Vì sao chính quyền Tổng thống Biden vẫn bỏ trống vị trí đại sứ tại Trung Quốc?
VOV.VN - Việc thiếu vắng vị trí đại sứ - một kênh ngoại giao quan trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong bối cảnh vị trí đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn bị bỏ trống sau hơn 10 tháng qua – điều hiếm thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về quan hệ với Mỹ tin rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn ưu tiên đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh thông qua các quan chức cấp cao hơn, bởi vì vai trò của đại sứ là khá hạn chế khi chỉ dừng ở mức độ thực thi chính sách.
Tính toán của chính quyền Biden
Khi quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng, vai trò của đại sứ hai nước đang trở thành đòn bẩy then chốt để bình thường hóa quan hệ và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tần Cương (Qin Gang), đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ, đã đến Washington vào ngày 29/7, chấm dứt khoảng trống kéo dài 1 tháng sau khi cựu đại sứ Thôi Thiên Khải rời Mỹ trở về nước. Trái lại, vị trí đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn bị bỏ trống kể từ khi cựu đại sứ Terry Branstad rời Bắc Kinh vào tháng 10/2020.
Việc thiếu vắng vị trí đại sứ - một kênh ngoại giao quan trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trước đó có thông tin cho rằng chính quyền Biden sẽ bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ tại NATO, Nicholas Burns, làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Tuy vậy, đề cử vẫn chưa được công bố và chưa biết khi nào Thượng viện Mỹ sẽ thông qua.
Thời báo Hoàn cầu dẫn nhận định của Lü Xiang, chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden có lẽ muốn ưu tiên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc thông qua các quan chức cấp cao, chẳng hạn như thứ trưởng ngoại giao, thay vì một đại sứ.
“Quan hệ Mỹ-Trung hiện tại rất nhạy cảm, phức tạp và nhiều chông gai. Với tư cách là người thực thi chính sách của một đất nước hơn là người ra quyết định, vai trò của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khá hạn chế. Sẽ tốt hơn cho một đại sứ để chờ đợi các quan chức cấp cao hơn đưa ra quyết định về những vấn đề lớn trước khi đảm nhiệm vai trò của mình”.
Một số chuyên gia cho rằng, sự chần chừ trong việc bổ nhiệm đại sứ mới phản ánh chính sách về Trung Quốc của chính quyền Biden, đó là muốn đối phó với Trung Quốc “ở bên ngoài Trung Quốc”.
Lý giải về điều này, Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, mấu chốt nằm ở việc Tổng thống Biden không có ý định tìm kiếm sự thỏa hiệp và nhượng bộ của Bắc Kinh trong các vấn đề quan trọng bởi rất khó đạt được mục tiêu này, thay vì đó, ông muốn thúc đẩy nhiều quốc gia theo sau Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, bằng cách xoáy sâu vào những tranh chấp đang diễn ra giữa các nước này với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ chỉ định đại sứ tại Trung Quốc sau khi củng cố các liên minh và quan hệ đối tác, cũng như bổ nhiệm xong đại sứ tại các quốc gia đó.
Rào cản tại Thượng viện
Một số nhà phân tích cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ chậm trễ bổ nhiệm các vị trí chủ chốt là do chính quyền Biden không muốn các đề cử của mình phải đối mặt với những thách thức và lời lẽ chỉ trích trong các phiên điều trần của Thượng viện – điều có thể gây trở ngại khi chính quyền xử lý những vấn đề khó khăn.
Bên cạnh đó, một số nguồn thạo tin cho biết, quá trình xem xét tiểu sử, đánh giá năng lực, kinh nghiệm và phẩm chất chặt chẽ đối với các ứng cử viên tiềm năng cũng làm chậm quá trình đề cử. Do vậy, khi Quốc hội Mỹ hoàn tất kỳ nghỉ thường niên trong tháng 8 và họp trở lại vào tháng 9/2021, nhiều khả năng ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc sẽ không được chuẩn thuận cho đến năm 2022.
Chuyên gia Lü Xiang lưu ý, nhiều quan chức cấp cao do Tổng thống Biden bổ nhiệm đã bị thử thách tại các phiên điều trần và tình hình có thể diễn ra như vậy đối với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ tại nhiều quốc gia đồng minh của nước này, trong đó có Nhật Bản. Vị trí đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đang bị bỏ trống trong thời gian lâu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, sau khi cựu đại sứ Mỹ William Hagerty từ chức vào tháng 7/ 2019 để tranh cử vào Thượng viện.
Theo NPR, Tổng thống Biden từng cam kết sẽ đặt chính sách ngoại giao của Mỹ vào tay những “nhà ngoại giao chuyên nghiệp và tài năng”, nhưng đã 6 tháng kể từ khi ông lên nắm quyền, chỉ có một số vị trí đại sứ được phê chuẩn.
Cựu Đại sứ Eric Rubin, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Ngoại giao Mỹ (AFSA) cho biết: “Không có một quốc gia nào trên thế giới từng bỏ trống 80 vị trí đại sứ cùng một lúc. Tôi chắc chắn rằng đây không phải là tín hiệu cho thấy sự thiếu tôn trọng hay sự thiếu cam kết trong việc hợp tác với các quốc gia khác, nhưng về lâu về dài tâm lý lo ngại sẽ xuất hiện”.
Hôm 11/8, Thượng viện Mỹ đã nhất trí phê chuẩn cựu Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar là đại sứ Mỹ tại Mexico. Trước đó vào tháng 2 vừa qua, bà Linda Thomas-Greenfield đã được chuẩn thuận là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Khi so sánh trong mốc thời gian 200 ngày đầu nắm quyền (với Tổng thống Biden là ngày 15/8 tới), cựu Tổng thống Barack Obama có 59 đại sứ được chuẩn thuận, cựu Tổng thống George W. Bush có 53 đại sứ được chuẩn thuận và cựu Tổng thống Donald Trump có 19, chuyên gia Kathryn Dunn Tenpas tại Viện Brookings cho biết.
Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Thượng viện vì sự chậm trễ trong quá trình chuẩn thuận các đề cử. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Chúng tôi thất vọng vì tốc độ phê chuẩn quá chậm, đặc biệt là với những ứng viên được đề cử mà không gây tranh cãi. Có rất nhiều ứng viên đang chờ đợi là những người có năng lực tốt. Một số đã nhận được sự ủng họ của đảng Cộng hòa. Vậy họ phải chờ đợi điều gì?”.
Theo bà Psaki, Tổng thống Biden đã gửi danh sách đề cử cho Thượng viện nhiều hơn so với các cựu Tổng thống Obama hoặc Bush ở thời điểm tương tự./.