cố nguồn dự trữ của Ukraine. Anh chuẩn bị cung cấp hơn 10.000 máy bay không người lái, trong đó 1.000 chiếc là máy bay không người lái FPV cho Ukraine. Pháp cũng đang chuẩn bị đặt mua 2.000 máy bay không người lái tự sát (kamikaze), một số trong số đó sẽ được sử dụng ở Ukraine.
Các quan chức Ukraine ước tính nước này cần khoảng 100.000 - 120.000 máy bay không người lái mỗi tháng. Trong khi đó, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược (IISS), Kiev cần 200.000 - 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng cho một cuộc tấn công lớn hoặc 75.000 - 90.000 đạn pháo để duy trì thế phòng thủ.
IISS cho biết thêm, các nước Phương Tây ủng hộ Ukraine chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn dự trữ của Mỹ để duy trì khả năng phòng thủ, nhưng Kiev thì vẫn không có đủ đạn dược để tiến hành một cuộc tấn công lớn. Vì vậy, “Ukraine có thể giảm nhu cầu về đạn pháo bằng cách tăng đáng kể việc sản xuất máy bay không người lái tấn công”, Michael Kofman và Franz-Stefan Gady nêu quan điểm trong bài đánh giá của IISS.
Chuyên gia Mykola Bielieskov thuộc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương nhất trí với quan điểm cho rằng máy bay không người lái "có khả năng thực hiện nhiều chức năng của pháo và tên lửa với chi phí thấp hơn nhiều".
Một chiếc máy bay không người lái thương mại cỡ nhỏ có giá chỉ vài trăm euro, trong khi một tên lửa chống tăng mẫu đơn giản hoặc một quả đạn pháo, đạn dẫn đường chính xác có giá lên đến vài nghìn euro.
"Không lý tưởng"
Theo một nguồn tin quân sự Pháp, 65-85% số vụ tập kích Ukraine nhắm vào các vị trí của Nga là do máy bay không người lái FPV thực hiện.
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Ulrike Franke cảnh báo: "Ukraine sử dụng máy bay không người lái vì họ có thể sản xuất hoặc mua chúng, nhưng điều đó không phải là cách làm lý tưởng".
Máy bay không người lái FPV có tải trọng nhỏ. Thông thường một chiếc máy bay không người lái FPV chỉ có thể mang theo vài trăm gram thuốc nổ trong khi máy bay không người lái thương mại lớn nhất cũng chỉ mang được vài kg thuốc nổ.
Chuyên gia Stacie Pettyjohn có chung quan điểm khi nêu rõ trong một nghiên cứu của tổ chức tư vấn an ninh CNAS của Mỹ: “Ngay cả số lượng lớn máy bay không người lái nhỏ cũng không thể sánh được với hỏa lực của pháo binh”.
Bà Pettyjohn nói thêm: “Máy bay không người lái có thể bổ sung cho vũ khí hỏa lực gián tiếp, nhưng chúng không phải là vũ khí thay thế”.
Vào tháng 9 năm ngoái, tờ New York Times tiết lộ thông tin cho thấy chưa đến 1/3 số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đánh trúng mục tiêu. Lý giải về nguyên nhân hiệu quả tấn công của UAV không cao như kỳ vọng, một số chuyên gia quân sự cho rằng máy bay không người lái giá rẻ dễ dàng bị tác chiến điện tử gây nhiễu hoặc gián đoạn tín hiệu.
Khác hẳn với giai đoạn đầu của cuộc xung đột với Nga, hiện tại, Ukraine không còn có thể tự tin vào ưu thế vượt trội của mình trên phương diện tác chiến máy bay không người lái.
Bà Pettyjohn chỉ ra rằng vào năm 2022, Ukraine có "lợi thế 9 trên 1" ở năng lực máy bay không người lái thương mại, nhưng ưu thế này "về cơ bản đã không còn".
Theo bà Pettyjohn, nếu như ở giai đoạn đầu xung đột, Bộ Quốc phòng Nga chậm theo kịp trong lĩnh vực này thì Moscow đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của máy bay không người lái 4 cánh thương mại. Các nhóm tình nguyện cũng đã cung cấp cho binh lính tiền tuyến máy bay không người lái và những đào tạo cần thiết.
Nga cũng phụ thuộc rất nhiều vào máy bay không người lái cảm tử FPV để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái.
Theo quan điểm của bà Pettyjohn, mặc dù máy bay không người lái mang lại năng lực tấn công mới nhưng cuối cùng chúng lại gây khó khăn hơn cho việc "tập trung lực lượng, tạo sự bất ngờ và tiến hành các hoạt động tấn công" nên chúng sẽ không tạo ra "thay đổi thực sự mang tính đột phá".