Xáo trộn chính trường Mỹ đặt châu Âu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Ukraine
VOV.VN - Trước kịch bản ông Trump có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, châu Âu đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Châu Âu có thể đồng ý với thỏa thuận của ông Trump và đi ngược lại lời hứa hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Hoặc châu Âu có thể tiếp tục hỗ trợ cho Kiev mà không có Mỹ.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang dựa vào Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn dắt họ qua những ngày tăm tối nhất của lục địa trong hàng thập kỷ. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, họ coi ông là một người dẫn dắt, người đã hợp tác với họ để đoàn kết phía sau Kiev và định hình phản ứng trước các hành động của Nga. Ông Biden cũng hối thúc những người đồng cấp châu Âu nhanh chóng áp lệnh trừng phạt Nga và thúc đẩy các đồng minh châu Âu sát cánh với nhau về mặt quốc phòng cũng như cam kết dành nhiều ngân sách hơn cho NATO.
Với các nhà lãnh đạo châu Âu coi Nga là bên gây hấn với mục tiêu chiếm Ukraine và gây ra thách thức thực sự cho an ninh châu lục, hầu hết trong số họ đều coi ông Biden là người để lắng nghe và noi gương.
Trong bối cảnh Tổng thống Biden thông báo ông sẽ rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, các nhà lãnh đạo châu Âu có lẽ cảm thấy phần nào nhẹ nhõm khi một tấm vé khác của đảng Dân chủ có thể cải thiện cơ hội đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump và người đồng hành JD Vance, đồng thời ngăn chặn việc định hình lại toàn bộ thế trận an ninh châu Âu và vai trò của Mỹ trong đó. Nhưng họ cũng biết rằng ông Biden là một trong những người cuối cùng có niềm tin vào chủ nghĩa Đại Tây Dương hoặc xuyên Đại Tây Dương mà theo đó Mỹ và châu Âu thuộc về nhau trong một liên minh sâu rộng.
"Có một sự hiểu biết rõ ràng ở châu Âu rằng ông Biden là người cuối cùng theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương truyền thống và kiểu chính trị gia Mỹ này đang trở nên ngày càng hiếm", Camille Grand, cựu trợ lý Tổng thư ký NATO, hiện là người dẫn đầu sáng kiến quốc phòng của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.
“Khái niệm về sự thay đổi thế hệ ở Mỹ là điều mà hầu hết châu Âu có thể quan tâm nhưng họ không biết tương lai sẽ như thế nào”, chuyên gia này cho hay.
Ông Trump và ông Vance cho biết họ muốn tái cân nhắc quan hệ giữa Mỹ và NATO, cũng như đóng góp của Mỹ cho liên minh. Dưới thời của chính quyền này, kỷ nguyên an ninh châu Âu được Mỹ tài trợ có lẽ sẽ dần đi đến hồi kết. Ông Trump cho biết ông muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, điều mà có thể buộc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ trước Moscow.
Điều này sẽ khiến châu Âu đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Châu Âu có thể đồng ý với thỏa thuận của ông Trump và đi ngược lại lời hứa hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Hoặc châu Âu có thể tiếp tục hỗ trợ cho Kiev mà không có Mỹ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu châu Âu có đủ ý chí và nguồn lực để làm vậy không.
Ukraine đang theo dõi điều đó với sự lo lắng. Thậm chí, trong năm qua, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần, chính sách của Washington với Kiev đã dịch chuyển một chút, ông Grand lưu ý. Vì thế, theo một cách nào đó, đã có sự chuẩn bị về những thay đổi tiềm năng trong cam kết của Mỹ.
"Tổng thống Biden rất thận trọng về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, điều này đã gây ra nỗi thất vọng với những bên ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Về việc cung cấp các hệ thống phòng không nhất định cần rất nhiều nỗ lực và đôi khi châu Âu thậm chí còn dẫn đầu", ông Grand nói thêm.
Mỹ đối mặt với vấn đề của riêng mình
Có một sự chấp nhận rộng rãi rằng ứng viên tranh cử tổng thống tương lai của đảng Dân chủ sẽ cắt giảm mức độ hỗ trợ mà ông Biden cung cấp cho Ukraine cho tới nay. Tuy nhiên, rõ ràng việc ông Biden rút khỏi cuộc đua đã làm gia tăng sự không chắc chắn cho cuộc bầu cử - vốn đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định tương lai của Ukraine.
Oleksandr Kraiev, người đứng đầu chương trình Bắc Mỹ ở Ukrainian Prism, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Kiev cho biết những biến chuyển trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ cho thấy nước này đã bước vào một "giai đoạn đấu tranh chính trị kéo dài", có thể buộc bất kỳ tổng thống tương lai nào phải chịu trách nhiệm, thậm chí đó là một ứng viên đảng Dân chủ chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước và gạt chính sách đối ngoại sang một bên, trong đó có vấn đề Ukraine.
"Mỹ đang đối mặt với các vấn đề của riêng mình", ông Kraiev nói.
Tuy nhiên, trong khi châu Âu thận trọng với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump thì quyết định từ bỏ cuộc đua của ông Biden và ủng hộ bà Harris đã khiến họ phần nào thở phào.
"Vào thời điểm hầu hết các nước châu Âu đang hết sức lo ngại về triển vọng của một nhiệm kỳ tổng thống khác của ông Trump, tin tức về việc Tổng thống Biden rút lui chắc chắn sẽ được chào đón một cách tích cực, một phần vì nó có khả năng làm sống lại triển vọng giành chiến thắng của đảng Dân chủ và phần khác là bởi đội ngũ chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris là những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương", Ian Lesser, cựu quan chức Mỹ đứng đầu văn phòng Brussels của Quỹ Marshall Đức cho hay.