Thế giới 24h: Vụ đánh bom kinh hoàng ở Thái Lan có thêm diễn biến mới
VOV.VN - Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận ngày hôm nay (19/8) tiếp tục là vụ đánh bom ở Bangkok khiến nhiều người tử vong.
1. Không loại trừ yếu tố Duy Ngô Nhĩ và nhóm hoạt động
Cảnh sát Thái Lan không loại trừ khả năng, những người Duy Ngô Nhĩ bị Thái Lan trả về Trung Quốc vào tháng 7 vừa qua đã tiến hành vụ đánh bom này để trả thù.
Nghi phạm mặc áo vàng xuất hiện trong camera giám sát tại hiện trường vụ nổ đầu tiên ở Bangkok. Ảnh Reuters |
Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Thái Lan ông Werachon nhấn mạnh: “Trong cả hai vụ này, các quả bom đều sử dụng chất nổ TNT”.
Tư lệnh cảnh sát Thái Lan cũng vừa cho hay, vụ đánh bom làm chết 20 người ở Bangkok vào hôm 17/8 là do một “mạng lưới” tiến hành.
Cảnh sát trưởng Somyot Poompanmoung nói với hãng tin AP rằng vụ tấn công ngôi đền là “tác phẩm” của ít nhất 2 người trở lên. Ông Poompanmoung nói: “Chắc chắn y không thể một mình thực hiện vụ đánh bom... Đó phải là một mạng lưới”.
2. Xác định và công bố chân dung nghi phạm vụ nổ bom ở Bangkok
“Gã thanh niên mặc áo vàng đó không chỉ là nghi phạm mà hắn chính là kẻ đánh bom ở Bangkok”, người phát ngôn Cảnh sát Thái Lan Prawut cho biết.
Theo AP, cảnh sát Thái Lan ngày 18/8 đã lên tiếng khẳng định người đàn ông xuất hiện trong video do camera giám sát ghi lại chính là kẻ thực hiện vụ đánh bom này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ người đàn ông này đang ở đâu.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã lên tiếng khẳng định: “Đã từng có những vụ đánh bom nhỏ lẻ ở Thái Lan nhưng lần này, kẻ đánh bom đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội và muốn hủy hoại cả nền kinh tế và du lịch của đất nước này”, ông Prayuth nói.
Ông Prayuth cũng cam kết, Chính phủ Thái Lan sẽ “nỗ lực điều tra để tìm ra kẻ thủ ác và buộc hắn phải đối diện với công lý”.
Cảnh sát Thái Lan ngày 19/8 đã công bố chân dung nghi phạm vụ đánh bom ở Bangkok cùng mức thưởng 1 triệu Baht cho ai cung cấp thông tin về hắn.
Thông tin mới nhất cho biết, cảnh sát Thái Lan hiện cũng đang lấy lời khai của người lái xe ôm mà nghi phạm đã thuê khi rời khỏi hiện trường.
Trước đó, cảnh sát đã cho công bố đoạn video ghi được hình ảnh một người đàn ông trẻ trung, vóc người cao to, mặc một chiếc áo phông màu vàng và quần cộc tối màu, đang đi bộ vào đền Erawan, đằng sau lưng anh ta có đeo một chiếc ba lô.
3. Quốc hội Tây Ban Nha nhất trí ủng hộ gói cứu trợ cho Hy Lạp
Với 297 phiếu ủng hộ, 20 phiếu chống, Quốc hội Tây Ban Nha hôm 18/8 đã bỏ phiếu ủng hộ gói cứu trợ tài chính thứ 3 dành cho Hy Lạp.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos nói rằng, mặc dù ông từng chỉ trích chính phủ Hy Lạp chậm chễ trong việc đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, song khẳng định luôn ủng hộ Athens.
Ông Guindos nói: “Chính phủ Tây Ban Nha luôn ủng hộ Hy Lạp. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã ủng hộ gói cứu trợ thứ ba cho Athens. Trên tất cả, chúng tôi luôn dành sự hỗ trợ lâu dài cho Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung euro. Cần phải nhớ rằng, là một phần của Liên minh tiền tệ sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng song nó cũng đòi hỏi những trách nhiệm đi kèm. Tôn trọng các quy tắc mà chúng ta thiết lập chính là chìa khóa cho sự thành công của dự án tiền tệ lịch sử này”.
4. Thông tin sốc về trẻ em Anh
Trẻ em Anh không mấy vui khi ở trường. Ảnh: Corbis. |
Trẻ em Anh không mấy hạnh phúc và chỉ có trẻ em Hàn Quốc là kém hạnh phúc hơn trẻ em Anh. Nhiều trẻ em Anh bị bắt nạt ở trường.
Trong 15 quốc gia được khảo sát, trẻ em Anh kém hài lòng với cuộc sống hơn trẻ em ở 13 nước khác trên thế giới. Về mức độ vui vẻ, trẻ em Anh chỉ “khá” hơn trẻ em ở Hàn Quốc.
Theo điều tra của tổ chức Children’s Society, trẻ em Romania là hạnh phúc nhất, trẻ em Colombia xếp thứ nhì.
Theo kết quả điều tra, về sự tự tin nói chung, trẻ em Anh xếp thấp nhất trong 15 quốc gia trong diện khảo sát.
Ngoài ra cuộc điều tra cũng cho thấy có gần 4 trong 10 học sinh tuổi 10-12 ở Anh bị bắt nạt về thể xác trong tháng qua và một nửa số học sinh Anh cảm thấy mình bị cho ra rìa ở trường học.
Học sinh Anh cũng chịu áp lực lớn từ chương trình học và thi cử, khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng.
5. Nga - Mỹ- Ukraine đấu khẩu về giao tranh ở miền Đông
Mỹ, Nga và Ukraine ngày 18/8 đã tranh cãi gay gắt về tình hình leo thang bạo lực ở miền Đông và cảnh báo chiến tranh có thể quay trở lại.
Theo AFP, những tranh cãi nói trên diễn ra ngay sau khi Kiev và phe đối lập đưa ra thông tin đã có 10 binh sĩ Ukraine và thường dân thiệt mạng trong các vụ giao tranh mới nhất tại miền Đông nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng khẳng định Kiev phải chịu trách nhiệm về tình hình bất ổn hiện nay tại miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Ukraine Vladyslav Seleznyov cáo buộc: “Nga đang cố tình gây thêm sức ép cho Ukraine” và “phe đối lập không muốn tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thì khẳng định: “Không thể nhầm lẫn được việc ai phải chịu trách nhiệm trong việc này- Nga và phe đối lập tại miền Đông Ukraine đang tiến hành những vụ tấn công nhằm làm leo thang căng thẳng tình hình tại đây”.
Để đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tuyên bố của ông Kirby đồng nghĩa với việc “Bộ Ngoại giao Mỹ đồng lõa trong việc quân đội Ukraine tấn công phe đối lập tại miền Đông”.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo Pháp, Đức và Ukraine dự kiến có cuộc họp đầu tuần tới tại Berlin (Đức) nhằm tìm ra một giải pháp giúp chấm dứt làn sóng bạo lực tại Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, tình hình rất đáng lo ngại. Các chiến dịch quân sự cần phải dừng ngay lập tức và rút vũ khí ra khỏi khu vực. Các bên cũng cần xem xét những điều kiện cho các cuộc bầu cử tại khu vực Donbass./.