Vì sao người dân châu Âu phản đối Hiệp định tự do với Mỹ?
VOV.VN -Trong một bản kiến nghị kêu gọi ký tên phản đối TTIP - hiện có khoảng 7 triệu chữ ký - thì có khoảng 1 triệu chữ ký đến từ Đức.
Ngày 20/4, các quan chức Mỹ và EU dự kiến nối lại vòng đàm phán mới về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) tại New York (Mỹ). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, phục vụ khoảng 1 tỷ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cuối tuần qua, hàng chục nghìn người ở Đức đã xuống đường biểu tình để phản đối TTIP, trong khi ở Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ba Lan… cũng diễn ra các hoạt động tương tự.
Vì sao người dân châu Âu lại phản đối TTIP gay gắt như vậy và điều đó tác động thế nào đến mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương?
600 cuộc biểu tình phản đối TTIP tại châu Âu
Cuối tuần vừa qua, người ta thống kê được rằng trên khắp thế giới diễn ra khoảng 600 cuộc biểu tình chống lại các Hiệp định tự do thương mại và khoảng 200 trong số đó diễn ra ở Đức.
Có rất nhiều lí do khiến người dân châu Âu phản đối Hiệp định này, từ lí do về kinh tế, như việc nếu Hiệp định này ra đời sẽ dẫn đến việc gỡ bỏ một loạt các hàng rào về tiêu chuẩn, đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm, ở đây là các sản phẩm biến đổi gen… cho đến việc xây dựng các cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Về mặt chính trị, cũng có những tiếng nói phản đối Hiệp định này bởi nhiều nước ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, luôn có truyền thống tương đối độc lập về chính sách đối ngoại so với Mỹ, thậm chí còn mang một chút tư tưởng chống lại sự bành trướng của Mỹ.
Vì thế, cũng có không ít người cho rằng nếu TTIP ra đời, sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ sẽ ngày càng lớn hơn, dẫn đến việc đánh mất sự tự chủ.
Người dân Đức phản đối mạnh mẽ nhất
Trong tất cả các nước châu Âu thì tại Đức, nền kinh tế số 1 khu vực, sự phản đối với TTIP lại là cao nhất, cao hơn hẳn tất cả các nước khác.
Sự phản đối TTIP, chính xác hơn là phản đối Mỹ này nhằm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cội rễ về văn hóa chính trị ở nước Đức. Đây không phải là người dân Đức có thiện cảm nhiều với nước Mỹ bởi sau khi xảy ra scandal nghe lén cách đây 2 năm, dân chúng Đức khá nghi ngại chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, hiện chính phủ của bà Angela Merkel vẫn đang thúc đẩy việc tiến tới ký TTIP, bất chấp sự phản đối của các đảng phái cánh tả, trong đó có cả một số đảng liên minh với chính phủ cầm quyền của đảng UDI.
Xét về mặt kinh tế, Đức là một cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới và việc ra đời TTIP, tức biến EU và Mỹ trở thành một thị trường chung phi thuế quan và có rất ít các rào cản kỹ thuật sẽ càng giúp Đức đẩy mạnh xuất khẩu hơn sang thị trường Mỹ.
Đây được xem là điểm tích cực nhất đối với Đức và có thể là yếu tố thúc đẩy chính phủ của bà Angela Merkel nỗ lực ủng hộ TTIP.
Chất keo kết dính Mỹ và EU?
Trên thực tế, kế hoạch về TTIP cũng như các vòng đàm phán về Hiệp định này đã diễn ra khá lâu từ trước. Vì thế, TTIP là một ưu tiên chiến lược có tính chất dài hạn giữa hai thực thể kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và EU.
Vì vậy về mặt lâu dài việc xây dựng TTIP là ưu tiên của tất cả các bên, kể cả EU lẫn Mỹ.
Tất nhiên, một khi đã xây dựng được TTIP thì quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và châu Âu sẽ càng được củng cố hơn. Về mặt địa kinh tế và địa chính trị thì cũng không sai khi nói rằng các Hiệp định như TTIP là một cách để Mỹ và phương Tây tạo thành một liên minh vững chắc hơn nhằm đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Ở châu Âu chúng ta có thể thấy TTIP còn ở châu Á-Thái Bình Dương là Hiệp định TPP, cũng có chung mục đích đó.
Còn nhiều trắc trở
Ngay khi bắt đầu các vòng đàm phán thì cả phía Mỹ lẫn EU đều xác định các cuộc đàm phán sẽ rất căng thẳng, phức tạp và phải kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời.
Lí do là cả Mỹ lẫn châu Âu đều là những nền kinh tế phát triển rất cao, với một hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật dày đặc nên để dung hòa được lợi ích của hai bên cần phải có rất nhiều thời gian, dựa trên tương quan sức mạnh của mỗi bên vào mỗi thời điểm.
Có mấy vấn đề gai góc nhất trong các đàm phán TTIP, một là vấn đề nông nghiệp, trong đó Mỹ đòi châu Âu bỏ các biện pháp bảo hộ nông nghiệp còn châu Âu không muốn nhượng bộ Mỹ về vấn đề thực phẩm biến đổi gen.
Tiếp theo là vấn đề đầu tư, với các quy định chặt chẽ hơn của EU liên quan đến các giao dịch tài chính hay trao đổi cơ sở dữ liệu ngân hàng. Tiếp đến, khía cạnh văn hóa cũng nảy sinh tranh cãi, nhất là ở châu Âu có Pháp kiên quyết bảo vệ khái niệm “ngoại lệ văn hóa”, tức không muốn coi các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, ca nhạc… là một sản phẩm thương mại. Phía Pháp cho rằng cần bảo vệ “ngoại lệ” này để giúp văn hóa châu Âu có sức chống cự lại với nền văn hóa Pop-rock và phim ảnh Hollywood.
Vì thế, tương lai để đi đến ký kết TTIP vẫn sẽ còn rất nhiều trắc trở./.