Thế giới 24h: Ý định của Nga gây bất ngờ khi tăng phòng thủ ở Belarus
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố ủng hộ việc thành lập một căn cứ không quân, gia tăng phòng thủ tại nước láng giềng Belarus.
1.Theo đó, ông đã đồng ký với một đề xuất của chính phủ về việc ký thỏa thuận mở căn cứ không quân tại Belarus. Ông Putin đồng thời yêu cầu giới chức Ngoại giao và Quốc phòng Nga bắt đầu thảo luận với Belarus về vấn đề này.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Lukashenko trong một cuộc gặp năm 2012 (Ảnh: CNTV) |
Dự kiến kế hoạch này của Nga sẽ không vấp phải rào cản đáng kể nào. Đây là kế hoạch mới nhất về triển khai quân đội ra nước ngoài của Nga.
Theo Lenta, năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga từng thông báo về khả năng đưa các chiến đấu cơ Su-27 tới một sân bay quân sự thuộc thành phố Bobruisk của Belarus. Máy bay Su-27 của Nga cũng được cho là đã có mặt tại căn cứ không quân ở Baranovichi.
Việc Nga bất ngờ gia tăng phòng thủ ở quốc gia đồng minh Belarus có thể coi là biện pháp phòng ngừa khi Mỹ cũng tiến hành xây dựng căn cứ quân sự mới ở Ba Lan, cửa ngõ của nước Nga.
Tổng thống Nga có mặt tại cuộc tập trận gần biên giới với Kazakhstan
2. Ngoại trưởng Mỹ 19/9 đã nêu giải pháp sẽ “nhờ” Nga và Iran thuyết phục ông Bashar al-Assad chấp nhận một cuộc chuyển giao chính trị ở Syria.
Ông Kerry nói điều này trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Anh Philip Hammond tại London. Hai người đều cho rằng, tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi thì cuộc khủng hoảng di cư hiện nay sẽ sớm được giải quyết.
Ngoại trưởng Mỹ gặp người đồng cấp Anh tại London. (ảnh: Reuters) |
Thế trận bất ngờ thay đổi khi Washington ủng hộ Moscow tham gia vào cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Căn nguyên của điều này một phần do cuộc khủng hoảng di dân ngày càng mất kiểm soát tại quốc gia ngập chìm trong nội chiến Syria.
Tuần trước, Tổng thống Syria Basa al-Assad tuyên bố sẽ không từ chức trừ phi người dân Syria muốn ông làm điều đó thông qua bầu cử.
Mỹ và phương Tây nói rằng cuộc khủng hoảng chính trị và di dân ở Syria là do chính phủ của Tổng thống Syria gây ra. Còn Nga quyết tâm bảo vệ ông Assad.
Hôm 18/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Tổng thống Mỹ Barack Obama tán thành giải pháp đối thoại quân sự với Nga về tình hình Syria và coi đó là “rất quan trọng”, cần sớm diễn ra.
3. Các cử tri Hy Lạp hôm nay (20/9) bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử lần thứ hai kể từ đầu năm, nhằm bầu ra một chính phủ mới thực hiện gói cứu trợ thứ 3 như đã nhất trí gần đây với các chủ nợ quốc tế.
Poster của đảng cựu Thủ tướng Hy Lạp Tsiprat. (ảnh: EPA) |
Khoảng 9,8 triệu công dân từ 18 tuổi trở lên đăng kí tham gia bỏ phiếu tại hơn 19.000 điểm trên toàn quốc. Một số hãng thăm dò cho rằng, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu có thể đạt trên 45% do cử tri mệt mỏi và có tâm lí thất vọng.
Cuộc bầu cử ở Hy Lạp được dư luận quốc tế theo dõi chặt bởi đảng thắng cuộc sẽ phải tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng theo như yêu cầu mà các chủ nợ đưa ra trong gói cứu trợ 86 tỷ ơrô. Nhiệm vụ trước mắt cuả tân chính phủ là tái cấp vốn cho các ngân hàng, nới lỏng lệnh kiểm soát vốn từng áp đặt vào tháng 6 vừa qua nhằm ngăn tình trạng người dân ồ ạt rút tiền.
Bất trắc hiện hữu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp
4. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay (20/9) bắt đầu chuyến thăm Moscow (Nga) trong 4 ngày. Chuyến thăm của Ngọai trưởng Kishida nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản vào cuối năm nay của Tổng thống Nga Vladimia Putin.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. (ảnh: Japan Times) |
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Kishida sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và hi vọng hai bên sẽ đề cập khả năng nối lại đối thoại cấp bộ trưởng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Đàm phán về các vùng lãnh thổ tranh chấp đã bị bế tắc từ tháng 1 năm ngoái và Nga đến nay vẫn từ chối nối lại đàm phán xung quanh vấn đề này.
Dự kiến trong chuyến thăm Nga, Ngoại trưởng Kishida sẽ gặp các quan chức Nga để thảo luận về sự phát triển kinh tế, thương mại tại vùng Viễn Đông của Nga. Diễn đàn này cũng có sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản.
5. Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, 3 tàu của lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngày 19/9 đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang tranh chấp giữa hai nước
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết các tàu trên đi vào lãnh hải Nhật Bản vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương) và ở lại khoảng 2 giờ đồng hồ. Tàu tuần tra của JCG đã kêu gọi tàu Trung Quốc dừng các hoạt động khảo sát ở vùng biển này.
Dự luật an ninh mới được Quốc hội Nhật Bản thông qua có gì đặc biệt?
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa khoảng 400km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.
Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo tại đây hồi tháng 9/2012.
6. Ngày 19/9, những người ủng hộ dân chủ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã bất chấp lệnh cấm biểu tình, tiến hành một cuộc tuần hành hiếm hoi để bày tỏ sự phản đối chính quyền quân sự.
Biểu tình ở Bangkok hôm 19/9. (ảnh: Reuters) |
Hơn 200 người đã tuần hành hòa bình tới Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, địa điểm mang nhiều tính biểu tượng và là điểm nóng cho người biểu tình ở Thái Lan trong những năm gần đây.
Đám đông mang các băng rôn phản đối chính quyền quân sự và hô khẩu hiệu ủng hộ dân chủ. Cảnh sát đã theo dõi chặt chẽ sự kiện này song không can thiệp.
Những người biểu tình trên thuộc một nhóm tự xưng là Phong trào Dân chủ Mới, kêu gọi tuần hành để đánh dấu lễ kỷ niệm tròn 9 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hồi năm 2006, sự kiện được nhiều người coi là thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 1 thập niên qua của Thái Lan./.