Thế giới 24h:Bất ngờ tìm thấy kho vũ khí khủng của IS ở Palmyra, Syria
VOV.VN - Nga vừa phát hiện và khai quật một trong những kho vũ khí lớn nhất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) với hơn 12.000 thiết bị gây nổ.
1. Các chiến sỹ công binh Nga đã phát hiện ra kho vũ khí này khi làm nhiệm vụ dọn dẹp chất nổ, bom mìn tại thành phố Palmyra, vừa được quân đội Syria giải phóng hôm 27/3 vừa qua với sự hỗ trợ của không quân Nga.
Các tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. (Ảnh: Independent). |
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, kho vũ khí này nằm ở ngoại ô thành phố và được ngụy trang khá kỹ, trong đó bao gồm các loại mìn, đạn súng cối cỡ lớn, đạn pháo, mìn chống tăng…
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bảo vệ kho vũ khí này bằng một hệ thống hàng nghìn ngòi nổ điện và ngòi nổ tự chế điều kiển bằng sóng radio nối với 9 quả bom để phá hủy nếu bị phát hiện.
Ông Igor cho biết, kho vũ khí này đã bị vô hiệu hóa và toàn bộ số thiết bị nổ đã được dọn dẹp, đưa đến nơi an toàn để phá hủy. 5 loại vũ khí của IS mà Mỹ sợ phải đối đầu
2. Nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/4 đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các chuyên gia, chuyến thăm này nhằm tạo đà mới cho thỏa thuận về nhập cư mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cảnh báo sẽ không tiếp tục thực hiện. Vấn đề khúc mắc chính hiện nay giữa hai bên chính là sự không rõ ràng trong điều khoản liên quan tới việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (ảnh: AP). |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans và Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều tối 22/4 đã tới thành phố Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria để thăm một trai tị nạn và gặp Thủ tướng nước chủ nhà Ahmed Davutoglu.
Chuyến thăm diễn ra 3 tuần sau khi thỏa thuận gây tranh cãi giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nhập cư được xem là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
3. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm 4 ngày tới Anh, từ 21-24/04 nhằm khẳng định lập trường của Mỹ trong vẫn đề Anh sẽ đi hay ở lại EU. Theo các nhà phân tích, với mối quan hệ được đánh giá là đặc biệt trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay, với những điểm tương đồng lớn về lịch sử, văn hóa và lợi ích chiến lược, chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự lựa chọn của nước Anh trong vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron. (ảnh: Reuters). |
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron ở thủ đô London, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22/4 một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ rằng, nước Anh nên ở lại Liên minh châu Âu, đồng thời cảnh báo, nếu lựa chọn rời Liên minh châu Âu, tức là nước Anh đã “tự làm khó mình” trong các mối quan hệ thương mại với Mỹ.
Tổng thống Obama nói: “Quyết định cuối cùng thuộc về cử tri Anh. Nhưng với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta, tôi xin thẳng thắn nói rằng, đây là một trong những vấn đề quan tâm sâu sắc của Mỹ vì nó ảnh hưởng tới các triển vọng của chúng ta. Mỹ muốn một Vương quốc Anh mạnh mẽ với vai trò là một đối tác, song nước Anh mạnh nhất là khi các bạn đóng góp vào một châu Âu mạnh mẽ”.
Trước đó một ngày, ngay khi vừa đặt chân tới London tối 21/4, Tổng thống Obama cũng đã thẳng thắn thể hiện lập trường này trước báo giới Anh. Việc Tổng thống Mỹ dành hẳn 4 ngày cho chuyến thăm Anh cho thấy mức độ quan tâm của chính phủ Mỹ đối với tương lai của nước Anh như thế nào. Bởi nếu đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu rời khỏi Liên minh châu Âu thì điều này sẽ làm suy yếu đáng kể các mối quan hệ giữa Mỹ và các thể chế tại châu Âu. Hoàng tử bé nước Anh thức muộn để gặp Obama
4. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 22/4 cho biết, bà sẽ kháng nghị lên Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) nếu bị luận tội một cách phi pháp.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (ảnh: Reuters). |
Phát biểu trước các lãnh đạo thế giới khi tham dự lễ ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu ngày 22/4 ở New York, Mỹ, bà Dilma Rousseff tuyên bố sẽ kêu gọi Mercosur đình chỉ tư cách thành viên của Brazil nếu tiến trình dân chủ tại nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này bị phá vỡ. Tổng thống Rousseff một lần nữa khẳng định, những âm mưu đưa bà ra luận tội là “một cuộc đảo chính”.
Khối thị trường chung Nam Mỹ có một điều khoản về dân chủ được áp dụng khi một chính phủ dân bầu bị lật đổ ở bất cứ quốc gia thành viên nào và lần mới đây nhất Mercosur phải vận dụng điều khoản này là năm 2012 với Paraguay. Việc bị đình chỉ tư cách thành viên có thể dẫn tới những thiệt hại về lợi ích thương mại. Bị dồn ép phải từ chức, Tổng thống Brazil quyết chiến đấu đến cùng
5. Các nhân viên điều tra Panama ngày 22/4, lại đột kích một văn phòng của hãng luật Mossack Fonseca, tâm điểm của vụ bê bối gian lận thuế những ngày qua.
Các nhân viên điều tra đã thu giữ nhiều túi tài liệu bị xé hủy làm bằng chứng. Nhân viên điều tra của Panama chuyên về tội phạm có tổ chức, ông Javier Caraballo cho biết, họ đã tìm được nhiều bằng chứng khác có liên quan.
Hãng luật Mossack Fonseca, tâm điểm của vụ bê bối gian lận thuế những ngày qua. (ảnh: Reuters). |
Trong một thông cáo, hãng luật Mossack Fonseca cho biết, họ đã số hóa tất cả các tài liệu nên những mẩu giấy bị xé hủy mà cảnh sát lấy từ văn phòng của công ty này chỉ là giấy mang đi tái chế.
Hãng luật này cũng cho biết, trong lần lục soát trước đó, các điều tra viên đã có tất cả bản sao của những tài liệu phát hiện ngày 22/4.
Vụ rò rỉ thông tin có tên Hồ sơ Panama liên quan đến hãng luật Mossack Fonseca đã khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới điêu đứng vì những thông tin trong đó đã bóc trần nhiều tài khoản mờ ám của họ ở nước ngoài.
Trong khi đó, hãng luật Mossack Fonseca luôn khẳng định, họ không vi phạm luật, không phá hủy tài liệu và toàn bộ hoạt động của họ là hợp pháp. Mỹ “đứng sau” Hồ sơ Panama để công kích Nga?
6. Hàn Quốc hôm nay (23/4) cho biết: Triều Tiên đã bắn một vật thể được cho là tên lửa ra khu vực ngoài khơi vùng biển phía Đông của nước này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Yonhap). |
Nguồn tin từ văn phòng Tổng tham mưu Trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên thực hiện vụ bắn tên lửa vào lúc 18h30 phút chiều nay (giờ địa phương), tức 16h30 phút (giờ Việt Nam).
Trước đó vào ngày 15/4 vừa qua, Triều Tiên cũng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên, song vụ phóng dường như đã thất bại.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến căng thẳng.
Đầu tháng 3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6/1 và phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7/2 vừa qua, mà phương Tây cho là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa./. Thế giới 7 ngày: Triều Tiên dọa tấn công chớp nhoáng tiêu diệt kẻ thù