Solomon thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc
VOV.VN - Hôm nay (11/7), Quần đảo Solomon đã trở thành quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên mở Đại sứ quán tại Bắc Kinh và nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Trung Quốc hiện nay.
Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare từ 9-15/7, lãnh đạo hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ký kết 9 văn kiện thoả thuận hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực quốc phòng an ninh, giáo dục đào tạo, văn hoá, kỹ thuật, vận tải, hàng không dân dụng, phát triển nông thôn và xúc tiến thương mại.
Hôm nay (11/7), Thủ tướng Solomon Sovagare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã cùng dự lễ khai trương Đại sứ quán Quần đảo Solomon tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ ngoại giao hai nước.
Kể từ sau khi Solomon ký kết một thoả thuận an ninh với Trung Quốc hồi tháng 4/2022, Solomon đã trở thành một tâm điểm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ, Australia và đồng minh với Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn báo chí tại Bắc Kinh, Thủ tướng Solomon Sovagare khẳng định, mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này là nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Solomon và Trung Quốc; khẳng định Solomon mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc cũng như bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích và sự phát triển của đất nước. Việc khai trương đại sứ quán quần đảo Solomon là minh chứng cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cũng như tạo điều kiện để thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế và thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, Quần đảo Solomon là quốc gia đang phát triển và việc hai nước tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ các doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều hơn và các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó cam kết tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế và kỹ thuật cho Solomon.
Giới chuyên gia phân tích chính sách Australia cho rằng, việc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các quốc đảo Thái Bình Dương, với hàng loạt các khoản viện trợ, các khoản vay và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng trăm triệu USD. Không chỉ Solomon, thay vì phải “chọn bên”, hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương đều đang áp dụng chính sách đối ngoại trung lập, tận dụng sự đầu tư của tất cả các bên để tranh thủ phát triển đất nước.