Sau lệnh trừng phạt của LHQ, ông Trump vẫn muốn ép thêm Triều Tiên
VOV.VN - Dù LHQ vừa thông qua nghị quyết trừng phạt khắt khe chưa từng thấy với Triều Tiên, ông Trump cho rằng vẫn cần những biện pháp cứng rắn hơn nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/9 cho rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí áp đặt đối với Triều Tiên tuần này chỉ là “một bước nhỏ” và “không gì có thể so sánh với những điều sẽ phải xảy ra khi đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”.
Sau lệnh trừng phạt của LHQ, ông Trump vẫn muốn ép thêm Triều Tiên. (Ảnh: Reuters) |
“Tôi không rõ liệu nó có tác động nào hay không”, ông Trump chia sẻ với báo giới ngày 12/9. “Nhưng rõ ràng là rất tốt khi [nghị quyết trừng phạt – ND] nhận được toàn bộ 15 phiếu thuận”.
Khi được hỏi liệu ông Trump có đang xem xét các biện pháp trừng phạt khác hay không, như là việc cắt đứt liên hệ của các ngân hàng Trung Quốc với hệ thống tài chính Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Tất cả các phương án vẫn đang ở trên bàn, Tổng thống cũng đã nói rằng ông muốn mọi quốc gia cần phải tham gia và làm nhiều hơn nữa [để gây sức ép với Triều Tiên – ND]”.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cảnh báo Trung Quốc, đồng minh kiêm đối tác thương mại chính của Triều Tiên, rằng nếu nước này không thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt mới, Washington sẽ “áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh và ngăn chặn họ tiếp cận hệ thống đồng USD của Mỹ cũng như thị trường thế giới”.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ chia sẻ với Reuters rằng, “những biện pháp trừng phạt thứ cấp” nhằm vào ngân hàng và các công ty của Trung Quốc vẫn đang ở trạng thái chờ sẵn để Bắc Kinh có thời gian chứng tỏ nước này đã sẵn sàng thực thi đầy đủ các biện pháp mới nhất cũng như các biện pháp trước đây nhằm trừng phạt Triều Tiên.
Mỹ là nước thúc đẩy nghị quyết trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên. Dự thảo ban đầu của nghị quyết trừng phạt này rất khắt khe song Washington đã phải “xuống thang” ở một số điểm để giành được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc, 2 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) có quyền phủ quyết.
Đáng chú ý trong các điểm mà Mỹ đã nhượng bộ là việc không áp đặt cấm vận toàn diện đối với việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên nữa. Phần lớn số dầu này xuất xứ từ Trung Quốc.
Cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố tôn trọng các biện pháp trừng phạt của LHQ, đồng thời kêu gọi Mỹ trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên.
Đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên Joseph Yun ngày 12/9 đã có mặt tại Moscow để thảo luận với giới chức Nga về vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có thể sẽ đến Trung Quốc tháng 11 tới trong khuôn khổ chuyến thăm chức thức đầu tiên tới châu Á. Chi tiết chuyến thăm nhiều khả năng được thảo luận trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 12/9 tại Washington./.