“Rất có khả năng ông Tập Cận Bình đã tác động đến ông Kim Jong-un”
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/5 cho rằng, Trung Quốc đứng đằng sau việc Triều Tiên dọa rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tác động lớn từ Chủ tịch Tập Cận Bình
Theo CNN, phát biểu tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đích danh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tác nhân khiến “Triều Tiên đổi giọng chỉ trích Mỹ” và đòi rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
“Rất có khả năng ông Tập Cận Bình đã gây tác động đến ông Kim Jong-un”, Tổng thống Trump tuyên bố và chỉ ra rằng, sự thay đổi thái độ rõ rệt của nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ bắt đầu sau cuộc gặp gần đây giữa ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình ở thành phố Đại Liên, phía Bắc Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc “rất khó xử” trước việc Triều Tiên và Mỹ xích lại gần nhau và muốn chắc chắn rằng, bất kỳ thỏa thuận nào giữa 2 bên vẫn phải có sự hiện diện của Trung Quốc với tư cách là “nước có tiếng nói có trọng lượng” trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Emily Weinstein thuộc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown nhận định: “Trung Quốc muốn đảm bảo rằng, bất kỳ mối quan hệ tiềm năng nào giữa Mỹ và Triều Tiên sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un cũng không được “phủ bóng” lên quyền lực của nước này”.
Dù vậy, Trung Quốc cũng rất mong muốn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12/6 sẽ thành công tốt đẹp với việc tiến tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và đem lại hòa bình lâu dài trong khu vực.
Trong vài tháng qua, quan hệ Trung-Triều đã có những dấu hiệu khởi sắc bất chấp quan ngại của Bắc Kinh về khả năng bị “gạt sang một bên” trong tiến trình đàm phán liên Triều cũng như mong muốn của Triều Tiên trong việc có được một đồng minh “có tiếng nói mạnh mẽ hơn” giúp nước này tự tin “bước ra với thế giới”.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới Đại Liên ngày 7/5, ông Kim Jong-un đã có dịp trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các vấn đề 2 bên quan tâm. Phát biểu khi đang ở Đại Liên, ông Kim Jong-un nhấn mạnh, quan hệ 2 nước đang trong “một kỷ nguyên vàng lịch sử mới”. Đáng chú ý, đây đã là cuộc gặp thứ 2 giữa ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Đàm phán với Triều Tiên không bao giờ dễ dàng với Mỹ
Gần gũi nhưng không quá thân cận
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei, việc quan hệ Trung-Triều đang nở rộ trong thời gian gầy đây không có nghĩa là Triều Tiên sẽ “nhất nhất nghe theo” những gì Trung Quốc nói.
“Rất nhiều người có suy nghĩ Triều Tiên là “quân tốt” trong “ván cờ” mà Trung Quốc bày ra, tuy nhiên, Triều Tiên có những toan tính riêng của mình và ông Kim Jong-un sẽ không đơn giản chỉ làm theo những gì ông Tập Cận Bình yêu cầu”, ông John Delury nói.
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi Triều Tiên dọa rút khỏi Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cần phải “có những nhượng bộ tương xứng”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt là một kết quả không dễ dàng gì đạt được”.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy Trung Quốc vẫn ủng hộ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Ngày 17/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Triều Tiên và tuyên bố, ông ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như việc quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện.
Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Lowy Richard McGregor nhận định, kết quả lý tưởng mà Trung Quốc mong muốn các bên tham gia Thượng đỉnh Mỹ-Triều đạt được là “các cuộc đối thoại cởi mở giúp dẫn đến một Hiệp ước Hòa bình cùng một Bán đảo Triều Tiên bình lặng hơn”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không muốn Mỹ thay thế nước này trở thành đồng minh của Triều Tiên cũng như phải chứng kiến việc Mỹ trở thành quốc gia có công lớn trong việc thống nhất 2 miền Triều Tiên. Ông McGregor nói thêm: “Trung Quốc muốn 2 miền Triều Tiên cùng tồn tại một cách thân thiện và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn”.
Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?
Mỹ vẫn “xắn tay” chuẩn bị cho Thượng đỉnh
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Donald Trump khẳng định, công tác chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn diễn ra như bình thường bất chấp lời đe dọa từ phía Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng trấn an lo ngại của phía Triều Tiên rằng Mỹ đang tìm cách thay đổi chế độ tại Triều Tiên như cách nước này đã làm với nhà lãnh đạo Libya Gaddafi.
Ông Trump khẳng định, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ vẫn tại vị ngay cả sau khi ông dừng chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thống Mỹ lại đe dọa sẽ “xử lý” ông Kim Jong-un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên từ chối làm như vậy.
Chuyên gia McGregor bày tỏ lo ngại, việc ông Trump cáo buộc Trung Quốc tác động khiến Triều Tiên dọa rút khỏi Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với quan hệ Mỹ-Trung.
“Trước đây, dù có nói gì về Trung Quốc, ông Trump cũng ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình cùng mối quan hệ thân thiết giữa 2 nhà lãnh đạo. Chính vì thế, nếu ông Trump bắt đầu chỉ trích ông Tập Cận Bình liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, đó sẽ là một tin tức không mấy tốt lành cho quan hệ Mỹ-Trung”, ông McGregor nhận định./.
Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?