Sẽ có chiến lược hợp tác kinh tế trong khối Pháp ngữ
VOV.VN - “Việt nam là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động hợp tác kinh tế trong tổ chức Pháp ngữ".
Đó là khẳng định của Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Abdou Diouf khi trả lời phóng viên VOV, tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị các Bộ trưởng Pháp ngữ diễn ra trong hai ngày 7-8/11 tại Paris.
Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Abdou Diouf cùng đại diện của Senegal – nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ vào năm 2014, đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên nước ngoài về nhiều vấn đề như an ninh tại châu Phi, chiến sự tại một số quốc gia thành viên của tổ chức hay công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ vào tháng 11/2014 tại Dakar, Senegal.
Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Abdou Diouf cùng đại diện Senegal và Congo tại cuộc họp báo |
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về kế hoạch thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Pháp ngữ, ông Abdou Diouf nhấn mạnh các bộ trưởng 77 quốc gia và chính phủ thành viên Pháp ngữ đã nhất trí sẽ thông qua một chiến lược hợp tác kinh tế tại hội nghị thượng đỉnh vào năm tới.
Ông Diouf nói: "Việt Nam là một trong những quốc gia khởi động hợp tác kinh tế trong Pháp ngữ. Tôi vẫn nhớ hợp tác 3 bên đầu tiên được ký vào năm 1995 giữa Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) với hai quốc gia thành viên Pháp ngữ là Senegal và Việt Nam, đích thân tôi đã có mặt cùng ký với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình”.
“Hội nghị thượng đỉnh tại Dakar năm tới sẽ thông qua Chiến lược kinh tế và Chiến lược thanh niên. Trong chiến lược phát triển kinh tế, chúng tôi không quên các khuôn khổ sẵn có là Hợp tác 3 bên và hợp tác Nam – Nam. Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh tại Kinsharsa, Congo đã thông qua Chiến lược "Số". Tất cả các chiến lược đó sẽ đồng hành với nhau để cùng phát triển hợp tác Pháp ngữ", ông Diouf cho biết thêm.
Về những nội dung quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ lần thứ 29 vừa diễn ra tại Paris, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho biết : “Hội nghị lần này tập trung bàn nhiều tình hình ở một số nước châu Phi. Với sự tiến bộ tại Mali với cuộc bầu cử tổng thống và sắp tới là bầu cử quốc hội, hội nghị quyết định bãi bỏ nghị quyết treo quy chế thành viên của Mali và giúp quốc gia này tham gia trở lại tổ chức".
"Hội nghị cũng trao đổi các biện pháp giúp một số nước châu Phi ra khỏi khủng hoảng và ổn định tình hình như ở Guinea, Cộng hòa Dân chủ Congo, CH Trung Phi và Guinea Bissau. Các bộ trưởng Pháp ngữ cũng thông qua kế hoạch ngân sách hoạt động cho năm 2014 với tổng trị giá 75 triệu Euro, trong đó 60% dành cho các dự án phát triển”.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Ngọc Sơn trả lời phỏng vấn báo chí |
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận thực tế số người học và sử dụng tiếng Pháp ở Việt nam có giảm sút, hiện chỉ còn khoảng 500.000 người có thể sử dụng ở các mức độ khác nhau. Trước thực tế đó, Việt nam đang có nhiều biện pháp để giữ và nâng cao số lượng người học tiếng Pháp.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Chính phủ Việt Nam vẫn chủ trương tiếng Pháp là một trong 4 ngoại ngữ được dạy từ tiểu học đến đại học. Tiếng Pháp vẫn đứng thứ 2 về số lượng người học tại Việt Nam. Chúng ta hợp tác chặt chẽ với tổ chức Pháp ngữ với nhiều dự án tăng cường giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam và các dự án đào tạo cho cán bộ ngoại giao và công chức nhà nước”.
Ông Sơn khẳng định: “Chúng ta cũng hợp tác chặt chẽ với các nước nói tiếng Pháp trong những dự án song phương như với Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì Việt Nam bắt đầu mở rộng đầu tư ra bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp mạnh đầu tư sang những nước sử dụng tiếng Pháp tại châu Phi và Caribe. Tất cả những biện pháp cụ thể đó sẽ hỗ trợ nâng cao số người học tiếng Pháp ở Việt Nam trong tương lai"./.