Thế giới 24h: Biển Đông-chủ đề bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ
VOV.VN - Một trong những vấn đề được dự kiến sẽ “làm nóng” Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ là những căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông.
1. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần đầu tiên diễn ra tại Mỹ chính thức khai mạc vào ngày 15/2 theo giờ địa phương là sự kiện mang tính lịch sử với nhiều nội dung quan trọng sẽ được các bên tham gia thảo luận.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra tại Sunnyland, bang California trong hai ngày 15 và 16/2, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp ảnh với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia hồi tháng 11/2015. (Ảnh: AFP). |
Trong khi đó, phiên họp về an ninh và chính trị sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác về các thách thức chiến lược và xuyên quốc gia mà khu vực đang phải đối mặt trong đó có tranh chấp lãnh hải, khủng bố buôn người, dịch bệnh và biển đối khí hậu.
Vì sao Bắc Kinh “ngại đối đầu” với Mỹ ở Biển Đông
Dư luận báo giới Mỹ cũng cho rằng, căng thẳng tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua và nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á sẽ là những vấn đề bao trùm hội nghị lần này.
Trước đó, một nhóm các nghị sỹ Mỹ cũng đã đệ trình một dự thảo nghị quyết về ASEAN lên Quốc hội Mỹ. Bên cạnh việc khẳng định mối quan hệ chiến lược với ASEAN, nghị quyết này đã nhắc nhiều đến vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định thượng viện Mỹ ủng hộ các nỗ lực của các quốc gia ASEAN giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải theo tinh thần xây dựng.
2. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/2, đã có cuộc điện đàm về vấn đề Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: Getty). |
Thông cáo của Chính phủ Mỹ nêu rõ, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Obama đã hối thúc Nga chấm dứt không kích nhằm vào các lực lượng đối lập tại Syria.
Chính phủ Nga cũng ra thông báo cho biết, Tổng thống Nga Putin đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của một liên minh thống nhất chống khủng bố ở Syria.
3. Hội nghị an ninh Munich vừa mới kết thúc vào ngày 14/2, trong bầu không khí ảm đạm. Tuy nhiên, sau đó, Nga và Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác ngoại giao và trên những kênh khác để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch tại Syria, vốn là chủ đề thảo luận chính tại hội nghị Munich.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, và Đặc phái viên về Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tại Hội nghị an ninh Munich. (ảnh: AP). |
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Ischinger cho rằng, cộng đồng thế giới đang đối mặt với sự thất bại trong giải quyết và ngăn chặn các cuộc xung đột nguy hiểm. Thế giới sẽ phải tiếp tục đối phó với tình hình bất ổn không thể dự đoán trước và cuộc khủng hoảng di cư mang số người tị nạn khổng lồ tới châu Âu.
Hội nghị an ninh Munich diễn ra trong 3 ngày với chủ đề trọng tâm của chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 5 tại Syria. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được nhiều kết quả khi sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng vẫn tồn tại giữa các nước.
4. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình 60 minutes của CBS News (Mỹ) vào hôm 14/2, đương kim Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA John Brennan dự báo, một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ sẽ tất yếu xảy ra.
Giám đốc CIA Brennan. Ảnh: AP. |
Ông Brennan nhấn mạnh, các chiến binh cực đoạn đang “cố gắng kích động va chạm giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo”, tuyên truyền xuyên tạc rằng Mỹ đang nỗ lực “chiếm lĩnh” các quốc gia ở Trung Đông.
5. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/2 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chỉ thị phóng thêm vệ tinh sau khi Bình Nhưỡng từng thực hiện một vụ phóng vào ngày 7/2 vừa qua.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phản ứng khi ông xem quá trình phóng vệ tinh ngày 7/2. Ảnh: Reuters/Kyodo. |
Cùng ngày 15/2, Đảng Saenuri của Hàn Quốc đã kêu gọi Chính phủ nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân đủ sức răn đe Triều Tiên.
Lãnh đạo đảng Saenuri, ông Won Yoo-Cheol tuyên bố trước Quốc hội Hàn Quốc rằng: “Chúng ta không thể mượn ô của hàng xóm mỗi khi trời mưa. Chúng ta cần phải tự mua áo mưa và mặc vào”.
Theo Reuters, trước đây, những lời kêu gọi tương tự như của ông Won Yoo-Cheol chỉ là thiểu số tại Hàn Quốc, tuy nhiên, sau 4 lần Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, những lời kêu gọi như vậy giờ đây ngày càng trở nên phổ biến.
6. Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders ngày 14/2 khẳng định, châu Âu cần phải kiểm soát biên giới chứ không nên đóng cửa biên giới hoàn toàn.
Tuyên bố của Hà Lan đưa ra trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu tiếp tục chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để châu lục này có thể ngăn chặn dòng người di cư đổ về khu vực, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng tị nạn có thể sẽ lên đến đỉnh điểm vào mùa hè này.
Người di cư chờ đợi ở ngôi làng Roszke, Hungary để vượt biên vào châu Âu. (Ảnh: Reuters). |
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với chia rẽ trong việc tìm kiếm sự đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn, trước hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào cuối tháng 2 này.
Các nước Đông Âu đang có kế hoạch xây dựng hàng rào mới, thậm chí đồng minh quan trọng nhất của Berlin là Pháp cũng thể hiện không hào hứng với chính sách mở cửa đối với người tị nạn của Thủ tướng Merkel.
7. Chính phủ Cuba ngày 13/2 đã trao trả cho Mỹ tên lửa Hellfire mà Mỹ sử dụng để huấn luyện binh sĩ bị gửi nhầm sang Cuba thay vì sang EU năm 2014.
Tên lửa Hellfire được bắn từ một trực thăng. Ảnh AFP. |
Tuy nhiên, loại tên lửa vốn được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu dưới mặt đất từ trực thăng và máy bay không người lái này đã được Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1984 và được chuyển giao sang hàng chục quốc gia khác nhau.
Chính vì thế, dù Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ việc này, Mỹ vẫn chỉ coi đó là sự nhầm lẫn trong quá trình vận chuyển quả tên lửa này sang EU./.