Thế giới 24h: Tổng thống Putin nói gì về thỏa thuận ngừng bắn Syria
VOV.VN - Tổng thống Nga Valdimir Putin cho biết, Nga và Mỹ đã sẵn sàng đưa ra một cơ chế kiểm soát để đảm bảo việc tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Syria.
1. Bộ Ngoại giao Mỹ đêm 22/2 thông báo, nước này và Nga đã đạt được thoả thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực bắt đầu từ 0h ngày 27/2 tới đây.
Theo thoả thuận, lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực với tất cả các bên chấp nhận thoả thuận, trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận al-Nusra, hai nhóm vũ trang bị liệt vào danh sách khủng bố.
Các binh sĩ phe đối lập tại Syria. (Ảnh Reuters). |
Bên cạnh đó, thoả thuận cũng quy định việc máy bay chiến đấu của Nga không được tấn công các mục tiêu quân nổi dậy Syria, trừ hai nhóm khủng bố kể trên.
AFP ngày 22/2 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ làm “bất kỳ điều gì cần thiết” để đảm bảo Chính quyền Damascus tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga và Mỹ đã sẵn sàng đưa ra một cơ chế kiểm soát hiệu quả để đảm bảo việc tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn, thêm vào đó, đường dây thông tin liên lạc trực tiếp và một nhóm làm việc để trao đổi thông tin, nếu cần thiết, cũng sẽ được thiết lập”.
Theo ông Putin, thỏa thuận ngừng bắn “là kết quả làm việc với cường độ cao của các nhóm chuyên gia Nga và Mỹ”, sự hợp tác này dựa trên những kinh nghiệm có được sau thỏa thuận Nga – Mỹ về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria được ký kết vào tháng 9/2013.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP). |
Về phía Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/2, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, đã hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được. Dù thừa nhận rằng, rất khó có thể thực thi thỏa thuận ngừng bắn song nhấn mạnh, đây là “khoảnh khắc quan trọng" và Mỹ sẽ nỗ lực hiện thực hóa thỏa thuận này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngay lập tức đã hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được. Ông đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận.
Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cũng đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn về Syria. Phát biểu trước báo giới, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus nhấn manh: ”Một thỏa thuận ngừng bắn sẽ là những diễn biến tích cực đối với chúng ta. Chúng tôi hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn này sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực”.
2. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 22/2 tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến công du Mỹ trong 3 ngày 23-25/2 với trọng tâm bàn về tình hình Triều Tiên và Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và ông Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh Reuters. |
Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ sắp xếp các cuộc thăm viếng và đối thoại cấp cao trong năm 2016, trao đổi về việc hợp tác cũng như cách giải quyết những vấn đề nhạy cảm nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương một cách bền vững thông qua chuyến thăm này”.
Liên quan đến việc Liên Hợp Quốc dự định áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa, bà Hoa Xuân Doanh cho biết: “Trung Quốc và Mỹ hy vọng sẽ trao đổi quan điểm của mình về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm của ông Vương Nghị” và nói thêm rằng, cả 2 bên đều đã liên lạc với nhau để trao đổi về vấn đề này.
Theo bà Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc ủng hộ việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra một nghị quyết mới đầy mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên và kêu gọi các bên cần kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng. Thế giới 7 ngày: Triều Tiên phóng tên lửa, quốc tế phản ứng gay gắt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi các bên tiến hành đối thoại và thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trả lời câu hỏi về thông điệp mà Trung Quốc sẽ gửi đến Mỹ liên quan đến tình hình Biển Đông, bà Hoa Xuân Doanh tuyên bố, Mỹ cần tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông và ngừng ngay việc làm trầm trọng hóa vấn đề hoặc làm leo thang căng thẳng.
Bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, Mỹ không phải là bên có tranh chấp ở Biển Đông nên vấn đề Biển Đông không nên trở thành vấn đề chung giữa Mỹ và Trung Quốc.
3. Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) ngày 22/2 đã thành lập một đơn vị mới chuyên trách đối phó với hoạt động đưa người nhập cư bất hợp pháp.
Những di dân vượt biển đến Italy. (ảnh: AFP). |
Trung tâm mới được thành lập này có trụ sở đặt tại La Hay, Hà Lan, sẽ giúp các thành viên Liên minh châu Âu tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác.
Giám đốc Cảnh sát Liên minh châu Âu Rob Wainwright cho biết sẽ thảo luận để hợp tác sâu hơn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phần lớn người tị nạn chọn làm điểm khởi hành hướng tới châu Âu.
Quyết định thành lập đơn vị mới này của Cảnh sát Liên minh châu Âu đưa ra sau một quyết định của các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu vào tháng 11/2015.
Trung tâm mới này sẽ tập trung vào các điểm nóng tội phạm tùy theo khu vực địa lý, cũng như kết nối việc xây dựng năng lực tốt hơn giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống lại các mạng lưới buôn người. Đây là một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn chạy trốn xung đột và nghèo đói đổ về châu Âu.
4. Ngày 22/2, Nga đã yêu cầu phía Mỹ cho phép nước này đưa máy bay giám sát trang bị camera số hiện đại bay trên bầu trời Mỹ.
Máy bay Antonov An-30 được Nga sử dụng để thực hiện các chuyến bay giám sát bầu trời các nước theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh Không quân Nga. |
Theo AP, yêu cầu của phía Nga vấp phải phản ứng của các quan chức quân sự Mỹ bởi họ cho rằng, điều này sẽ tạo điều kiện để Nga thu thập các thông tin tình báo về Mỹ.
Trước đó, ngày 21/2, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nước tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở chưa nhận được thông báo từ phía Nga. Chính vì vậy, Nga chỉ có thể làm được điều này vào mùa Hè năm nay bởi Hiệp ước này yêu cầu nước muốn thực hiện các chuyến bay giám sát phải báo trước cho các nước khác 120 ngày trước khi thực hiện chuyến bay của mình.
Hồi tháng 12/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Rose Gottemoeller đã lên tiếng trấn an những quan ngại về các chuyến bay giám sát của Nga và khẳng định, những gì Nga thu được từ hoạt động này “không đáng gì” so với những gì họ thu thập được từ những hoạt động khác. Chiêm ngưỡng những chiến đấu cơ tốt nhất của Không quân Nga
Dù vậy, các quan chức quân sự và tình báo Mỹ vẫn bày tỏ hết sức quan ngại về việc này: “Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra vì mục đích khác”, Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về yêu cầu của phía Nga: “Tôi rất lo ngại về việc Hiệp ước này được áp dụng như thế nào trong trường hợp này”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cũng phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng: “Chúng tôi cho rằng, những gì họ [Nga] sắp làm vượt quá ý định ban đầu của Hiệp ước này và chúng tôi sẽ theo rất sát việc này”.
5. Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 22/2, tuyên bố sẽ triển khai 9.000 binh sỹ hỗ trợ công tác phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika gây ra, đồng thời kêu gọi người dân nước này tích cực tham gia chiến dịch tiêu diệt muỗi vằn – vật trung gian truyền loại virus này.
Cuba tuyên bố sẽ triển khai 9.000 binh sỹ hỗ trợ công tác phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika gây ra. (ảnh: Reuters). |
Trong thông điệp đăng tải trên tờ nhật báo Granma, chủ tịch Cuba Raul Castro cho biết, không có trường hợp nào nhiễm Zika xuất hiện tại Cuba tính đến thời điểm hiện tại.
Theo kế hoạch hành động phòng ngừa dịch Zika, lực lượng vũ trang cách mạng Cuba sẽ triển khai hơn 9.000 binh sỹ, để tăng cường các nỗ lực kiểm soát và vệ sinh phòng trách dịch bệnh.
Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng hối thúc người dân cùng các cơ quan, tổ chức tại nước này tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về y tế và thực hiện các biện pháp y tế để ngăn chặn lây nhiễm virus Zika.
6. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/2 cho biết, nước này và Mỹ vừa hoãn đối thoại về triển khai hệ thống THAAD tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. (Ảnh minh họa: UPI). |
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chuẩn bị đối thoại với người đồng cấp Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch ký kết một thỏa thuận trong ngày 23/2 về việc thành lập một nhóm làm việc chung để giám sát việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến của Mỹ ở Hàn Quốc.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết, thỏa thuận này đã bước vào giai đoạn cuối cùng nhưng đã bị hoãn lại.
Quyết định hoãn đối thoại diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 23/2./.