Thế giới 24h: Liên tiếp xảy ra 2 vụ xả súng, rơi khinh khí cầu ở Mỹ
VOV.VN - Mỹ liên tiếp xảy ra các vụ xả súng và rơi khinh khí cầu khiến hàng chục người thương vong chỉ trong 2 ngày cuối cùng của tháng 7.
1. Vụ việc mới nhất là vào lúc 3h sáng ngày 31/7 (giờ địa phương), một tay súng đã tấn công nhiều người ở thủ phủ Austin, bang Texas, Mỹ. Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter và Facebook chính thức, sở cảnh sát Austin, khuyến cáo người dân tránh xa khu vực trung tâm thành phố.
Xe cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng ở thủ phủ Austin, bang Texas, Mỹ. (ảnh: abcnews). |
Nguồn tin ban đầu cho biết, ít nhất một phụ nữ tầm 30 tuổi thiệt mạng. Còn trên trang xã hội chính thức, trung tâm Dịch vụ y tế khẩn cấp hạt Austin-Travis cũng khẳng định có nhiều người thương vong vì vụ xả súng này.
Trước đó, tối 30/7, đã có 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương trong vụ xả xúng tại thành phố Mukilteo, thuộc bang Washington, miền Tây nước Mỹ. Theo nhà chức trách Mỹ, đối tượng đã đi vào ngôi nhà đang tổ chức bữa tiệc sau đó bắt đầu tấn công mọi người. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công có khoảng 15 đến 20 người, cả trẻ em và người lớn tham gia bữa tiệc.
Cùng ngày 30/7, một chiếc khinh khí cầu đã bốc cháy vào rơi xuống cánh đồng cỏ ở miền trung bang Texas, Mỹ, làm 16 người thiệt mạng. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 7h40’ (giờ địa phương), gần thành phố Lockhart, cách thủ phủ Austin của bang Texas hơn 48km về phía Nam. Mảnh vỡ của khinh khí cầu nằm ở cánh đổng cỏ, dưới một đường dây tải điện cao thế bên ngoài trị trấn Maxwell. Mỹ: 16 người thiệt mạng trong vụ rơi khinh khí cầu
Mỹ: Lại xả súng nhiều người thương vong tại Texas
2. Hơn 11 triệu cử tri hợp lệ tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7 bỏ phiếu chọn Thị trưởng mới cho thành phố này, kế nhiệm ông Yoichi Masuzoe- người đã từ chức hồi tháng 6 vừa qua sau khi vấp phải hàng loạt chỉ trích vì sử dụng sai công quỹ cho mục đích riêng.
Tấm áp phích về các ứng cử viên Thị trưởng Tokyo. (ảnh: Reuters). |
Tính đến 11 giờ sáng nay theo giờ địa phương, tức 9h sáng 31/7 theo giờ Việt Nam, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 12,67%, cao hơn đến 8,57% so với cùng thời điểm của các cuộc bầu cử trước đó. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ tối theo giờ địa phương tức 18h tối 31/7 theo giờ Việt Nam.
Tất cả 20 ứng viên tranh cử chức Thị trưởng Tokyo đều cam kết sẽ tăng cường minh bạch ngân sách và tập trung vào các chính sách cải thiện an sinh, phúc lợi xã hội cũng như công tác chuẩn bị để thành phố này làm chủ nhà Thế vận hội mùa hè Olympic và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paraolympic) vào năm 2020.
Các cuộc thăm dò dư luận ngay tại điểm bỏ phiếu cho thấy, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản, bà Yuriko Koike đang dẫn đầu, tiếp theo là cựu quan chức Hiroya Masuda và nhà báo tự do Shuntaro Torigoe.
3. Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 1.389 nhân sự khỏi lực lượng vũ trang vì nghi ngờ liên hệ với Giáo sỹ Fethullah Gulen-người bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Errdogan đã tuyên bố sẽ có những thay đổi trong lực lượng vũ trang, bao gồm việc đóng cửa các học viện quân sự và đặt lực lượng vũ trang dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng.
ổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay với một cảnh sát tại thủ đô Ankara. (Ảnh: AFP). |
Trong một thông báo trên trang thông tin điện tử chính thức ngày 31/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ tăng cường số lượng Bộ trưởng trong Hội đồng quân sự tối cao.
Thậm chí, các Thứ trưởng và những người đứng đầu cơ quan tư pháp, nội vụ, ngoại giao cũng có mặt trong hội đồng này. Hồi đầu tuần này, hơn 1.700 nhân sự trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị cách chức, sa thải. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đàn áp mạnh tay, đóng cửa các học viện quân sự
Ông Erdogan tuyên bố rằng, quân đội nước này, vốn là lực lượng vũ trang đông đảo thứ hai trong số các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cần một cuộc “thay máu” sau chính biến vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/7, một tòa án tại thành phố Istanbul đã quyết định thả tự do cho 758 binh sĩ và cảnh sát đã bị bắt giam sau cuộc đảo chính. Theo các nguồn tin, những người này được thả tự do vì đã phối hợp với chính quyền trong cuộc điều tra về vụ đảo chính. Số binh sĩ và cảnh sát này nằm trong số 989 trường hợp được Tòa án Istanbul xem xét thả tự do. 231 trường hợp còn lại tiếp tục bị giam giữ. Thổ Nhĩ Kỳ thả tự do cho 758 binh sĩ và cảnh sát
4. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Slovenia, ngày 30/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Slovenia Borut Pahor tại thủ đô Liubliana, thảo luận về tình hình an ninh, kinh tế, cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề cả hai bên cùng quan tâm.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Nga cũng được coi là một phần trong chiến dịch thúc đẩy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu đối với Nga.
Tổng thống Nga Putin (trái) vẫy tay chào người dân trong nghi lễ đón tiếp ở Slovenia, đi bên cạnh là Tổng thống Slovenia Borut Pahor. (ảnh: Reuters). |
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Borut Pahor đã kêu gọi sự đoàn kết giữa hai quốc gia để chống lại những thách thức chung. Ông Putin cho biết, mặc dù Slovenia với vai trò là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc đại tây dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU), có quan điểm khác biệt đối với Nga về nhiều vấn đề, song giờ là thời điểm thích hợp để hai bên thu hẹp bất đồng, cùng đoàn kết để đối phó với những thách thức chung. Ông Pahor cam kết sẽ duy trì tình bạn hữu nghị lâu dài với Nga.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề liên quan giữa Nga và Mỹ cũng như với Liên minh Châu Âu trong bối cảnh các bên đang trong giai đoạn căng thẳng hiện nay.
5. Bộ Quốc phòng Iraq ngày 30/7 cho biết, nhiều thủ lĩnh IS tháo chạy khỏi Mosul cùng gia đình sang Syria trước sự tấn công ồ ạt của Iraq và liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi. (ảnh: FNA). |
Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled al-Obeidi cho biết, ông đã nhận được tin tình báo về những xung đột nội bộ gia tăng trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, đặc biệt là về vấn đề tài chính. Gia đình một số thủ lĩnh của nhóm này đang ở Mosul đã bán tài sản để sang Syria.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã để mất ít nhất một nửa diện tích mà nhóm phiến quân này chiếm được ở Iraq năm 2014. Các vùng đất mà tổ chức Nhà ước Hồi giáo tự xưng nắm quyền kiểm soát ở Syria cũng giảm đáng kể.
Mosul được coi là “thủ đô” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq. Đây là thành phố lớn nhất mà nhóm này kiểm soát kể từ khi tuyên bố thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, Iraq dự định điều động đến 30.000 binh sỹ để giành lại thành phố này.
6. Phó đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Ramzy ngày 31/7 tới thủ đô Damacus gặp các quan chức Syria để thảo luận về tình hình tại Aleppo. Trước chuyến đi Syria của ông Ramzy, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Stafan de Mistura đã đề nghị Nga điều chỉnh kế hoạch của mình để giúp sơ tán hơn 300.000 người rời khỏi Aleppo và tạo thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc.
Cảnh hoang tàn vì giao tranh ở Syria. (ảnh: AP). |
Truyền thông Syria đưa tin, ngày 30/7 hơn 150 người dân trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã được sơ tán khỏi khu vực phía Đông của Aleppo theo những con đường an toàn được Nga và Syria thiết lập vài ngày trước đây.
Trung tướng Nga Sergei Chvarkov, người đứng đầu Trung tâm hòa giải các bên đối đầu tại Syria cùng ngày cho biết, sắp tới quân đội Nga sẽ mở thêm 4 hành lang nhân đạo khác ở Aleppo để giúp dân thường và những phiến quân chọn lựa hạ vũ khí thoát khỏi thành phố đang bị bao vây.
Liên Hợp Quốc đã lên tiếng bày tỏ tỏ sự ủng hộ các kế hoạch của Nga và chính phủ Syria song đề nghị được kiểm soát các hành lang nhân đạo này./. Nga mở thêm nhiều hành lang nhân đạo quanh Aleppo, Syria