Thái Lan vẫn căng thẳng trước thềm tổng tuyển cử

VOV.VN - Phe đối lập tiếp tục “dụ” cho chính quyền của bà Yingluch mắc lỗi, tạo cớ cho quân đội can thiệp.

Bắt đầu từ hôm 23/12, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã bắt đầu nhận danh sách đăng ký ứng cử viên cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 năm tới. Mặc dù tổng tuyển cử đã được ấn định nhưng tình hình tại quốc gia này vẫn đang tiếp tục diễn biến căng thẳng, khi Đảng Dân chủ đối lập vừa tuyên bố tẩy chay bầu cử, còn phong trào biểu tình do cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban đứng đầu thậm chí cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn các diễn tiến bầu cử.

Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban (ảnh: SCMP)


Những động thái này của phe đối lập và lực lượng biểu tình tại Thái Lan đang được giới phân tích cho là dọn đường cho một cuộc đảo chính, và tổng tuyển cử chưa thể là một giải pháp chính trị hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Vậy tình hình Thái Lan lúc này đang diễn biến ra sao và liệu tương lai cuộc tổng tuyển cử Thái Lan sẽ thế nào?

Biên tập viên VOV vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Tống Sơn, Cơ quan thường trú VOV tại Bangkok:

Vừa nóng vừa lạnh

Mấy ngày vừa qua, tình hình tại Thái Lan đã trở lại phức tạp khi phe đối lập và cả lực lượng biểu tình đều tuyên bố tẩy chay bầu cử. Trước hết, xin anh cập nhật tình hình tại Thái Lan đến thời điểm này?

PV Tống Sơn: Trong mấy ngày qua, thời tiết ở Thái Lan đang ở mức lạnh nhất trong năm; song tình hình chính trị Thái Lan lại nóng lên từng ngày với một số diễn biến bất lợi cho tiến trình bầu cử Hạ viện.

Mặc dù ngày 21/12, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã ra tuyên bố đề nghị các phe phái tham gia vào Lộ trình cải cách đất nước, song hành với tiến trình bầu cử Hạ viện vào ngày 2/2 năm tới; nhưng ngay sau đó, Đảng dân chủ đối lập đã ra tuyên bố tẩy chay bầu cử Hạ viện. Trong khi ban lãnh đạo biểu tình chống Chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep đứng đầu đã tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn tại nhiều địa điểm ở Thủ đô Bangkok vào ngày 22/12 với sự tham gia của khoảng 300.000 người. Ông Suthep còn liên tục tuyên bố đe dọa, nếu Thủ tướng tạm quyền Yingluck không từ chức và không hoãn bầu cử Hạ viện, thì biểu tình sẽ còn kéo dài ở Bangkok và có thể lan rộng trên toàn quốc.


Trong ngày hôm qua (23/12), những người biểu tình đã tiến hành bao vây, phong tỏa địa điểm đăng ký ứng cử viên hạ nghị sỹ theo danh sách các chính đảng; khiến đại diện các chính đảng và quan chức Ủy ban bầu cử và cả phóng viên không thể vào trụ sở này. Người biểu tình còn kéo đến chiếm giữ trụ sở Cục điều tra đặc biệt để chất vấn Cục trưởng Cục điều tra đặc biệt Tarid về việc ông này đã định tội và phong tỏa tài sản ngân hàng của 38 nhà lãnh đạo biểu tình.

Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban bầu cử đã hoàn thành việc tiếp nhận đăng ký với đầy đủ thủ tục của 9 chính đảng, trong đó có đảng Vì nước Thái cầm quyền; đồng thời Ủy ban bầu cử đã tiếp nhận việc đăng ký bước đầu của 25 chính đảng khác. Mặc dù gặp khó khăn do biểu tình, song Ủy ban bầu cử tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành việc đăng ký ứng cử viên của các chính đảng theo đúng luật định. Hiện có 45 chính đảng ở Thái Lan tuyên bố sẽ đăng ký tham gia cuộc bầu cử Hạ viện.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử và cơ quan cảnh sát Thái Lan cũng cảnh báo sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người biểu tình cản trở tiến trình bầu cử. Đáng chú ý, Tư lệnh Lục quân Poradut cũng đã quyết định cử 400 binh sỹ giúp cảnh sát bảo vệ trụ sở đăng ký ứng cử Hạ nghị sỹ của các chính đảng. Dự kiến, trong ngày hôm nay (24/12), Ủy ban bầu cử sẽ tổ chức cho 34 chính đảng nêu trên hoàn thành thủ tục đăng ký và bốc thăm nhận số hiệu tranh cử của mỗi đảng trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.

Cải cách khi nào

Trước những diễn biến như hiện nay, liệu tổng tuyển cử có phải là một giải pháp hiệu quả hay không khi phe đối lập kiên quyết tuyên bố tẩy chay thậm chí chống phá?

PV Tống Sơn: Hiện đa số dư luận xã hội, chính giới và nhiều học giả Thái Lan ủng hộ dân chủ cho rằng, cần phải tiến hành bầu cử Hạ viện đúng thời hạn nhằm trước hết bảo vệ nền dân chủ và theo khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, cải cách chính trị và cải cách các lĩnh vực khác của Thái Lan cũng là nhu cầu bức thiết, để nước này thoát khỏi khủng hoảng; song đó không phải là cuộc cải cách theo mô hình "Hội đồng nhân dân", "Chính phủ nhân dân" không qua bầu cử của ông Suthep. Phe Chính phủ, nhiều học giả, lãnh đạo các tổ chức kinh doanh; thậm chí là giới tướng lĩnh chỉ huy Quân đội Thái Lan đều có quan điểm ủng hộ việc thành lập một "Hội đồng cải cách Thái Lan" với sự tham gia của tất cả các phe phái, tầng lớp xã hội, nhằm xây dựng những cơ chế luật pháp mới, được các bên chấp nhận. Tuy nhiên, giữa phe Chính phủ và phe đối lập cũng như trong dư luận Thái Lan vẫn đang bất đồng sâu sắc về quan điểm: Nên tiến hành cải cách đất nước vào lúc nào, trước hay sau khi bầu cử Hạ viện. Vì thế, bầu cử Hạ viện là điều kiện "cần", nhưng chưa phải là điều kiện "đủ" để giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan hiện nay.

Nếu tiến trình bầu cử Hạ viện tiếp tục được thúc đẩy, và phe đối lập kiên quyết chống phá bầu cử, thì tình hình chính trị Thái Lan sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường. Giải pháp đang được dư luận xã hội Thái Lan mong đợi nhất, có thể giúp nước này vượt qua khủng hoảng là, phe đối lập chấp nhận "xuống thang" để hợp tác với phe Chính phủ và các tổ chức, tầng lớp xã hội xây dựng một Lộ trình cải cách đất nước thực sự, theo thể thức dân chủ, vì lợi ích chung của toàn thể nhân dân Thái Lan.

Dao hai lưỡi

Giới phân tích đang có quan điểm cho rằng, chính sách mềm dẻo của Thủ tướng tạm quyền bà Yingluck đang là con dao hai lưỡi khiến cho tình hình trở nên phức tạp, anh nghĩ sao về điều này?

PV Tống Sơn: Theo chúng tôi, phe Chính phủ và Thủ tướng tạm quyền Yingluck đang thực hiện phương châm "cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược". Phe Chính phủ đã có sách lược mềm dẻo, kiên nhẫn, không sử dụng vũ lực đối với biểu tình, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận, thậm chí sẵn sàng đối thoại với ông Suthep. Đây là sách lược hợp lý và cần thiết; nhất là trong bối cảnh phe đối lập và ban lãnh đạo biểu tình muốn xảy ra bạo lực để lôi kéo người ủng hộ và tạo cớ cho Quân đội can thiệp. 

Hiện nay, lực lượng biểu tình chống Chính phủ vẫn đang tìm cách kích động, kêu gọi giới chỉ huy Quân đội từ bỏ lập trường "trung lập" để quay sang ủng hộ họ nhằm thực hiện thành công "cuộc cách mạng nhân dân" lật đổ hoàn toàn "chế độ Thaksin". Tuy nhiên, Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền cũng đã cương quyết không từ chức, không nhượng bộ trước yêu sách "phi dân chủ" của phe đối lập; đồng thời tìm mọi cách để thúc đẩy tiến trình bầu cử Hạ viện theo luật định, song hành với việc thành lập và triển khai thực hiện Lộ trình cải cách đất nước.

Điều đáng nói là, nếu phe đối lập không học theo sách lược mềm dẻo của phe Chính phủ; thì phe đối lập cũng sẽ khó tìm được giải pháp hòa bình để chấm dứt được tình hình chính trị phức tạp hiện nay.   

Hiện nay có luồng ý kiến cho rằng, một kịch bản xấu đang được đặt ra cho Thái Lan - đó là một cuộc đảo chính như đã từng diễn ra năm 2006. Vậy với những diễn biến như hiện nay, anh đánh giá thế nào về khả năng này?

PV Tống Sơn: Đúng là có một số nhà phân tích cho rằng, tình hình Thái Lan hiện nay diễn biến tương tự như tình hình trước cuộc đảo chính hồi tháng 9/2006. Tuy nhiên, thực tế không hẳn đáng bi quan như vậy, vì giới chỉ huy Quân đội Thái Lan đã có bài học đắt giá về hậu quả của đảo chính; trong khi lực lượng ủng hộ dân chủ ở Thái Lan đã có bước trưởng thành. Do đó, khả năng đảo chính quân sự tuy không thể loại trừ, nhưng khó xảy ra hơn so với trước đây. Điều đáng lo ngại là, nếu tình hình chính trị Thái Lan tiếp tục gia tăng căng thẳng, đối đầu, có thể sẽ làm bùng phát xung đột bạo lực giữa phe ủng hộ và phe chống đối Chính phủ, khiến cho không có bên nào giành chiến thắng và đất nước Thái Lan sẽ bị thiệt hại to lớn về mọi mặt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người biểu tình chiếm trụ sở Cục Điều tra Thái Lan
Người biểu tình chiếm trụ sở Cục Điều tra Thái Lan

VOV.VN - Người biểu tình cho biết hành động này để làm rõ việc một số lãnh đạo biểu tình bị định tội “phản loạn”.

Người biểu tình chiếm trụ sở Cục Điều tra Thái Lan

Người biểu tình chiếm trụ sở Cục Điều tra Thái Lan

VOV.VN - Người biểu tình cho biết hành động này để làm rõ việc một số lãnh đạo biểu tình bị định tội “phản loạn”.

Thái Lan chưa yên tĩnh
Thái Lan chưa yên tĩnh

Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố trấn áp thành công các cuộc biểu tình, nhưng để khôi phục lại hình ảnh “Thái Lan đất nước nụ cười” nguyên vẹn thì chắc chắn sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa.

Thái Lan chưa yên tĩnh

Thái Lan chưa yên tĩnh

Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố trấn áp thành công các cuộc biểu tình, nhưng để khôi phục lại hình ảnh “Thái Lan đất nước nụ cười” nguyên vẹn thì chắc chắn sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa.

Đảng Dân chủ Thái Lan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan
Đảng Dân chủ Thái Lan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan

VOV.VN - Đảng Dân chủ của Thái Lan đang ở trong tình thế phản đối hay ủng hộ bầu cử đều không có lợi.

Đảng Dân chủ Thái Lan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan

Đảng Dân chủ Thái Lan rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan

VOV.VN - Đảng Dân chủ của Thái Lan đang ở trong tình thế phản đối hay ủng hộ bầu cử đều không có lợi.

Căng thẳng ở Thái Lan: Chính phủ Yingluck giành thế thắng?
Căng thẳng ở Thái Lan: Chính phủ Yingluck giành thế thắng?

VOV.VN - Phe biểu tình vẫn chưa chịu buông cờ, quyết chơi canh bạc cuối. Trong khi đó, "nữ tướng" Yingluck tỉnh táo lấy nhu trị cương.

Căng thẳng ở Thái Lan: Chính phủ Yingluck giành thế thắng?

Căng thẳng ở Thái Lan: Chính phủ Yingluck giành thế thắng?

VOV.VN - Phe biểu tình vẫn chưa chịu buông cờ, quyết chơi canh bạc cuối. Trong khi đó, "nữ tướng" Yingluck tỉnh táo lấy nhu trị cương.

Thủ tướng Thái Lan sẵn sàng từ chức nếu là ý dân
Thủ tướng Thái Lan sẵn sàng từ chức nếu là ý dân

VOV.VN -Hàn Quốc chiều 8/12 công bố mở rộng vùng phòng không, Thủ tướng Thái Lan đề xuất trưng cầu dân ý, Cựu Tổng Thống Nam Phi qua đời...

Thủ tướng Thái Lan sẵn sàng từ chức nếu là ý dân

Thủ tướng Thái Lan sẵn sàng từ chức nếu là ý dân

VOV.VN -Hàn Quốc chiều 8/12 công bố mở rộng vùng phòng không, Thủ tướng Thái Lan đề xuất trưng cầu dân ý, Cựu Tổng Thống Nam Phi qua đời...

Phe biểu tình bao vây nhà riêng Thủ tướng Thái Lan Yingluck
Phe biểu tình bao vây nhà riêng Thủ tướng Thái Lan Yingluck

VOV.VN - Trong khi đó, nữ Thủ tướng đang ở phía bắc đất nước.

Phe biểu tình bao vây nhà riêng Thủ tướng Thái Lan Yingluck

Phe biểu tình bao vây nhà riêng Thủ tướng Thái Lan Yingluck

VOV.VN - Trong khi đó, nữ Thủ tướng đang ở phía bắc đất nước.

Khủng hoảng chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát
Khủng hoảng chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát

VOV.VN - Biểu tình quy mô lớn ngày 22/12 đã làm tê liệt giao thông ở thủ đô Bangkok.

Khủng hoảng chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát

Khủng hoảng chính trị Thái Lan vẫn chưa có lối thoát

VOV.VN - Biểu tình quy mô lớn ngày 22/12 đã làm tê liệt giao thông ở thủ đô Bangkok.