Thế giới 24h: Mỹ cảnh báo Trung Quốc sắp cải tạo bãi cạn Scarborough
VOV.VN - Mỹ nhận thấy Trung Quốc đã có những động thái chuẩn bị cho việc cải tạo bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
1. Theo Reuters, thông tin trên được Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các chiến dịch của Hải quân Mỹ đưa ra ngày 17/3.
Ông Richardson cũng bày tỏ lo ngại rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCI) liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông sắp được công bố sẽ bị Trung Quốc lấy cớ để tuyên bố thiết lập một vùng đặc quyền trong khu vực.
Hình ảnh vệ tinh bãi cạn Scarborough. Ảnh AP |
Ông Richardson cho biết, Mỹ đãng chứng kiến những hoạt động mới đây của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách vịnh Subic của Philippines khoảng 200km về phía Tây.
“Tôi cho rằng, chúng tôi đã nhận thấy nhiều tàu của Trung Quốc tham gia các hoạt động khảo sát tại đây. Đó là một điều rất đáng quan ngại… Rất có thể đó là để Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải tạo đảo”, ông Richardson nói.
Đô đốc Mỹ cũng cho biết, hiện vẫn chưa rõ những hành động của phía Trung Quốc gần bãi cạn này có bị cấm theo phán quyết của PCI hay không.
Theo ông Richardson, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa có thể đe dọa đến tự do hàng hải vốn đã được duy trì nhiều thế kỷ nay trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc có thể áp đặt “những quy định” bắt buộc các nước phải được Trung Quốc chấp thuận thì mới được đi qua đó.
2. Cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels trong 2 ngày 17-18/3 sẽ trả lời cho thắc mắc: EU sẽ nhượng bộ đến mức nào trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ?
Trước đó 10 ngày, cuộc họp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 tại Brussels đã phát đi một thông báo gây sửng sốt: đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này sẽ tiếp nhận lại những người tị nạn Syria đã vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp theo nguyên tắc “1 đổi 1”.
Số phận người tị nạn đang rất bấp bênh trước thềm cuộc đàm phán EU- Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters |
Tức là, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại 1 người tị nạn Syria từ đất châu Âu thì châu Âu sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria đang lánh nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng, bên cạnh lời đề nghị được đánh giá là “rất tham vọng” này, Ankara dĩ nhiên không quên đưa ra các ràng buộc. Cụ thể, ngoài khoản 3 tỷ euro mà EU đã hứa giải ngân cho Thổ Nhĩ Kỳ từ trước, Ankara muốn thêm một khoản trợ giúp 3 tỷ euro nữa cho đến năm 2018. Số tiền này, như nhận xét của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan, “hoàn toàn là để trợ giúp những người tị nạn”.
Nhưng chưa hết, ngoài tiền ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn có những nhượng bộ chính trị quan trọng. Nước này muốn EU mở lại các phiên đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu và trước hết là bãi bỏ quy chế visa đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đấu trí về di cư tại hội nghị thượng đỉnh EU
3. Sáng sớm nay (18/3), Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa ra khu vực ngoài khơi phía Đông nước này.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quan chức Hàn Quốc cho biết, sau khi rời bệ phóng, quả tên lửa đã bay được khoảng 800km trước khi rơi xuống biển.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh KCNA |
Vụ phóng tên lửa mới nhất này của Triều Tiên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 15/3 tuyên bố nước này sẽ tiến hành thử nghiệm nổ một đầu đạn hạt nhân và thử các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “trong một thời gian ngắn”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ các cuộc thử nghiệm trên nhằm tăng cường “khả năng tấn công hạt nhân” của Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an LHQ mới đây đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2270, trong đó áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên để ngăn cản chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Mỹ theo dõi sát hành động của Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa
4. Tổng thống Putin khẳng định, dù đang rút quân khỏi Syria nhưng “chỉ trong vài giờ Nga có thể triển khai quân trở lại” quốc gia Trung Đông này.
Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Nga cho biết, thắng lợi về mặt quân sự của Nga tại Syria cho phép ông ra lệnh rút một phần quân đội khỏi nước này.
Các chiến đấu cơ Nga bắt đầu rời Syria về nước. Ảnh RT |
Tổng thống Nga khẳng định, số lượng ít ỏi lực lượng quân đội Nga còn lại ở Syria vẫn đủ sức để hỗ trợ cho quân Chính phủ Syria tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi quan trọng.
“Tôi chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến những thắng lợi quan trọng”, ông Putin nói trước sự chứng kiến của hơn 700 quân nhân và sĩ quan Nga có mặt tại Điện Kremlin ngày 17/3.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, chiến dịch không kích ở Syria cho thấy sức mạnh của quân đội Nga đang gia tăng đáng kể. Theo ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga đã chi khoảng 464 triệu USD cho chiến dịch này. Chi phí này là “hoàn toàn phù hợp và cần thiết”.
Syria: Ngày càng có nhiều nhóm cam kết tuân thủ ngừng bắn
5. Ngày 17/3, trên 150.000 thanh niên, sinh viên trên toàn nước Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối Dự luật Lao động mới.
Cuộc biểu tình được tổ chức theo lời kêu gọi của Liên đoàn sinh viên quốc gia (UNEF) và khoảng 20 tổ chức thanh niên, học sinh trung học Pháp.
Sinh viên Pháp tại Paris xuống đường biểu tình. Ảnh AP |
Cuộc biểu tình này có số người tham gia đông hơn cuộc biểu tình thứ nhất phản đối Dự luật Lao động, diễn ra ngày 9/3.
Theo thống kê của cảnh sát Pháp, riêng tại thủ đô Paris đã có khoảng 9.200 người biểu tình diễu hành từ quảng trường Cộng hòa tới quảng trường Italie. Cuộc biểu tình đã thu hút 3.000 người ở Lyon, 2.700 người ở Rennes, 2.500 người ở Toulouse, 2.200 người ở Bordeaux, 1.300 người ở Grenoble, 1.200 người ở Strasbourg, 2.000 người ở Tours, 1.000 người ở Perpignan, 700 người ở Rodez...
Một số hành vi quá khích đã diễn ra trong biểu tình khiến cảnh sát phải dùng lựu đạn cay. Một số cảnh sát bị thương, 23 người biểu tình bị bắt giữ để thẩm vấn. Cuộc biểu tình khiến Đại học Paris-I, Paris VIII, Bordeaux và Lyon II và 115 trường trung học phải đóng cửa./.