Thế giới 24h: Nga-Mỹ “đối đầu” dữ dội về hệ thống tên lửa ở châu Âu
VOV.VN - Hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại châu Âu đã chính thức kích hoạt, bất chấp những cảnh báo từ Nga.
1. Tại Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam nước này vừa được Mỹ khởi động.
Binh sĩ Mỹ duyệt binh trước lễ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania. Ảnh AP
Hệ thống bao gồm một radar cảm biến mạnh, các thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị liên lạc. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng bảo vệ lãnh thổ Romania trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Ông Robert Bell, đặc phái viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO, khẳng định, “bước đi này là để đối phó với Iran chứ không nhằm vào Nga”.
Thế nhưng, chắc chắn Nga không nghĩ như vậy. Nga đã phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này mới được đề xuất. Bộ Ngoại giao Nga khi đó đã lên tiếng phản ứng rằng hành động này đã “vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF)” được Liên Xô và Mỹ ký kết vào năm 1987.
Thư ký báo chí của tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố: “Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thực sự là mối đe dọa đối với an ninh của Liên bang Nga … Các biện pháp nhất định được thực hiện để đảm bảo mức độ an ninh cần thiết cho nước Nga".
Và khi hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại châu Âu chính thức được “kích hoạt” thì cũng là thời điểm nước Nga hiện thực hóa phản ứng của mình bằng việc hoàn tất hệ thống tên lửa thế hệ mới có thể vô hiệu hóa “lá chắn tên lửa” này.
Nga cáo buộc lá chắn tên lửa Mỹ vi phạm hiệp ước hạt nhân
2. Mô hình Chính phủ cánh tả Brazil vốn được tán dương như “làn gió mới” ở Mỹ Latin ngày 12/5 sụp đổ sau khi Thượng viện nước này bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, đồng nghĩa với việc bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ trong vòng 6 tháng để phục vụ công tác điều tra các cáo buộc vi phạm điều hành, quản lý đất nước.
Bà Dilma Rousseff. Ảnh Reuters
Chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội, toàn bộ Nội các của bà Rousseff bị giải tán. Không lâu sau đó, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức trở thành Tổng thống lâm thời nước này.
Tuyên bố sau khi trở thành Tổng thống lâm thời Brazil, ông Temer kêu gọi người dân Brazil tin tưởng vào giá trị của đất nước và tiềm năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh Brazil đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 80 năm qua.
Ông Temer nói: “Đó là việc làm khẩn cấp để làm yên lòng người dân và thống nhất Brazil”.
Trong khi đó, Tổng thống bị đình chỉ chức vụ của Brazil Dilma Rousseff cáo buộc cuộc bỏ phiếu này là “một cuộc đảo chính” không chỉ nhằm lật đổ bà mà còn đi ngược lại ý chí của cử tri Brazil.
Ông Temer lên làm Tổng thống tạm quyền Brazil trong sự hoài nghi
3. Ngày 12/5, Chính phủ Pháp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo kiến nghị của phe đối lập.
Phe cánh hữu đối lập không giành được số phiếu quá bán tại Quốc hội để có thể lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls. Chỉ có 246 nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý với đệ trình bất tín nhiệm đối với Chính phủ Pháp của Thủ tướng Manuel Valls do các đảng cánh hữu đối lập là Những người Cộng hòa (LR) và Liên minh dân chủ độc lập (UDI) đưa ra.
Chính phủ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập. Ảnh Reuters |
Con số này kém xa số phiếu ít nhất là 288 mà phe cánh hữu cần phải có nếu muốn trừng phạt Chính phủ của ông Valls vì đã sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật Lao động El Khomri mà không cần đến việc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Kết quả này không bất ngờ bởi trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các nhà phân tích chính trị Pháp đều nhận định khả năng Chính phủ của Thủ tướng Valls bị bãi nhiệm là rất thấp, thậm chí gần như không có, bởi tổng số các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt không thể đạt con số 288.
Cụ thể, toàn bộ các nghị sĩ của Đảng LR (196) và gần như toàn bộ nghị sĩ của UDI (27 trên 30) đã bỏ phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm. Con số còn lại đến từ các đảng khác như Mặt trận cánh tả (FdG), Đảng Xanh (EELV) hay Mặt trận quốc gia (FN).
Với việc cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thất bại tại Quốc hội, giờ đây dự luật Lao động El Khomri coi như đã vượt qua “vòng” Quốc hội và sẽ được chuyển tiếp lên xem xét tại Thượng viện Pháp và gần như chắc chắn sẽ sớm được ban hành.
Anh tuyên bố ngăn chặn máy bay Nga ở vùng Baltic
4. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa người di cư quay trở lại các nước EU nếu Nghị viện châu Âu không cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen.
Tuyên bố mới nhất này của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khiến thỏa thuận giữa nước này và EU ký hồi tháng 3 liên quan đến người di cư đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ.
Việc giải quyết vấn đề người tị nạnđang được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để gây sức ép buộc EU thực hiện đúng cam kết của mình. Ảnh AP |
Trong tuyên bố sau phiên họp của Nghị viện châu Âu, trong đó có thảo luận về việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Schengen theo một phần của thoả thuận nhập cư ký giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Burhan Kuzu- Phó Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển (AKP)- đe doạ sẽ "nhấn chìm" châu Âu bằng dòng chảy của hơn 2 triệu người di cư đến từ Bắc Phi và Trung Đông đang mắc kẹt tại các khu trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ khi nói rằng, nếu cảnh cửa Thổ Nhĩ Kỳ mở ra, châu Âu sẽ vô cùng khốn khổ.
Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng gia tăng sức ép và cảnh báo rút khỏi thỏa thuận với EU nếu vấn đề miễn thị thực không được giải quyết. Trước đó, ngày 10/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ muốn EU triển khai việc miễn thị thực cho công dân nước này muộn nhất là tháng 10 tới, tức là gia hạn thêm bốn tháng so với yêu cầu ban đầu.
Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện cam kết về vấn đề nhập cư và giờ đến lượt EU thể hiện trách nhiệm của mình. Đặc biệt liên quan đến luật chống khủng bố, một trong những điều kiện mà EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi nếu muốn công dân nước này được tự do đi lại trong khối Schengen, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, nếu muốn Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi, thì EU mới là bên phải thay đổi luật chống khủng bố của mình trước.
EU kiểm soát biên giới khối Schengen thêm 6 tháng
5. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan và tỷ phú Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ và thống nhất mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ứng viên Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Tuy nhiên, cả 2 bên đánh giá kết quả của cuộc gặp khá tích cực.
Tý phú Trump đã nhận được sự ủng hộ "quý như vàng" của quan chức hàng đầu Đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Ảnh Reuters |
Thông cáo chung đưa ra sau cuộc gặp trên cho biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Ryan và ứng viên Tổng thống Trump thừa nhận một số khác biệt những xác định mục tiêu chung quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu sau cuộc gặp, ông Ryan bày tỏ tin tưởng rằng 2 bên đã thu hẹp được khoảng cách về mặt quan điểm để đảm bảo vận động chính trị vì những nguyên tắc cốt lõi chung của Đảng Cộng hòa.
“Câu hỏi đặt ra là chúng tôi cần phải làm gì để đoàn kết Đảng Cộng hòa. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất hữu ích và đáng khích lệ. Chúng tôi đã nói về những khác biệt nhưng quan trọng hơn là thảo luận về nguyên tắc cốt lõi bó buộc chúng tôi với nhau”, ông Ryan nói.
Vì sao Mỹ chọn Đá Chữ Thập để thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông?