Vì sao Hàn Quốc nói Triều Tiên thực sự muốn phi hạt nhân hóa?
VOV.VN - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19/4 tuyên bố, Triều Tiên đã thể hiện mong muốn “phi hạt nhân hóa toàn diện mà không kèm điều kiện tiên quyết”.
Mỹ-Hàn muốn chiếm ưu thế trước thềm thượng đỉnh
Guardian dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, Triều Tiên “không đưa ra bất kỳ điều kiện nào mà Mỹ không thể chấp nhận được- như rút quân khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì họ mong muốn là Mỹ chấm dứt chính sách thù địch với Triều Tiên cùng một lời đảm bảo về an ninh”.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Thông tin có phần bất ngờ nói trên được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tới. Tuy nhiên, thông tin này cho đến nay vẫn chưa được phía Triều Tiên xác nhận.
Ngoài ra, truyền thông phương Tây cũng đồng loạt đưa tin, Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ tiến hành Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Tuy nhiên, phía Triều Tiên cũng chưa hề đưa ra tuyên bố chính thức nào về cuộc gặp này.
Trước đó, ngày 18/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên “trong vài ngày tới”. Dù vậy, ông Trump cũng để ngỏ khả năng sẽ rút lui nếu kết quả của các cuộc đàm phán trước đó “không đi đến đâu”.
Phát biểu với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump cho biết: “Trong vài tuần tới, tôi sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hy vọng rằng cuộc gặp sẽ thành công tốt đẹp”.
Cho đến nay, vẫn chưa có một cuộc gặp Thượng đỉnh nào giữa một Tổng thống Mỹ với một nhà lãnh đạo Triều Tiên dù vào năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng “tiến rất gần” đến một thỏa thuận như vậy với ông Kim Jong-il.
Chính vì thế, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra trong thời điểm này là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thực sự muốn phi hạt nhân hóa như tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay không hay những gì ông Moon Jae-in nói chỉ nhằm tạo ưu thế cho nước này trước thềm Thượng đình liên Triều và Mỹ-Triều?
Trong một động thái nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Đặc sứ Mỹ tham dự phiên họp về giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc Robert Wood khẳng định, Mỹ vẫn sẽ “tiếp tục duy trì áp lực tối đa” để buộc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa dù Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra.
Theo ông Wood, việc gây áp lực từ phía Mỹ “đã tạo ra ảnh hưởng lớn lao trong việc Triều Tiên quyết định quay lại bàn đàm phán”. Tuy nhiên, ông Wood cho biết, ông hoan nghênh thiện chí sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và khẳng định, Thượng đỉnh liên Triều có ý nghĩa “cực kỳ quan trọng” trong vấn đề này.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Mọi cánh cửa đã mở toang
Đồng minh EU giúp Mỹ tăng sức ép lên Triều Tiên
Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết với Mỹ, Liên minh châu Âu ngày 19/4 đã công bố lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với 4 cá nhân bị tình nghi “thực hiện những hành vi gian lận tài chính” nhằm hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Dù không nêu đích danh 4 cá nhân nói trên, EU cho biết, những người này nằm trong “danh sách đen” của EU bao gồm 59 cá nhân và 9 thực thể. Ngoài ra, cũng theo EU, lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại nói trên được đưa ra “gần như tương đồng” với danh sách lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào 80 cá nhân và 75 thực thể có liên quan đến Triều Tiên.
Trong khi đó, tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân- đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2017- cho biết họ “hết sức hoan nghênh” đề xuất tiến hành Thượng đỉnh Mỹ-Triều sau những căng thẳng kéo dài hàng tháng qua giữa 2 bên.
Giám đốc Điều hành Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân Beatrice Fihn cho biết, những lời lẽ đe dọa lẫn nhau của 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đẩy nguy cơ đối đầu hạt nhân lên mức “cực kỳ nguy hiểm”. Bà Beatrice Fihn nhấn mạnh, nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đạt được những bước tiến về giải trừ vũ khí hóa học, “chúng tôi sẽ nhiệt liệt hoan nghênh bởi bất kỳ bước tiến nào trong vấn đề này cũng đều mang ý nghĩa tích cực”.
Từ trước đến nay, Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố rằng, chương trình vũ khí hạt nhân của nước này là “một biện pháp răn đe cần thiết” trước “thái độ thù địch của Mỹ”. Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Mỹ.
Triều Tiên cũng nhấn mạnh, sẽ chỉ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng như rút cái gọi là “ô răn đe hạt nhân” bao trùm cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện vẫn còn khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để phòng vệ trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do mới chỉ ký Hiệp định Đình chiến./.
Thách thức nào cho thượng đỉnh Mỹ-Triều sau sự ra đi của Tillerson?