Quốc tế ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria
VOV.VN - Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria tiếp tục bị cộng đồng quốc tế chỉ trích khi cho rằng, giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria.
Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm ngày hôm qua (9/4) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, hai nhà lãnh đạo đã chỉ trích hành động tấn công của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria.
Loạt tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ lao về phía Syria. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani cho rằng, hành động của Mỹ là không chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra khách quan về vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun, thuộc tỉnh Idlib của Syria ngày 4/4. Hai bên đồng thời thể hiện sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Trung tâm chỉ huy chung của các lực lượng Nga, Iran và liên minh dân quân đồng minh ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố vụ tấn công của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria đã vượt các "giới hạn đỏ" và từ nay họ sẽ đáp trả bất cứ hành động gây hấn mới nào cũng như tăng mức độ ủng hộ đồng minh của họ.
Trả lời phỏng vấn về những căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau khi Mỹ phóng tên lửa vào Syria, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, chỉ có giải pháp chính trị với sự tham gia của Nga, Mỹ và các nước chủ chốt trong khu vực mới có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria.
Ông Gabriel nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là cần phải vượt qua tình trạng chia rẽ trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tiếp tục nỗ lực tiến tới hòa bình cho Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Quan chức ngoại giao Đức kêu gọi tất cả các bên tỉnh táo và kiềm chế, không để căng thẳng leo thang.
Chia sẻ quan điểm này, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất cho rằng, giải pháp quân sự không thể giải quyết vấn đề mà thay vào đó sẽ chỉ khiến người dân Syria phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn, làm tình hình Syria và khu vực trở nên phức tạp và hỗn loạn hơn. Mỹ cảnh báo sẽ không để Nga “bao che cho Tổng thống Syria Assad”
Theo ông Lưu Kết Nhất, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tất cả các bên cùng làm việc để ngăn chặn tình hình tại Syria trở nên tồi tệ hơn. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiên trì theo đuổi những nỗ lực ngoại giao gắn với đối thoại, tham vấn và hỗ trợ vai trò hòa giải của Liên Hợp Quốc trong vấn đề Syria, đặc biệt là nỗ lực của Đặc phái viên Staffan de Mistura hiện nay.
Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định không cần đến một giải pháp quân sự tại Syria. Thay vào đó, một giải pháp chính trị đáng tin cậy sẽ góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở quốc gia Trung Đông này.
Bà Federica Mogherini, Cao ủy Liên Hợp Quốc phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: “Đối với vấn đề Syria, điều này đã được khẳng định tại cuộc họp ở Brussels vào tuần trước rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Quan điểm của Liên minh châu Âu về điều này là rất rõ ràng”.
Trong khi đó về phía Mỹ, Đại sứ của nước này tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley cho biết, việc thay đổi chế độ ở Syria là một trong số các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.
Bà Haley nêu rõ: “Chúng ta sẽ không được thấy hòa bình ở Syria nếu Tổng thống Syria Basshar Al-Assad còn ở đó. Chúng ta cần phải đảm bảo đẩy mạnh tiến trình hòa bình tại Syria. Các giải pháp chính trị phải vì lợi ích của người dân Syria”.
Với cớ trả đũa vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun, thuộc tỉnh Idlib của Syria hôm 4/4, Mỹ đã bắn tổng cộng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syrialàm 6 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đây cũng là vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào lực lượng của Tổng thống Assad kể từ khi bùng phát xung đột tại quốc gia Trung Đông này 6 năm trước./. G7 muốn Mỹ làm rõ vụ phóng tên lửa Tomahawk không kích Syria