Sự trỗi dậy của bạo lực sắc tộc ở Afghanistan
VOV.VN - Tình hình an ninh ở Afghanistan ngày càng tồi tệ với nội chiến và các cuộc đụng độ mang màu sắc sắc tộc và tranh giành địa bàn giữa Taliban và IS.
Một tuần qua, Afghanistan liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào người Shiite thuộc cộng đồng thiểu số Hazara, làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn bạo lực sắc tộc mới ở quốc gia Tây Nam Á này.
Người bị thương trong vụ đánh bom gần đây ở Afghanistan. Ảnh: AP.
Nội chiến cùng các cuộc đụng độ mang màu sắc mâu thuẫn sắc tộc và sự tranh giành địa bàn hoạt động với giữa Taliban với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến an ninh ở Afghanistan ngày càng tồi tệ.
Bạo lực sắc tộc tại Afghanistan những năm gần đây có vẻ chìm xuống nhưng tuần qua nổi lên một loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ Hồi giáo và các trung tâm văn hóa của người Shiite cũng như các vụ tấn công vào cộng đồng thiểu số người Hazara (dòng Shiite) trên các tuyến cao tốc. Người Hazara cho rằng, thủ phạm chính là người Pashtun theo dòng Hồi giáo Sunni, mà trong đó Taliban là đại diện lớn nhất.
Taliban đã tấn công vào một loạt ngôi làng hẻo lánh của người thiểu số Hazara tại tỉnh miền Trung Uruzgan sau khi dân làng từ chối đóng thuế cho Taliban. Các cuộc đụng độ sau đó giữa Taliban với nhóm vũ trang do một chỉ huy người Hazara đứng đầu tại đây đã làm ít nhất 21 người chết. Uruzgan, kẹt giữa Kandahar với tỉnh Helmand và Daikondi, là địa bàn sinh sống của các hộ dân người Pashtun và Hazara. Hai nhóm sắc tộc này từ lâu chung sống với nhau không hề dễ dàng. Giới chức Afghanistan và phương Tây lo ngại người Hazara sẽ đứng lên tấn công vào các mục tiêu của người Sunni, đẩy Afghanistan vào một cuộc chiến mới mang màu sắc mâu thuẫn sắc tộc.
Chưa hết bàng hoàng trước vụ nổ tại một đám cưới ở thủ đô Kabul hôm 20/11, làm ít nhất 40 người chết, thì hôm qua (22/11), nhà chức trách Afghanistan lại phải ráo riết xác định nhóm đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết làm thiệt mạng ít nhất 55 người đang dự một cuộc họp của các học giả tôn giáo ở Kabul. Các nạn nhân gồm đại biểu tôn giáo đến từ khắp các địa phương do Hội đồng Học giả Hồi giáo Afghanistan đứng ra tổ chức nhân ngày sinh của Đấng tiên tri Mohammed.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan
Do không biết kẻ đứng đằng sau vụ tấn công, chính quyền Afghanistan chưa thể xác định động cơ của nó là làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani hay đây chỉ là chiến thuật gây sức ép của Taliban lên chính phủ ở Kabul và các đồng minh phương Tây trong bối cảnh Afghanistan muốn theo đuổi hòa đàm để chấm dứt 17 năm xung đột. Dù là động cơ gì thì cuộc tấn công vào cuộc họp của Hội đồng Học giả Hồi giáo Afghanistan nhân ngày sinh của Đấng tiên tri Mohammed là hiếm có và mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc.
Ông Sayed Salahuddin, thành viên Ban tổ chức cuộc họp gay gắt lên án: “Tấn công vào buổi lễ mừng sinh nhật của Đấng tiên tri là hành động vô nhân tính. Tất cả những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này rõ ràng là kẻ thù của mọi tôn giáo, sắc tộc, kẻ thù của đất nước”.
Có thể thấy xung đột ở Afghanistan ngày càng phức tạp với nhiều mặt trận khác nhau trong khi Mỹ và phương Tây vẫn loay hoay giải quyết bài toán hòa giải với Taliban. Cuộc họp 3 ngày giữa Taliban và đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad mới đây kết thúc tại Qatar mà không có bất kì thỏa thuận nào, ngoài tuyên bố hạn chót vào ngày 20/4/2019 sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm. Các thủ lĩnh Taliban ngay lập tức đã tuyên bố không chấp nhận hạn chót này./.