Thế giới 24h: Bất ngờ về chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2015
VOV.VN - Chiều 9/10, Ủy ban trao giải Nobel hòa bình của Quốc hội Na Uy công bố Giải Nobel hòa bình 2015 thuộc về Bộ Tứ dân chủ Tunisia ủng hộ "Mùa xuân Arab".
1.Bộ tứ này gồm 4 tổ chức quan trọng trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng liên đoàn lao động Tunisia, Liên hiệp công nghiệp Tunisia, Tổ chức nhân quyền Tunisia và Hiệp hội luật sư Tunisia.
4 tổ chức nói trên đã đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở Tunisia.
Các thành viên Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia. (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch của Ủy ban trao giải Nobel hòa bình của Quốc hội Na Uy nói rằng: “Bộ tứ này được trao giải cho những đóng góp của họ trong cải cách dân chủ theo “Cách mạng hoa nhài” năm 2011”.
Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng bởi một Ủy ban gồm có 5 người được lựa chọn bởi Quốc hội Na Uy. Năm ngoái, giải thưởng được đồng trao tặng cho Kailash Satyarthi của Ấn Độ và Malala Yousafzai của Pakistan.
Giải Nobel Hòa bình 2015 gây bất ngờ khi đó xuất hiện nhiều ứng cử viên sáng giá, cụ thể là Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Giải thưởng Nobel Hòa bình có trị giá 950.000 USD.
Nobel Hòa bình 2015 bất ngờ thuộc về nhóm ủng hộ “Mùa xuân Arab”
2. Ngày 8/10, Tổng thư ký NATO Stoltenberg tiết lộ kế hoạch thành lập thêm 2 tổng hành dinh ở Hungary và Slovakia đáp ứng Lực lượng phản ứng nhanh.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO tại thủ đô Brussels của Bỉ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ các cuộc xung đột tới cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay tại Châu Âu, gây bất ổn và mất an ninh, đòi hỏi NATO có vai trò tham gia giải quyết.
NATO đã “sẵn sàng” triển khai quân bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ
Ông cho rằng kế hoạch của NATO tăng số lương quân của Lực lượng phản ứng nhanh tại châu Âu từ 4.000 ban đầu lên 40.000 là đợt mở rông qui mô nhất của tổ chức này kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Số quân này sẽ nằm dưới sự chỉ huy của 8 tổng hành dinh, trong đó có 2 tổng hành dinh mới sẽ được thành lập tại Hungary và Slovakia.
Ông Stoltenberg nói: “Tôi hy vọng các bộ trưởng quốc phòng sẽ thông qua việc thành lập thêm hai tổng hành dinh nữa tại Hungary và Slovakia. Những sở chỉ huy này sẽ đảm bảo lực lượng của chúng tôi có thể di chuyển nhanh và hiệu quả hơn nếu được yêu cầu”.
Trước đó NATO đã thành lập 6 tổng hành dinh tại Bungary, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, và Romania.
Xem thêm: NATO họp về chiến dịch không kích, Mỹ tuyên bố không hợp tác với Nga
3.Hai quan chức Mỹ nói với CNN: mốt số tên lửa hành trình của Nga bắn từ biển Caspian đã rơi xuống Iran, song Moscow và Tehran bác bỏ thông tin này.
Tên lửa được phóng từ tàu chiến Nga ở biển Caspian. (ảnh: AFP) |
Theo lời các quan chức này ít nhất 4 tên lửa của Nga được cho là phóng đi từ tàu chiến trên biển Caspian đã bị rơi ở Iran. Quan chức Mỹ nói rằng điều này dựa vào thông tin tình báo rằng có các bị hư hại và dân thường có thể là bị thương. Tuy nhiên, phía Mỹ lại không đưa ra được thông tin các tên lửa này rơi xuống vị trí nào ở Iran. Các tàu của Nga được bố trí ở phía nam biển Caspian, có nghĩa là để bay vào Syria, tên lửa phải đi qua cả Iran và Iraq.
Bộ Quốc phòng Nga ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng: “Không giống CNN, chúng tôi không đưa những thông tin không có nguồn chính thống, chúng tôi cho thấy rõ các hoạt động phóng tên lửa và các mục tiêu đánh trúng trong thời gian thực”.
Ông Konashenkov nói thêm rằng: “Có thể những đồng nghiệp của chúng tôi ở Lầu Năm Góc thấy khó chịu khi kết quả những cuộc không kích của chúng tôi ngày hôm qua với các vũ khí dẫn đường chính xác đánh trúng những mục tiêu của phiến quân IS tại Syria”.
Xem thêm: Mỹ chỉ trích Nga phóng tên lửa hành trình ở Syria mà không thông báo
4. Hãng tin AP, Mỹ thống kê có ít nhất 1.399 người chết trong vụ giẫm đạp tại thánh địa Mecca ở Saudi Arabia ngày 23/9 vừa qua.
Con số này cao hơn 630 người so với con số được chính quyền Saudi Arabia thông báo chính thức trước đó.
Những người bị thương trong vụ giẫm đạp vừa qua ở Mecca. Ảnh: AP |
Thống kê được hãng tin AP công bố dựa trên số liệu về số người chết mà các quốc gia tham gia lễ hành hương Haji đưa ra. Theo đó, Iran công bố có 465 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên. Ai Cập có 148, Indonesia có 120 và nhiều quốc gia hồi giáo khác như Nigeria, Pakistan, Kenya…. cũng đều có công dân thiệt mạng dao động từ 11 đến 99 người.
Theo thống kê của nhà chức trách Saudi Arabia công bố hai ngày sau vụ giẫm đạp, có trên 769 người thiệt mạng và 934 người bị thương. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, con số thương vong không được tiếp tục cập nhật. Vụ giẫm đạp kinh hoàng gây thương vong lớn vừa qua là thảm họa thứ hai ở Thánh địa Mecca trong vòng một tháng qua.
Vì sao các vụ giẫm đạp chết người thường xảy ra ở thánh địa Mecca?
5. Liên Hợp Quốc hôm qua 8/10 đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Libya nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Bắc Phi này hơn 4 năm sau khi chính quyền của Tổng thống Muammar Kadhafi bị sụp đổ.
Các nước láng giềng kêu gọi thành lập chính phủ đoàn kết ở Libya
Đề xuất của LHQ được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán giữa hai phe phái đối lập chính tại Libya, đồng thời cũng là đại diện của 2 Chính phủ và 2 Quốc hội hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này. Phát biểu với báo chí ở Morroco, nơi diễn ra các cuộc đàm phán, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Libya, ông Bernadino Leon tuyên bố, sau 1 năm theo đuổi tiến trình này, làm việc với hơn 150 nhân vật Libya từ mọi khu vực, cuối cùng đã tới thời điểm mà có thể đề xuất về một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Trong bộ máy chính phủ này sẽ có sự tham gia của cả các quan chức Quốc hội Libya được dân bầu và Đại hội nhân dân toàn quốc, tức cơ quan lập pháp cũ. Để có hiệu lực, danh sách đề cử cần phải được cả hai phe đối lập ở Libya bỏ phiếu thông qua./.