Thế giới 24h: Mỹ điều B-52 đến răn đe Triều Tiên sau vụ thử bom H
VOV.VN- Mỹ ngày 10/1 điều một máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-52 đến Hàn Quốc vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom bom H.
1. AFP dẫn lời giới chức quân đội Hàn Quốc cho biết, siêu pháo đài bay B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã lượn một vòng qua căn cứ Không quân Osan cách biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc khoảng 72km về phía Nam.
Chiếc máy bay B-52 này được 2 chiếc chiến đấu cơ F-15K của Hàn Quốc và 2 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Mỹ hộ tống này sau đó bay tiếp rồi hạ cánh xuống căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.
Siêu pháo đài bay B-52 (giữa) được các máy bay chiến đấu hộ tống. Ảnh AP |
Siêu pháo đài bay B-52 nói trên mang theo các quả tên lửa hạt nhân và bom "xuyên phá boongke" có thể phá hủy các cơ sở hạ tầng ngầm của Triều Tiên.
Quân đội Mỹ cho biết, chiếc máy bay này từng tham gia vào một cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn khiến Triều Tiên hết sức giận dữ. Tuy nhiên, việc Mỹ cho B-52 bay qua Hàn Quốc là điều hiếm khi được Mỹ công bố.
Triều Tiên viện dẫn Iraq và Libya để bảo vệ vụ thử “bom nhiệt hạch”
2. Hải quân Mỹ ngày 9/1 công bố đoạn video đen trắng cho thấy một tàu chiến Iran phóng rocket sát tàu sân bay USS Truman của Mỹ ngày 26/12.
Reuters dẫn lời Hải quân Mỹ cho biết, những hình ảnh từ đoạn video thu được từ radar hồng ngoại trên trực thăng Seahawk cho thấy một chiếc tàu tấn công nhanh gần bờ của Iran đã phóng vài quả rocket sát tàu sân bay USS Truman, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Bulkeley, tàu chiến Pháp FS Provence và một số tàu thương mại gần eo biển Hormuz.
Tàu sân bay USS Truman của Mỹ. Ảnh Hải quân Mỹ |
Hải quân Mỹ khẳng định, những quả rocket do Iran phóng đi rơi xuống khu vực “hàng hải quốc tế”.
Trước đó, ngày 29/12, quân đội Mỹ đã lên tiếng về vụ việc này. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tại thời điểm đó cho rằng, hành đông của Iran là “đầy khiêu khích, liều lĩnh và thiếu chuyên nghiệp”.
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng lên tiếng cho rằng, vụ việc này khiến thế giới hoài nghi về cam kết đảm bao an ninh hàng hải đối với các tuyến thương mại quốc tế trên biển. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tại thời điểm đó cho biết, Iran chỉ thông báo trước về vụ phóng rocket này khoảng 30 phút.
Iran ngày 31/12 đã lên tiếng phủ nhận việc tàu chiến nước này phóng rocket về phía tàu Mỹ. Người phát ngôn Lực lượng Vệ binh Quốc gia Iran khẳng định “những cáo buộc kiểu như thế này là để thực hiện một cuộc chiến tranh tâm lý nhằm vào phía Iran”.
3. Saudi Arabia có thể tiến hành thêm nhiều biện pháp nhằm đối phó với Iran sau khi đã cắt đứt quan hệ với nước này sau vụ tử hình Giáo sĩ Nimr al- Nimr.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đưa ra ngày 9/1 tại cuộc họp báo sau cuộc họp khẩn các Ngoại trưởng của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhằm bàn về những căng thẳng với Iran sau vụ người dân Iran tấn công tòa Đại sứ Saudi Arabia ở nước này để phản đối việc Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al- Nimr.
Các Ngoại trưởng GCC họp bàn về biện pháp đối phó với Iran sau vụ tử hình Giáo sĩ Nimr al- Nimr. Ảnh Reuters |
“Chúng tôi đang xem xét tiến hành thêm các biện pháp đối phó với Iran nếu nước này tiếp tục theo đuổi chính sách hiện nay của mình”, ông Jubeir tuyên bố.
“Tình hình leo thang căng thẳng là do Iran chứ không phải Saudi Arabia hay GCC gây ra. Chúng tôi đang cân nhắc động thái của Iran và tiến hành thêm các bước đi nhằm đối phó với nước này. Mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong tương lai”, ông Jubier nói.
Trong khi đó, Iran khẳng định, Saudi Arabia mới là nước có lỗi trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này.
Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban ki-moon, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên tiếng phản đối “hành vi khiêu khích của Saudi Arabia” nhằm vào Iran.
Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh lên tiếng về căng thẳng Saudi Arabia-Iran
4. Vụ tấn công khủng bố sáng 9/1 này đã khiến khiến Giám đốc cơ quan an ninh quận Munib Đại tá Aly Fahmy và một cảnh sát thiệt mạng.
Tối cùng ngày, nhóm vũ trang tự xưng là chi nhánh của IS ở Ai Cập, đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khủng bố nói trên ở tỉnh Giza, một trong hai tỉnh hợp thành thủ đô Cairo,
Cảnh sát Ai Cập có mặt trên đường phố Cairo sau một vụ tấn công khủng bố. Ảnh Reuters |
Thông báo của nhóm này cho biết, vụ tấn công được thực hiện bằng vũ khí hạng nhẹ, nhằm vào đoàn xe cảnh sát gồm 3 chiếc ở phía Nam Cairo.
Trước đó, Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo, vụ tấn công đoàn xe cảnh sát đã khiến Giám đốc cơ quan an ninh quận Munib, Đại tá Aly Fahmy cùng một cảnh sát thiệt mạng. Đoàn xe của Đại tá Fahmy bị tấn công khi đang trên đường di chuyển tới nơi làm việc.
5. Giới chức Ukraine tố cáo Nga chặn xe chở hàng hóa của nước này đến các nước khác sau khi Nga và Ukraine công bố các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine Kristina Nikolayeva ngày 9/1 cho biết: “Việc vận chuyển hàng hóa của Ukraine qua Nga vẫn chưa được thông” và Nga đã ngăn chặn việc này từ đầu năm nay.
Hàng đoàn xe chở thực phẩm từ Ukraine đang chờ được thông quan ở Nga. Ảnh RT |
Theo Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine, kể từ ngày 1/1, theo quy định mới của Nga, hàng hóa của Ukraine đên Trung Á hoặc Trung Quốc chỉ có thể vào Nga qua Belarus. Ngoài ra, các thùng hàng phải được niêm phong cẩn thận để tránh việc bị mở lén lút tại Nga.
Bà Nikolayeva tố cáo, Nga công bố quy định mới về việc vận chuyển hàng hóa của Ukraine nhưng lại không hề giải thích về việc quy định này được thực thi như thế nào.
“Họ đưa ra những quy định nói trên nhưng không hề nêu rõ cơ chế thực thi những quy định đó ví dụ như hàng phải được niêm phong như thế nào, kiểm soát ra sao và Nga không cho phép xe tải chở hàng của Ukraine đi qua biên giới nước này” bà Nikolayeva nói.
Cũng theo bà Nikolayeva: “Tại thời điểm này, chúng tôi khuyến cáo những nhà cung cấp thực phẩm của mình không đưa hàng qua Nga”./.