Thế giới 24h: Kinh tế lâm nguy, Tổng thống Ukraine bị EU “lạnh nhạt“?
VOV.VN -Tổng thống Ukraine đang vất vả tìm kiếm sự trợ giúp quốc tế để cứu nền kinh tế đang khủng hoảng trong bối cảnh người dân đòi ông từ chức.
1.Ukraine đang chờ khoản cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tháng 9 nói rằng, ông hy vọng Ukraine sẽ nhận được 1,7 tỷ USD vào tháng 11 để bổ sung dự trữ của ngân hàng trung ương. Ukraine hiện đang tìm kiếm nhiều sự trợ giúp quốc tế để cứu nền kinh tế đang bị khủng hoảng.
Ngày 3/10, khoảng 500 người biểu tình chống Chính phủ Ukraine trước Tòa nhà Công đoàn ở Odessa.
Cuộc biểu tình hồi tháng 9 của người dân Ukraine. (ảnh: Reuters) |
Theo Sputnik, những người biểu tình giải thích rằng họ không hài lòng với tình hình kinh tế xã hội và an ninh không đảm bảo trong thành phố. Họ yêu cầu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từ chức.
“Chất lượng cuộc sống đã giảm đáng kể trong thành phố. Phí sinh hoạt tiếp tục tăng, nhiều bất an khiến chúng tôi không thể sống thoải mái và an toàn như trước”, một trong những người biểu tình nói.
Những người biểu tình cũng bày tỏ sự phản đối về việc Kiev bổ nhiệm thống đốc mới của thành phố và họ nghi ngờ sự minh bạch trong việc bổ nhiệm này.
Trong diễn biến khác, tại cuộc họp với nhóm Bộ tứ Normandie ở Paris hôm 2/10, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức chỉ gặp riêng song phương với Tổng thống Nga mà không hội đàm riêng với ông Poroshenko. Điều này khiến giới phân tích nhận định Tổng thống Ukraine đang bị EU "lạnh nhạt".
Tổng thống Ukraine lạc lõng ở Paris?
2. Ngày 3/10, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định tiếp tục kéo dài hội nghị đang diễn ra tại thành phố Atlanta, miền Nam nước Mỹ, thêm 1 ngày, đến ngày 4/10 theo giờ Mỹ, tức ngày 5/10 theo giờ Việt Nam.
Đây được coi là một nỗ lực của 12 nước, thể hiện quyết tâm hoàn tất tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này trong năm nay sau nhiều lần lỡ hẹn.
Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại TPP. (ảnh: Reuters) |
Theo thông báo mới nhất của Ban Tổ chức, sau khi vượt qua những khác biệt trong vấn đề linh kiện ô tô, các đoàn vẫn bế tắc xoay quanh hai nút thắt là vấn đề sản phẩm bơ sữa và đặc biệt là vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền các mặt hàng sinh dược.
Đến 21h ngày 3/10 (theo giờ Mỹ), vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược đang trở thành điểm khó vượt qua nhất, ngăn cản các nước tiến tới thỏa thuận cuối cùng.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết đàm phán hiện vẫn đang bế tắc và có chiều hướng xấu đi. Phái đoàn Nhật Bản đã ấn định trưa 4/10 là thời hạn chót, dù đạt được hay không thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương thì đoàn Nhật Bản cũng rời Atlanta. Trong khi đó, Mỹ vẫn cương quyết không nhượng bộ trong vấn đề sinh dược trên. Trưa 4/10 , các đoàn sẽ tổ chức họp báo chung.
3. Nga nói rằng sẽ đẩy cao cường độ các cuộc không kích tại Syria để làm suy yếu phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.
Reuters dẫn lời ông Andrei Kartapolov, người đứng đầu Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, các máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện hơn 60 đợt không kích trong 72 giờ qua tại Syria: “Chúng tôi sẽ không chỉ tiếp tục dội bom, mà còn gia tăng cường độ các cuộc không kích”.
Khói bốc lên từ vị trí máy bay Nga vừa dội bom ở Syria. (ảnh: Reuters/Bộ quốc phòng Nga) |
Ông Andrei nói rằng trong 3 ngày không kích, “chúng tôi đã làm giảm đáng kể sức chiến đấu của phiến quân IS”.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tấn công của Nga được triển khai liên tục từ căn cứ không quân Hmeymim, nằm sâu trong lãnh thổ Syria.
Ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, ông Igor Konashenkov cho biết, trong vòng 24 giờ qua, các máy bay chiến đấu Su-34 và Su-24M đã thực hiện 20 vụ không kích vào 6 địa điểm của IS.
Trước những diễn biến khá phức tạp tại Syria, Mỹ và phương Tây một lần nữa lại thể hiện sự lo ngại và chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga nhằm hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al Assad.
Thế giới 7 ngày: Nga "thắng" Mỹ khi bất ngờ không kích IS ở Syria
4. Bộ Nội vụ Saudi Arabia hôm qua cho biết, lực lượng an ninh nước này vừa bắt giữ hai công dân nước ngoài trong cuộc đột kích vào một nhà máy chế tạo bom bất hợp pháp tại thủ đô Riyadh.
Dụng cụ chế tạo bom được tìm thấy ở nhà 2 đối tượng nước ngoài âm mưu khủng bố Saudi Arabia. (ảnh: Saudi Arabia) |
Một đối tượng là người Syria, có danh tính Yasser Mohammed Al Barazi đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công khủng bố tại Saudi Arabia. Người này đã cài đặt các thiết bị nổ bên trong ngôi nhà khiến lực lượng an ninh phải mất 12 tiếng đồng hồ để tháo dỡ và vô hiệu hóa chúng.
Đối tượng khác là người Philippine, phụ tá của tên Al Barazi, có nhiệm vụ chế tạo vòng đai cài bom. Các đối tượng bị bắt giữ thuộc nhóm cực đoan liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Ngoài ra, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cũng đột kích vào một địa điểm khác được coi là nơi ẩn náu của những kẻ đánh bom liều chết.
Trước đó, lực lượng an ninh Saudi Arabia đã bắt giữ hai phiến quân, thu giữ nhiều vũ khí và chất nổ trong các cuộc đột kích ngày 15/9.
5. 30.000 người đã phải đi sơ tán khỏi các khu vực duyên hải miền Nam Trung Quốc khi bão Mujigae kèm theo mưa to và gió lớn di chuyển về phía đất liền.
Bão Mujigae đang tiến dần đến đảo Lôi Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, nằm ở phía Bắc đảo du lịch Hải Nam. Sức gió tại tâm bão lên đến 180km/ giờ. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền vào trưa nay (giờ địa phương).
Ảnh NASA chụp cơn bão Mujigae. |
Trung tâm khí tượng quốc gia Trung quốc dự báo, mưa lớn sẽ xảy ra tại Quảng Đông và Hải Nam – nơi đang có hàng nghìn người tập trung trong kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài 1 tuần.
Cũng tại hai tỉnh trên, hơn 60.000 tàu thuyền đánh cá đã trở về nơi neo đậu và hơn 40.000 người dân đang làm việc tại các trang trại nuôi cá đã di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn./.