Vì sao tên lửa của Nga khiến Mỹ - Thổ chia rẽ?
VOV.VN - Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã có nhiều vấn đề bất đồng với nhau và thương vụ S-400 chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến quan hệ 2 bên rạn nứt.
Mỹ cực lực phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400
Hệ thống S-400, hay còn được NATO gọi là SA-21 Growler, sở hữu hệ thống radar tiên tiến và không tương thích với công nghệ của NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống này sẽ đánh dấu 1 bước tiến cho những nỗ lực của Tổng thống Nga Putin trong việc đóng vai trò lớn hơn ở Trung Đông.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Mối quan tâm hàng đầu của Mỹ về thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là hệ thống phòng thủ này của Nga có thể được sử dụng để thu thập các thông tin về sức mạnh các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đặt căn cứ không quân Incirlik vốn từng được sử dụng cho các chiến dịch chống IS của Mỹ ở khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ "bỏ ngoài tai" can ngăn của Mỹ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng các đồng minh phương tây của Ankara không thể bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ tên lửa của những "người hàng xóm" Iran, Iraq và Syria. Mỹ từng ngần ngại trong nhiều năm về việc bán hệ thống phòng không Patriot và chia sẻ công nghệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tháng 12/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất lên Quốc hội về quyết định bán hệ thống Patriot cho Ankara như một nỗ lực nhằm khiến Tổng thống Erdogan "nghĩ lại" về thỏa thuận S-400. Dù vậy, động thái này của Mỹ cũng không khiến Thổ Nhĩ Kỳ "lay chuyển" khi nước này đưa ra những thông báo không chắc chắn về việc Mỹ chuyển giao hệ thống phòng thủ này.
Sự ngần ngừ của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ánh mong muốn của Ankara đối với việc khẳng định vai trò độc lập ngày càng gia tăng trong các chính sách khu vực và quan hệ kinh tế với Nga.
Bên cạnh đó, nền công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có thể tự phát triển các máy bay không người lái, chấm dứt sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Israel.
"Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mãi là một thị trường nữa. Chúng tôi sẽ trở thành một nhà sản xuất", Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi tuyên bố.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Ankara đã tăng 65% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhanh nhất trong số 15 nhà mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới với số tiền lên tới 19 tỷ USD.
Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chương trình F-35 của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ theo dự kiến sẽ sản xuất một số bộ phận của chiến đấu cơ F-35 trong thương vụ 12 tỷ USD và nước này sẽ mua khoảng 100 máy bay loại này. Tuy nhiên, việc chuyển giao các thiết bị của F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng lại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400, ước tính khoảng 2 tỷ USD sẽ khiến nước này chịu các lệnh trừng phạt theo đạo luật Magnitsky của Mỹ. Lần gần đây nhất Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã bắt giữ một mục sư người Mỹ đã khiến nền kinh tế của Ankara "điêu đứng" và rơi vào đợt suy thoái đầu tiên trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Đồng minh 6 thập kỷ "bằng mặt nhưng không bằng lòng"
Mối quan hệ đồng minh 6 thập kỷ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi khi Washington ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria mà Ankara coi như kẻ thù.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không bằng lòng khi Mỹ từ chối dẫn độ mục sư Fethullah Gulen hiện đang sống ở Pennsylvania trong cáo buộc tham gia cuộc đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Mỹ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ giáo sĩ người Mỹ Andrew Brunson với cáo buộc liên quan đến khủng bố thì Ankara cũng đòi Washington phải thả cựu giám đốc ngân hàng Halkbank khi Mỹ kết tội người này tham gia vào kế hoạch giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Washington cũng phản đối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro ở Venezuela.
Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải "xuống nước” trước?
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nước này có những quân bài mặc cả giá trị với Mỹ. Đó là hệ thống radar cảnh báo sớm ở Kurecik - một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO và căn cứ Incirlik. Tổng thống Erdogan đã trực tiếp đem thương vụ S-400 để mặc cả với Tổng thống Trump để ngăn cản hay ít nhất là giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của 2 quốc gia vào nhau trong nhiều vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ theo như lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, thì “mối quan hệ này là không thể coi nhẹ"./.
Mỹ thẳng thừng từ chối Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ S-400