Thế giới 24h: Con người có thể sống ở hành tinh mới HD-219134b?
VOV.VN -Dù khoảng cách được cho là rất gần so với Kepler-452b, việc con người đặt chân đến HD-219134b vẫn được coi là “bất khả thi”
1.Theo Independent, nhờ kính thiên văn vũ trụ Spitzer, các nhà khoa học đã xác nhận được sự tồn tại của hành tinh mang tên HD-219134b, nằm cách Trái đất khoảng 21 năm ánh sáng, gần Trái đất hơn rất nhiều so với khoảng cách 1.400 năm ánh sáng từ Trái đất đến Kepler-452b.
Hành tinh mới được phát hiện (vòng tròn màu vàng) gần Trái đất hơn Kepler-452b. (ảnh: NASA) |
Dù khoảng cách này được cho là rất gần, so với Kepler-452b, việc con người đặt chân đến HD-219134b vẫn được coi là “bất khả thi” bởi phải mất tới 387.000 năm thì tàu vũ trụ New Horizon với tốc độ nhanh nhất hiện nay là 58.000km/h mới có thể đến được HD-219134b.
Ngoài ra, dù giống Trái đất hơn cả Kepler-452b, HD-219134b lại nằm quá gần ngôi sao của mình nên bề mặt của hành tinh này rất nóng và không thể tồn tại sự sống trên đó.
Hành tinh HD-219134b không thể nhìn trực tiếp ngay cả khi sử dụng kính thiên văn từ Trái đất, tuy nhiên, ngôi sao của hành tinh này có thể dễ dàng được nhìn thấy bằng mắt thường và nằm ở chòm sao Thiên Hậu gần sao Bắc Cực.
2. Một báo cáo không quân Trung Quốc liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam là “mối đe dọa” trong không gian quân sự của nước này vào năm 2030.
Máy bay E-2C Hawkeye tại căn cứ hải quân Ventura County biển Range, Point Mugu, gần Oxnard, California. (ảnh: Reuters) |
Trong báo cáo về chiến lược kiểm soát bầu trời, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có kế hoạch mở rộng quy mô giám sát trên không và năng lực tấn công tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả các vùng trời lân cận Nhật Bản, nhằm mục đích chỉ huy trên không, theo báo cáo của Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc được đưa ra hôm Chủ nhật.
Theo Kyodo, bản báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và nâng cấp 9 loại “trang thiết bị chiến lược”, trong đó có máy bay ném bom chiến lược mới và một hệ thống thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao (THAAD) nhằm một phần đối phó với Mỹ, nước đang tập trung xoay trục sang châu Á.
Báo cáo này liệt kê Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là “mối đe dọa” trong không gian quân sự của Trung Quốc tới năm 2030. Báo cáo đề xuất mở rộng quy mô giám sát từ “chuỗi đảo đầu tiên” kết nối Okinawa, Đài Loan và Philippines và một trong những giới tuyến phòng vệ của Trung Quốc ngoài biển khơi với “chuỗi đảo thứ hai” kết nối quần đảo Izu, Guam và New Guinea.
Báo Nhật:Căng thẳng Biển Đông sẽ khiến Mỹ-Nhật-Việt xích lại gần nhau?
3. Ukraine đứng trước nguy cơ “có biến” khi khu vực Rivne đang mâu thuẫn với chính phủ Kiev, khả năng dẫn đến một cuộc nổi dậy đòi ly khai.
Sputnik dẫn tin từ kênh truyền hình Zvezda, Ông Yevhen Deidei, một quân nhân Ukraine đang chiến đấu ở Donbass và cũng là nghị sĩ Quốc hội Ukraine cho biết: “Chính quyền địa phương của Rivne đã quá mệt mỏi với các chính sách tội phạm của chính phủ, và đã sẵn sàng vũ trang để bảo vệ quyền củađịa phương”.
Theo ông Deidei, trong quá trình chinh chiến đi qua khu vực này, ông đã chứng kiến nhiều vấn đề nổi cộm như nạn tham nhũng của quan chức địa phương và cảnh nghèo đói khắp khu vực Rivne. Điều này khiến ông thấy “e ngại” trước sự xuống cấp của cuộc sống ở nơi đây.
“Trước tình hình hiện nay, cư dân Rivne không còn cách nào khác ngoài việc phải tự đứng lên cầm súng bảo vệ mình. Rivne sẽ sớm trở thành Donbass thứ hai nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy” nghị sĩ Deidei nhận định.
Nếu viễn cảnh xấu xảy ra ở Rivne, chính quyền Kiev sẽ không thể chiến đấu ở cùng một lúc hai mặt trận, và chính phủ sẽ sớm “tan rã”.
Xem thêm: Thêm một khu vực đòi ly khai, Ukraine sẽ “có biến”?
4.Các nhà điều tra sẽ xem xét các chi tiết của mảnh vỡ chiếc máy bay tìm được tại dảo Reunion của Pháp để xem nó có phải của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Reunion hay không
Phát biểu tại cuộc họp báo vào hôm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, các thông tin như ngày sản xuất và một phần số seri sẽ giúp các chuyên gia xác minh điều đó.
Cảnh sát Pháp xem xét mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370. (ảnh: Reuters) |
Trước đó, hôm 2/8, ông Liow Tiong Lai đã xác nhận, mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào đảo Reunion ngày 30/7 vừa qua, đã được nhận dạng là một phần cánh của máy bay Boeing 777 cùng loại với chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích năm ngoái.
Quá trình giám định được các chuyên gia của Pháp tiến hành, phối hợp với hãng sản xuất máy bay Boeing, Cơ quan An toàn hàng không quốc gia Mỹ và đội ngũ chuyên gia Malaysia.
Hiện, Malaysia đang muốn mở rộng tìm kiếm các mảnh vỡ xung quanh đảo Reunionvà kêu gọi các nước gần đó cùng tìm kiếm mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370.
5. Lũ lụt và lở đất do mưa lớn ở Myanmar đã giết chết ít nhất 27 người và buộc hơn 150.000 người đi sơ tán.
Myanmar hứng chịu mưa lũ sau khi bão Komen đổ bộ vào nước này vào cuối tuần qua. Tại bang Chin (miền bắc), hơn 60 hộ gia đình bị ảnh hưởng do lở đất. Đường giao thông tại các vùng miền núi bị ách tắc do đất lở, gây cản trở cho việc vận chuyển lương thực và các vật phẩm cứu trợ.
4 bang miền Bắc và miền Tây cùng một số huyện của Myanmar đã tuyên bố là vùng thiên tai. Mưa đã ngớt song hiện chính phủ Myanmar chưa có đánh giá toàn cảnh về mức độ thiệt hại./.