Thái Lan liệu có phải tổng tuyển cử lại?
VOV.VN - Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan kiến nghị 3 điểm với Tòa án Hiến pháp cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ phải có câu trả lời mang tính pháp lý để có thể kết thúc cuộc tổng tuyển cử vốn đã tổ chức từ lâu mà không thể công bố kết quả sơ bộ.
Kiến nghị của Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan nêu rõ 3 điểm đề nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết đó là: EC có quyền tổ chức cuộc bầu cử theo tiến trình một cuộc tổng tuyển cử tại 28 khu vực này hay không?
Liệu cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan hôm 22 vừa qua có bị vô hiệu hóa |
Thứ hai, nếu không phải thẩm quyền của EC, đây có phải trách nhiệm của Thủ tướng với thẩm quyền đệ trình một sắc lệnh bổ sung cho sắc lệnh Hoàng gia về giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử?
Cuối cùng, nếu Tòa án Hiến pháp thấy rằng có thể trình một sắc lệnh để tổ chức bầu cử tại 28 khu vực này, đây là sắc lệnh để tổ chức bầu cử bổ sung tại 28 khu vực cho cuộc tổng tuyển cử hôm 2/2 hay là một sắc lệnh để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới?.
Kiến nghị thứ 3 của EC cũng nêu rõ, việc đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan xem xét việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới dựa trên điều 108 Hiến pháp quy định một cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức một ngày trên toàn quốc sau khi Hạ viện bị giải tán. Điều này cho thấy những lo ngại của EC trong việc thực hiện một cuộc bầu cử bổ sung có thể là vi phạm luật cơ bản trong Hiến pháp Thái Lan.
Kiến nghị của Ủy ban Bầu cử Thái Lan đối với Tòa án Hiến pháp đã đặt ra một vấn đề được coi là cốt lõi cho lối thoát của cuộc tổng tuyển cử vốn là tâm điểm những tranh cãi pháp lý hiện nay. Đó là ai sẽ là người chịu trách nhiệm và có thẩm quyền trong việc quyết định bầu cử bổ sung 28 khu vực bầu cử không có ứng cử viên đăng ký tranh cử trong tổng số 375 khu vực bầu cử trên toàn quốc.
Trước đây, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết rằng, cả EC và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có trách nhiệm chung trong việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử, tuy nhiên cả hai bên dường như né tránh bởi cho rằng không có thẩm quyền trong việc tổ chức cuộc bỏ phiếu bổ sung tại 28 khu vực này.
Một số lượng nông dân vẫn biểu tình tại Bangkok |
Do bị những người biểu tình chống chính phủ dưới sự lãnh đạo của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cản trở, các ứng cử viên đã không thể đến 28 trong tổng số 375 khu vực bầu cử trên toàn lãnh thổ Thái Lan để đăng ký tranh cử, điều đã dẫn đến việc EC không thể công bố kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử do nguyên tắc tính phiếu của hệ thống bầu ứng viên theo danh sách đảng dựa trên cơ sở phân chia trên toàn bộ 375 khu vực.
Ngoài ra trong vòng 30 ngày sau tổng tuyển cử, Hạ viện cũng không thể khai mạc do không hội đủ 95% số Hạ nghị sỹ. Hiến pháp Thái Lan quy định, tổng tuyển cử nhằm chọn ra 500 Hạ Nghị sỹ, trong đó theo danh sách đảng là 125 người và tại 375 khu vực bầu cử, mỗi khu vực chọn một người.
Hiện chính trường Thái Lan còn nhiều vấn đề phức tạp, từ việc Thủ tướng tạm quyền đang đứng trước nguy cơ bị Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia quy lỗi, sau đó trình lên Thượng viện luận tội hoặc đưa ra xét xử tại Tòa án tối cao.
Cuộc biểu tình chống chính phủ của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban vẫn tổ chức cả ngày lẫn đêm tại công viên Lumpini. Tại Bangkok, vẫn còn 3 địa điểm khác do 3 nhóm đồng minh của ông Suthep, tổ chức biểu tình chống chính phủ với số lượng lên đến hàng ngàn người.
Nguy cơ xung đột xảy ra khi Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD-hay còn gọi là những người Áo Đỏ) kéo về biểu tình lớn tại Bangkok. Họ cho rằng, chính phủ của bà Yingluck bị các cơ quan tư pháp hay các tổ chức độc lập xét xử không công bằng.
Tuy nhiên, quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ là nút gỡ cho cuộc tổng tuyển cử, góp phần tìm ra lối thoát cho chính trường đang phức tạp hiện nay tại Thái Lan bởi quyết định này có thể làm thay đổi tình hình.
Nếu chỉ tổ chức bầu cử bổ sung cho cuộc tổng tuyển cử tại 28 khu vực, điều này sẽ mở đường cho việc công bố kết quả sơ bộ và sau đó là chính thức. Nhiều khả năng, Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ thắng cử trong khi đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất trong nhiều năm qua không có mặt trong Hạ viện do đã tẩy chay tổng tuyển cử. Trong trường hợp một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lại, Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ tham gia, và không loại trừ, một số gương mặt được nhiều người biết trong thời gian qua, sẽ không xuất hiện nhằm tháo ngòi nổ mâu thuẫn trong xã hội. Đây là điều có thể xẩy ra?./.