Thế giới 2021 – Năm của những khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất?
VOV.VN - Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, số người phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng có thể tăng 80% vào cuối năm nay.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 4/12 có cuộc họp cấp cao lần đầu tiên về đại dịch. Diễn ra vào tháng cuối cùng của năm 2020 với nhiều biến động chưa từng có, cuộc họp mang lại hi vọng khi có nhiều nhận định thế giới có thể bắt đầu “mơ về ngày chấm dứt dại dịch Covid-19”, nhưng cũng có nhiều cảnh báo về những hệ lụy hậu đại dịch với khả năng 2021 trở thành năm khủng hoảng nhân đạo nhất trong một thập kỷ.
Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới David Beasley bày tỏ lo ngại về tác động của dịch Covid-19, với cảnh báo các thảm hoạ khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra trong năm 2021 và đây có thể là năm tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Theo Chương trình lương thực thế giới - cơ quan được trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2020, đại dịch và các chính sách phong toả thúc đẩy các xu hướng đáng ngại, các cuộc xung đột cũng khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn. 270 triệu người đang đối mặt với nguy cơ nghèo đói và nạn đói có thể sắp bùng phát tại nhiều quốc gia.
“Năm 2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc. Chúng ta không thể giải quyết được hết các vấn đề vì vậy cần phải lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết như nạn đói, bất ổn và di cư. Nếu chúng ta có chiến lược và dồn tiền cho những vấn đề ưu tiên này trước, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua năm 2021 với việc sở hữu vắc-xin ngừa Covid-19, xây dựng lại nền kinh tế và đạt được mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030”, ông David Beasley nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới cho biết, số người phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng có thể tăng 80% vào cuối năm nay. Trong khi đó, UNICEF cảnh báo tại 118 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, 1,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có thể tử vong trong 6 tháng tới.
Bất chấp những số liệu u ám về tác động của đại dịch Covid-19, hàng loạt thông tin tích cực về các cuộc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 đang thắp lên hi vọng về cơ hội sớm chấm dứt đại dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, thế giới “có thể bắt đầu mơ về sự kết thúc của đại dịch”. Thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo, cũng như người dân đưa ra trong những ngày tới. Tuy nhiên WHO cũng kêu gọi các nước tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vaccine phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.
“Đơn giản là chúng ta không thể chấp nhận một thế giới trong đó người nghèo và người bị thiệt thòi bị chà đạp bởi những người giàu và quyền lực trong cuộc tranh giành vắc xin. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp phải được chia sẻ công bằng, không làm gia tăng bất bình đẳng và trở thành một lý do khác, khiến một số người bị bỏ lại phía sau”, ông Ghebreyesus nói.
Những triển vọng về vaccine ngừa Covid-19 cũng mở ra hi vọng về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trong đánh giá mới nhất, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm sau. Theo báo cáo, những dấu hiệu cho thấy vaccine ngừa Covid-19 có thể được phân phối trong vài tuần tới, đã làm gia tăng sự lạc quan thận trọng khi một năm khủng hoảng sắp kết thúc.
Tuy nhiên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cũng thừa nhận rằng, các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch vẫn cần trong vài tháng tới, với khẳng định "Con đường phía trước sẽ sáng sủa hơn nhưng vẫn còn nhiều thách thức"./.