Thế giới 24h: Mỹ gia tăng sức ép với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân
VOV.VN - Mỹ tuyên bố hợp tác với các đồng minh để “khiến Triều Tiên ngày càng cô lập” và buộc nước này phải tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa của mình.
1. Mỹ và Hàn Quốc hôm nay đàm phán về việc đưa các loại vũ khí chiến lược của Mỹ đến bán đảo Triều Tiên. Truyền thông Hàn Quốc cho biết, những loại vũ khí chiến lược mà Mỹ định đưa đến khu vực bán đảo Triều Tiên bao gồm máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và tàu ngầm hạt nhân.
Máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hàn Quốc hôm 10/1. (Ảnh: U.S. Pacific Command) |
Việc đàm phán diễn ra trong bối cảnh, Mỹ một ngày trước đó vừa điều máy bay ném bom B-52 bay qua Hàn Quốc để răn đe Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch của nước này tuần trước.
Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã tăng số lượng các chương trình phát thanh tuyên truyền ở toàn bộ 11 địa điểm tại khu vực biên giới nhằm đáp trả việc Seoul có hành động tương tự.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm nay thông báo, Chính phủ nước này đã áp đặt hạn chế tiếp cận sâu với khu công nghiệp chung Kaesong. Theo đó, Hàn Quốc sẽ giới hạn số lượng công dân nước này vào khu công nghiệp chung Kaesong chỉ ở mức “tối thiểu cần thiết”.
Dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 13/1 sẽ có bài phát biểu trước người dân nước này trong đó khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên - Hàn Quốc "đấu" loa tuyên truyền dọc biên giới
Mỹ quyết cô lập Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch
2. Cũng liên quan đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Reuters hôm nay đưa tin, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra nồng độ phóng xạ cho hơn 500 người sau sự việc Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công vụ thử hạt nhân thứ 4 vào tuần trước.
Hình ảnh vệ tinh một bãi thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, hơn 500 người đã được kiểm tra phóng xạ, trong đó khoảng 350 người ở dọc biên giới, với 37 trạm quan trắc cố định và 14 trạm lưu động.
Những hình ảnh được Bộ Môi trường Trung Quốc công bố trên trang web chính thức cho thấy, xe kiểm tra phóng xạ được điều đến khu vực biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên nhưng bộ này “về cơ bản” đã loại trừ khả năng vụ thử của Triều Tiên gây ra ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc sinh sống ở khu vực biên giới; đồng thời cho biết chưa phát hiện điều gì bất thường.
Bộ Môi trường Trung Quốc cũng tiến hành kiểm tra phóng xạ trong cả không khí, đất và tuyết, đồng thời sẽ tiếp tục công tác kiểm tra và duy trì cơ chế ứng phó khẩn cấp hiện tại.
Trung Quốc kiểm tra phóng xạ ở khu vực biên giới với Triều Tiên
3. Theo thông báo mới nhất từ cảnh sát Đức, số vụ tấn công, cướp và quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua tại thành phố Cologne, Đức đã tăng lên 516 trường hợp, trong đó 40% vụ việc liên quan đến các vụ tấn công tình dục.
Con số này tăng mạnh so với 379 trường hợp được công bố trước đó. Các kẻ tình nghi liên quan đến loạt vụ việc đa phần là người xin tị nạn và người di cư bất hợp pháp.
Một nghi phạm trong vụ gây rối ở Cologne bị bắt giữ. (Ảnh: Getty) |
Các vụ tấn công xảy ra trong đêm Giao thừa khi hàng trăm thanh niên quây kín, tấn công, cướp và quấy rối, thậm chí cưỡng bức phụ nữ, đang khiến cả nước Đức rúng động.
Cảnh sát Cologne bị chỉ trích nặng nề vì đã không triển khai lực lượng để kịp thời xử lý vụ việc, trong khi trong ngày 1/1, lực lượng này còn thông báo trên mạng xã hội rằng người dân thành phố đã được đón một đêm Giao thừa trong thanh bình.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố Cologne đã mất chức sau vụ việc trên. Chính sách mở cửa đối với người di cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã bị chỉ trích nặng nề sau các vụ gây rối này. Vụ việc còn làm dấy lên những ý kiến phản ứng và biện pháp đối phó tại nhiều nước.
Các vụ tấn công tình dục ở Đức: Có bàn tay của các băng nhóm tội phạm?
4. Một đoàn xe cứu trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc đã sẵn sàng khởi hành tới thị trấn Madaya, khu vực đang bị kẹt trong vòng chiến sự của Syria để cung cấp hàng cứu trợ cho hàng nghìn người dân được cho là đang trên bờ vực của nạn đói tại đây.
Đây là khẳng định của người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, bà Melissa Fleming.
Hình ảnh những người dân Syria thiếu đói ây sự chú ý mạnh của cộng đồng quốc tế. (Ảnh: theguardian) |
Theo người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong ngày hôm nay, đoàn xe của Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu cuộc hành trình tới Syria.
Hình ảnh về những người dân thiếu đói, gầy gò do thiếu ăn tại thị trấn Madaya của Syria được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã gây sự chú ý mạnh của cộng đồng quốc tế.
Tổ chức Các bác sĩ không biên giới (MSF) đã mô tả tình hình tại thị trấn Madaya là “rất kinh khủng”. Theo ước tính của tổ chức này, cứ 250 người sinh sống tại đây lại có 10 người cần được trợ giúp y tế khẩn cấp nếu không họ sẽ chết.
Kinh hoàng: Phiến quân IS hành quyết mẹ ruột ở Syria
5. Bộ Quốc phòng Canada hôm nay tuyên bố sẽ triển khai khoảng 200 cố vấn quân sự tới Ukraine để tiến hành hoạt động huấn luyện các sỹ quan và binh sỹ Ukraine trong khuôn khổ chương trình Unifier.
Tuyên bố nêu rõ, từ nay cho đến cuối tháng 1/2016, nhóm đầu tiên khoảng 200 binh sỹ từ Lữ đoàn cơ giới số 5 của Canada có trụ sở tại Valcartier, tỉnh Quebec, Canada sẽ đến Ukraine, để thực hiện chương trình Unifier. Chương trình này giúp đào tạo cho binh sỹ Ukraine các kỹ năng chiến đấu cơ bản.
Binh sỹ quân đội Ukraine. (Ảnh: AFP) |
Theo Bộ Quốc phòng Canada, Lữ đoàn cơ giới số 5 sẽ thay thế Lữ đoàn cơ giới số 2 của Canada thực hiện công tác huấn luyện ở Ukraine từ tháng 8/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenney cho biết, phái đoàn này được triển khai theo yêu cầu của Chính phủ Ukraine, có nhiệm vụ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ nước này đảm bảo hòa bình, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Kenney nhấn mạnh, các nhân viên này sẽ không tham gia hỗ trợ quân đội Ukraine cho các nhiệm vụ chiến đấu trên thực địa.